Trào lưu “sống ảo” trên mạng xã hội và lằn ranh đạo đức (3): Siết chặt để trả lại một không gian mạng an toàn và sạch “rác”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Thế giới ảo”, “sống ảo” là những cụm từ vẫn được mọi người sử dụng khi đề cập đến các vấn đề trên mạng xã hội. Nhưng thực tế cho thấy, lượng thông tin khổng lồ được đăng tải hàng ngày trên đó lại đang tác động trực tiếp đến cuộc sống ngoài đời thật. Người ta không chỉ xem “sống ảo” như một thú vui hay phương cách để giải trí, mà còn lợi dụng nó như một phương tiện để kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp việc vi phạm đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục và vi phạm cả các quy định pháp luật hiện hành.

* Cần có thêm hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn để điều chỉnh hành vi của người dùng mạng xã hội

Không có vụ việc nào bị xử lý sẽ khiến người vi phạm coi hành vi tự ý quay chụp, đăng tải hình ảnh của người khác là chuyện hết sức bình thường

Không có vụ việc nào bị xử lý sẽ khiến người vi phạm coi hành vi tự ý quay chụp, đăng tải hình ảnh của người khác là chuyện hết sức bình thường

Gõ cụm từ “đánh ghen bằng mũ bảo hiểm” trên công cụ tra cứu Google, ngay lập tức cho ra 410.000 kết quả trong vòng 0.44 giây. Mở rộng vùng tìm kiếm với cụm từ “clip đánh ghen” thì có tới 2,6 triệu kết quả được tìm thấy trong vòng 0.35 giây. Đi kèm với những kết quả này là hình ảnh về những vụ đánh ghen từ trong nhà ra tới ngoài đường. Điểm chung của những clip này là đều có sự “cổ vũ” một cách phản cảm của rất nhiều người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc và các clip sau đó đều được phát tán trên nhiều kênh mạng xã hội khác nhau. Thậm chí, bối cảnh xảy ra sự việc càng ở chỗ công cộng thì người trong cuộc lại càng không kiểm soát được hành vi của mình bởi hầu hết đám người vây quanh hùa vào kích động.

Đơn cử như vụ việc được cho là “đánh ghen bằng mũ bảo hiểm”, giữa lúc một người phụ nữ mặc quần áo chống nắng kín mít, mặt đeo khẩu trang đang tìm cách đập vỡ kính của một chiếc xe ô tô, dù chưa biết thực hư sự việc thế nào, bên trong chiếc xe ô tô kia là ai, đám đông vây quanh chiếc ô tô này không ngừng hô hét: “cố lên, cố lên”, “đập chết nó đi”… Một người phụ nữ đang gội đầu cũng chạy nhào ra đường, đầu quấn vội chiếc khăn, tay lăm lăm chiếc điện thoại di động tìm cách ghi lại hình ảnh ở bên trong chiếc xe. Thậm chí, khi kính xe ô tô bị đập vỡ, nhiều người còn lao vào giúp người phụ nữ kia gỡ từng mảng kính ra cho nhanh.

Chế tài xử phạt nhẹ, người bị xâm phạm ngại kiện, người vi phạm “mặc kệ”

Trao đổi về điều này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc sử dụng các kênh mạng xã hội như:

Facebook, YouTube, TikTok… để phát livestream, chia sẻ hình ảnh, clip sử dụng thông tin, hình ảnh riêng tư của người khác khi chưa xin phép, đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Ngay như việc tự ý quay, chụp rồi đăng tải hình ảnh, clip đám cưới, đám ma cũng là vi phạm các quy định trong Bộ luật Dân sự vì đó là những thông tin thuộc về hình ảnh cá nhân mà mỗi người đều được pháp luật bảo hộ và bảo vệ. Trong trường hợp muốn sử dụng các thông tin cá nhân thuộc về người khác thì phải được sự đồng ý của họ, trong trường hợp đám tang thì phải xin phép người thân của người đã mất.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức quốc tế Wearesocial, thời điểm tính đến quý I-2020, Việt Nam đã có hơn 68 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 70% dân số), trong đó có hơn 65 triệu người dùng các dịch vụ mạng xã hội; Facebook có hơn 61 triệu người dùng và YouTube có khoảng 35 triệu người dùng, vươn lên trở thành hai trong số các kênh mạng xã hội nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Cùng với đó thì các hoạt động đăng tải, lan truyền các thông tin xấu độc, không phù hợp thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật Việt Nam cũng diễn biến phức tạp trên các nền tảng dịch vụ này.

