Từ chuyện quét vôi Văn Miếu: Vì sao người dân không thấy đẹp?

ANTD.VN - Chuẩn bị hồ sơ xin chỉnh trang từ tháng 5-2016, qua nhiều khâu thẩm định, mời cả đơn vị tư vấn thiết kế thuộc Viện bảo tồn di tích, song việc quét vôi trên một số tường bao, cổng Đại trung, giếng Thiên Quang, nhà Đình bia… vẫn nhận được sự phản ứng trái chiều từ dư luận.

Việc dư luận phản ứng trước mỗi công trình di tích “tự dưng mới” từ lâu không còn là chuyện quá đỗi bất ngờ. Vì nhẽ, các di tích cũ kỹ, rêu phong, hay thậm chí xuống cấp trầm trọng, một ngày bỗng dưng ngay ngắn, sạch tinh tươm, hẳn là không quen mắt. Cái sự cũ kỹ kia nó đã thành thói quen mất rồi.

Dư luận phản ứng còn bởi, từ nhiều năm nay, công cuộc trùng tu tu bổ đã “góp phần” kéo lùi niên đại không biết bao nhiêu là đình, là chùa, là đền, là tháp… Bài học đau đớn có, di tích tan hoang vì thợ vụng, thợ ẩu, ý tưởng tồi cũng đã có. Cuộc họp tổng kết năm nào về di tích của Bộ VHTT&DL mà chẳng nóng hơn nước sôi. Thế mà rồi, cùng lắm là khiển trách. Chưa ai “làm sao” vì góp phần kéo lùi niên đại di sản dẫu được xếp hạng quốc gia.

Thành cổ Sơn Tây còn lại chưa "bị" tu bổ

Các nhà khoa học cũng đã từng nhiều lần ngồi lại với nhau. Tranh luận kịch liệt vì phương pháp tu bổ.

Theo nguyên tắc trùng tu, các loài ký sinh, sống trên di tích thì phải loại bỏ, để đảm bảo an toàn kết cấu công trình. Song, ví dụ cụ thể là cổng thành cổ Sơn Tây. Một cây đa to, trùm cả bộ rễ lên cổng, cái cây đa ấy, đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, chứng kiến bao nhiêu biến cố thăng trầm của tòa thành. Đùng một ngày, một trong hai cây đa biến mất, nhường chỗ cho cái cổng mới trùng tu.

Cổng thành sau khi tu bổ

Khi đó, người ta mới ớ ra rằng, chính cái cây đó đã trở thành một phần không thế tách rời của di sản này. Thiếu cái cây, chiếc cổng đâm ra mất duyên. Nghĩa là, ở trường hợp tu bổ cụ thể này, cái cây rất cần phải giữ.

Trong một diễn biến khác, khi tu bổ thành cổ Tuyên Quang. Trên cổng thành cũng có một cây ký sinh mọc xòa xuống. Các nhà khoa học nhất trí chặt để bảo tồn kiến trúc. Dư luận lại bất bình. Nhưng lần này lý trí thắng con tim. Bởi lẽ, với riêng thành cổ Tuyên Quang thì không thể không chặt cây ký sinh kia...

Thành cổ Tuyên Quang khi chưa tu bổ

Nhìn cái cổng mới chán ơi là chán. Chẳng còn hồn vía nào của di tích cả. Thế nhưng để bụi cây thì một thời gian nữa thôi là cổng sẽ sụp.

Liệt kê những chuyện “muôn năm cũ” ra để thấy, tu bổ di tích vừa cần đầy đủ những nguyên tắc, những quy định, nhưng bên cạnh đó lại cũng cần sự linh hoạt mềm dẻo đối với từng di tích. Chẳng phải di sản nào cũng áp chuẩn sát sạt như nhau được. Di sản này được phép quét vôi, di sản khác lại không thể là vì thế.

Sau khi tu bổ xong, chặt cây sống ký sinh, thành cổ Tuyên Quang bị nhiều người gọi là "cái lò gạch"

Loại đi các trường hợp không liên quan đến câu chuyện đang bàn, kiểu như thợ vụng, thợ ẩu. Loại đi cả những “sân sau” trong quá trình tu bổ, đại khái như đơn vị thi công trùng tu di sản là một doanh nghiệp chuyên xây… cao ốc (vì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác, mà trong khuôn khổ bài báo nhỏ này chưa bàn hết được) thì nghề tu bổ di tích đúng là một nghề “làm dâu trăm họ”. Trong khi cả thế giới còn loay hoay cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, thì đương nhiên nghề tu bổ di tích ở ta cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Văn Miếu là một trong những di sản quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, một trong những top đầu bảng đón lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan hàng năm. Di sản này đúng là một nơi mà mọi thay đổi đều có thể gây dư luận.

Chính vì thế, việc quét vôi sáng choang (dù là vôi ta trộn với than bùn để dìm màu xuống) một số hạng mục phụ trợ (hạng mục chính giữ nguyên vẹn) thì cũng gây ra những xáo trộn nhất định.

Mặc cho người đứng đầu Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu khẳng định là chỉ ra Giêng thôi rêu lại bám, thì vẫn có rất nhiều phản ứng.

Văn Miếu đã vận hành chuyên nghiệp từ hơn chục năm nay, nhưng không phải mọi thứ ở đây đều đã gọn gẽ. Ngoài khu vực nội tự được quan tâm đặc biệt thì lâu nay vườn Giám và hồ Văn vẫn ít được du khách nhớ tới như là một thành phần bất biến của di sản. Được biết, trong thời gian tới thì Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể. Dự kiến, quy hoạch này sẽ kết nối 3 địa điểm kể trên với nhau.

Theo thông tin mới nhất, Quy hoạch tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất có thể được phê duyệt vào năm 2017 bởi vì bản Quy hoạch mới đang được đề xuất lên Bộ VHTT&DL.

Theo đề xuất của bản Quy hoạch này sẽ có các hạng mục như: Phục dựng cây cầu dẫn đường vào gò Kim Châu, tạo hoạt động văn hóa văn nghệ, giáo dục di sản tại vườn Giám… Tuy nhiên, giải tỏa bãi gửi xe nằm trong khu vực vườn Giám là bài toán vẫn còn đau đầu người làm Quy hoạch.

Chùm ảnh Văn Miếu sau khi quét vôi một số hạng mục:

Sau nhiều năm sử dụng, di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng có một số hạng mục xuống cấp, cần tu sửa lại

Tả thanh long, bức phù điêu ngoài cổng chính đã bong tróc nhiều chỗ

Hữu bạch hổ cùng cần phải tu sửa lại

Thêm một hình ảnh Văn Miếu xuống cấp một số hạng mục.