- Lại mới đọc được bài báo nào giật đùng đùng lên là cà phê độc hại, uống vào làm giảm tuổi thọ trí nhớ à?
- Đúng là ngồi quán cà phê độc hại thật, có điều không liên quan gì đến cà phê. Tôi sợ nhất là gặp đám thanh niên, ngồi nghe đám này “chém gió” một lúc đứng lên xây xẩm mặt mày, nơ-ron thần kinh chết hàng loạt.
- Ông nói tôi mới nghĩ lại, thấy tình trạng đó đáng ngại thật. Sao bây giờ nhiều người cứ thích “chém” một tấc đến trời thế nhỉ?
- Tôi cho rằng đó là biểu hiện bên ngoài của một nỗi sợ hãi.
- “Chém gió” thì liên quan gì đến sợ hãi? Toàn thấy những người nói đến văng nước bọt, chuyện gì cũng như thánh như tướng, có mà làm người khác phát sợ ấy.
- Đấy là họ cố làm như vậy thôi. Thực ra người ta có nhiều nỗi sợ khi ra trước đám đông, nhưng nỗi sợ lớn nhất, cũng là “đặc sản” của thanh niên Hà Nội là sợ bị chê chuyện trò nhạt nhẽo. Khi tìm cách giải quyết nỗi sợ ấy, họ lại chọn sai phương pháp, cứ nghĩ nếu đưa ra nhiều thông tin thì nói chuyện sẽ đậm đà, thú vị, hay ho, nâng tầm con người mình lên trước thiên hạ.
- Cũng phải thú vị thì những người xung quanh mới gật gù, mắt tròn mắt dẹt tán thưởng chứ!
- Thì công nhận là trong một cuộc gặp, kiểu nói chuyện “anh đây biết tuốt” có thể làm cho một số người thấy ngồ ngộ, vui vui, nhưng không bền, nhiều khi còn có hại. Trên trời dưới bể lôi hết ra rồi, quay sang soi mói đời tư người này người nọ, có ai trót phạm lỗi thì ném đá, bóp méo đủ chuyện... Ông cũng tránh xa những chỗ ấy đi, không khéo nhiễm lúc nào không biết.