Ngay cả hình ảnh biển số xe, thông tin về nơi ở, gia đình, con cái… vô tình xuất hiện trong livestream hay bức ảnh, đoạn clip nào đó bị đăng tải lên mạng xã hội mà chưa xin phép, cũng là hành vi vi phạm pháp luật. “Việc đăng tải hình ảnh cá nhân nào đó lên mạng xã hội có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của họ, chưa kể việc bị đối tượng xấu lợi dụng để có những hành vi xâm phạm” - luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết và phân tích, dù xác định rõ những hành vi trên là vi phạm pháp luật nhưng trên thực tế, đó vẫn là quyền dân sự của mỗi người và quyền đó chỉ được xem xét giải quyết bằng con đường tòa án hoặc con đường hành chính nếu có đơn yêu cầu từ phía người bị hại, người bị xâm phạm. Nếu không, cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ cơ sở pháp lý để xử lý, mà không có vụ việc nào bị xử lý sẽ dần dẫn đến tâm lý người vi phạm coi hành vi tự ý quay chụp, đăng tải hình ảnh của người khác là chuyện hết sức bình thường và tự cho mình quyền nghiễm nhiên tiếp tục vi phạm.

Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, đối với các hành vi vi phạm nêu trên, Nhà nước đã có những quy định pháp luật cụ thể để xử lý như: chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài hình sự. Nếu các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng lớn đến người bị xâm phạm, gây tính chất hậu quả lớn, bị khởi kiện ra tòa, bị xử lý theo chế tài hình sự thì có tính chất răn đe, cảnh tỉnh rõ ràng. Trong trường hợp người vi phạm bị xử lý theo chế tài hành chính, dân sự, chỉ bị xử phạt vài triệu đồng về các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, thì biện pháp xử phạt này xem ra còn rất nhẹ. Nhiều người sau khi nộp phạt tiền xong, thấy số tiền vài triệu đồng không quá lớn, thành ra sau đó vẫn bất chấp các quy định để vi phạm. Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, ở Việt Nam có rất ít vụ kiện về việc bị xâm phạm đời tư trên mạng xã hội cũng còn bởi lý do cơ chế tố tụng ở nước ta tương đối lâu, việc chứng minh được thiệt hại thực tế là rất khó nên người ta ngần ngại, không muốn theo kiện, có chăng chỉ là làm đơn gửi lên cơ quan chức năng để họ có biện pháp xử lý.

Theo tìm hiểu của luật sư Nguyễn Thanh Hà, ở nước ngoài chỉ cần người nổi tiếng bị đưa thông tin vu khống, sai sự thật thì ngay lập tức, họ sẽ khởi kiện người tung tin ra tòa án theo con đường dân sự với mức xử phạt cực kỳ lớn, từ mấy trăm nghìn đến mấy triệu USD. Số tiền xử phạt này đủ khiến người vi phạm phải ngần ngại trước khi định có hành vi xâm phạm thông tin đời tư, hình ảnh cá nhân của người khác. “Đối với thực trạng mạng xã hội hiện nay, mỗi người khi bị xâm phạm hình ảnh, thông tin cá nhân thì phải có động thái mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nhiều người thực hiện việc này thì việc xử phạt mới có sức lan tỏa, răn đe, tạo ra tiền lệ, án lệ để những người sau không dám vi phạm nữa” - luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, đồng thời cho rằng với sự phát triển ồ ạt của mạng Internet, hàng loạt các nền tảng trực tuyến ra đời, người ta càng có nhiều sự lựa chọn công cụ, phương tiện để thể hiện bản thân mình nhưng hiện nay ở nước ta vẫn cần có thêm hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn để điều chỉnh hành vi của người dùng mạng xã hội.

Mặc dù các kênh mạng xã hội đều đưa ra các thông tin, điều khoản đối với người đăng ký sử dụng nhưng nhiều người không bận tâm, không tìm hiểu kỹ nên dẫn đến việc không phân biệt được như thế nào là vi phạm. Ví như việc một người có thể dùng tài khoản mạng xã hội của mình đăng tải bài viết gắn kèm hình ảnh của người khác vào mục đích xấu mà không cần hỏi ý kiến, trừ khi người bị gắn kèm có động thái báo cáo với nhà quản trị kênh mạng về hành vi này thì bài viết đó may ra mới có thể bị gỡ khỏi mạng xã hội. Tuy nhiên, ngay khi bài viết này được đăng tải và gây chú ý thì đã lập tức được không ít cư dân mạng sao chép, chụp màn hình lại... để chia sẻ khắp các diễn đàn và hội nhóm.

Nhấn mạnh về câu chuyện pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, mặc dù đã có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt đối với những vi phạm trên mạng xã hội nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ, nhiều người vì mục đích “câu view” (lượt xem), “câu like” (lượt yêu thích) để có được nguồn lợi nhuận, doanh thu từ kênh của mình… nhưng lại biện minh rằng mình làm vậy là đang sáng tạo nội dung mà cố tình không hiểu rằng, việc sáng tạo nội dung mà dựa vào hành vi vi phạm pháp luật thì đó là hành vi đáng lên án. Dù thế, những hành vi này vi phạm đến mức độ nào thì bị xử lý về mặt hình sự, đó là cả vấn đề pháp lý mà đôi khi người bị vi phạm phải có đơn khởi kiện, hay những vụ việc gây ồn ào dư luận thì cơ quan chức năng trên căn cứ đó mới vào cuộc xử lý.

Nguyên nhân khiến không gian mạng trở nên nhốn nháo, khó kiểm soát thông tin

Trên thực tế, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định rõ ràng về các hành vi vi phạm trên không gian mạng và chế tài xử phạt cụ thể. Trong đó có Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Các quy định trong luật này cũng nêu rất rõ việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nằm trong các hành vi bị cấm.

