Trò chuyện về văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

ANTD.VN -Vào 19h ngày 16-2 tại NXB Thế giới (46 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), buổi trò chuyện văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu sẽ có sự tham gia của GS Nguyễn Chí Bền- nguyên Giám đốc Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, ông đồng thời là người dẫn đầu trong đội ngũ lập hồ sơ trình UNESCO

Chương trình gồm các nội dung: Nguồn gốc và tín ngưỡng Thờ Mẫu, các thành phần chính và ý nghĩa, thông tin về âm nhạc, ca hát, lễ, biểu diễn, hầu đồng, thủ tục trình hồ sơ cho UNESCO, 2 màn trình diễn nghi lễ (với trang phục/âm nhạc). Bên cạnh đó, buổi trò chuyện sẽ được hỗ trợ với hình ảnh và diễn giải.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.

Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.

Trong dân gian, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ.

Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghi lễ Chầu văn, hay còn gọi là hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi tín ngưỡng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.