Xung quanh việc quét vôi tường Văn Miếu: Chỉ là chỉnh trang, dọn dẹp vệ sinh?

ANTD.VN - Trước việc Văn Miếu - Quốc Tử Giám quét vôi một số bức tường bên trong khuôn viên di tích màu trắng xám, đã có nhiều cuộc tranh luận, người thì cho đây là hành động làm mới di tích, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tu sửa nhỏ là cần thiết để chống xuống cấp.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ quét vôi những hạng mục mới xây dựng từ năm 1994

Một số hạng mục được quét vôi lần này gồm có cổng Đại Trung môn, Thiên Quang tỉnh, các tường bao cùng một số hạng mục chủ yếu mới xây dựng từ năm 1994.

Chiều 9-1, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi cùng ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) được biết, qua quá trình sử dụng, các hạng mục này bị bẩn và nấm mốc như nhà Bái Đường, gần 20 năm chưa khảo sát vệ sinh cấu kiện. “Khi triển khai việc này chúng tôi đã mời đơn vị khảo sát kết cấu, họ tư vấn cần quét vôi và trám lại những chỗ vôi vữa sứt mẻ” - ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.

 Để thực hiện việc tu bổ này, từ tháng 5-2016, Trung tâm Văn Miếu đã báo cáo lên các cấp có thẩm quyền như Sở VH-TT, UBND TP Hà Nội và được đồng ý sửa chữa các hạng mục như: vệ sinh cấu kiện gỗ, sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim Bái đường, hậu cung Văn Miếu, quét vôi trám hóa bề mặt tiêu biểu, tường ngăn khu di tích (chỉ lớp mái, mũ tường, chân tường được tẩy sạch, giữa bức tường không quét).

Kinh phí việc sửa chữa lấy từ nguồn của Trung tâm. Ông Lê Xuân Kiêu khẳng định: “ Đây là tu bổ nhỏ, không đáng nhiều tiền”. Được biết, đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn sửa sang tại Văn Miếu là Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích (thuộc Viện Bảo tồn di tích). 

Các hạng mục tiến hành quét vôi đều được xây dựng từ năm 1994, đa phần cấu kiện gồm vôi, vữa… chính vì thế sau một vài năm là nấm mốc, rêu bám. “Chúng tôi sử dụng vôi và than bùn để quét nên chỉ qua tháng Giêng là các bức tường mới quét sẽ xuống màu, trầm hơn. Việc này không ảnh hưởng đến sự cổ kính của di tích. Chúng tôi cũng tham khảo cách làm này từ nhiều di tích, đặc biệt là đền Ngọc Sơn” - ông Lê Xuân Kiêu khẳng định. 

Một số hạng mục chính của di tích Văn Miếu là tứ trụ, cổng chính, Khuê Văn Các, nhà Bái đường, nhà Thái học… do tính chất phức tạp nên chỉ làm vệ sinh, không quét vôi.