Trong trường hợp vu khống, người vi phạm xúc phạm người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, với Tội làm nhục người khác, khung hình phạt cao nhất là 30 triệu đồng đối với phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ 3 năm và 5 năm đối với phạt tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Còn với Tội vu khống người khác, khung hình phạt cao nhất là 7 năm đối với hình phạt tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Có thể liệt kê một số hành vi bị cấm như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ngày 3-2-2020. Theo đó, quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, để nhận biết thế nào là nội dung độc hại trên không gian mạng thì cần căn cứ vào những quy định của pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể những thông tin nào là vi phạm pháp luật, thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, từ Bộ luật Hình sự đến các văn bản dưới luật khác. Trong Luật An ninh mạng, tại Điều 16 của luật này cũng đã quy định cụ thể các nội dung thông tin vi phạm pháp luật, đồng thời xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.

Việc ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân nhằm xây dựng không gian mạng lành mạnh, hạn chế tối đa các nguy cơ có thể nảy sinh. Việc ngăn chặn này có thể được thực hiện thông qua các biện pháp như: tố cáo nội dung vi phạm pháp luật qua các chức năng của dịch vụ được cung cấp; tố cáo tới các cơ quan chức năng nếu xác định hành vi đó gây ảnh hưởng tới quyền lợi bản thân, người khác; lên án, tố giác nhưng chủ thể đăng tải thông tin vi phạm pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gỡ bỏ, ngăn chặn nội dung sai phạm.

Nhận định trước ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến không gian mạng trở nên nhốn nháo, khó kiểm soát thông tin cũng do cách quản lý lỏng lẻo của các kênh mạng xã hội đã tạo kẽ hở cho nhiều người tạo ra các nội dung vi phạm chính sách nền tảng và quy định của pháp luật, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bày tỏ, thông tin xấu độc không chỉ là nỗi lo của riêng nước nào mà hiện đã và đang là vấn nạn của toàn thế giới.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng này là do chính sách quản lý dịch vụ của các doanh nghiệp, vì doanh thu hoặc hạn chế về kỹ thuật mà không tạo được cơ chế xử lý triệt để các thông tin xấu độc, không phù hợp. Nguyên nhân tiếp theo là do nhận thức của người sử dụng mạng xã hội bởi nhiều người chưa nghiêm túc để đấu tranh nhằm xóa bỏ triệt để, không nghe, không tin theo những nội dung, thông tin vi phạm pháp luật. Và cuối cùng còn một nguyên nhân khác, đó là do sự “lạc hậu” về mặt khách quan của pháp luật bởi các quy phạm pháp luật thường ra sau thực trạng và có thể “lạc hậu” theo thời gian. Với tốc độ số hóa hiện nay thì “vòng đời” của các văn bản quy phạm pháp luật thường bị rút ngắn lại.

“Giới trẻ muốn khởi nghiệp bằng việc phát triển nội dung trên các kênh mạng xã hội, muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực nào thì phải hiểu và nắm vững các quy định về pháp luật ở lĩnh vực đó, Chỉ có tồn tại được mới phát triển được” - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhận định - “Hiện nay còn tồn tại một thực trạng khác là nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước có xu hướng dịch chuyển hoạt động cung cấp nội dung thông tin lên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, tạo lập, quản lý những cộng đồng người dùng lớn nhưng lại thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát thông tin. Đặc biệt, nhiều tài khoản mạng xã hội truyền bá các thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục, cổ súy tệ nạn xã hội, tuyên truyền lối sống lệch lạc gây tác động xấu tới xã hội, tạo ra trào lưu không lành mạnh, cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra tràn lan hơn. Đã đến lúc, sự lỏng lẻo từ ý thức người sử dụng mạng xã hội cho tới khâu kiểm soát thông tin của các kênh mạng cần phải được siết chặt hơn để trả lại một không gian mạng an toàn và sạch “rác”.

Về biện pháp xử lý các thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nêu rõ:

Lực lượng Công an triệu tập, xử phạt đối với những hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội

Lực lượng Công an triệu tập, xử phạt đối với những hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội

- Thứ nhất, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia mà trước hết, cần tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng; đồng thời cụ thể hóa, thực thi Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin và các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đi vào thực tiễn, xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng an ninh, an toàn, hình thành hành lang pháp lý, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong bảo vệ an ninh mạng nói chung và ngăn chặn thông tin xấu độc nói riêng.

- Thứ hai, cần nâng cao sự hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng đối với mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó người sử dụng mạng phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an ninh mạng, hiểu rõ những thông tin được phép đăng tải, chịu trách nhiệm về những nội dung, thông tin và hành vi đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng.

- Thứ ba, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an ninh mạng; tăng cường các biện pháp bảo mật, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để bảo vệ an ninh mạng. Tăng cường hợp tác giữa Nhà nước với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng công nghệ thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, nội dung trên Internet… nhằm huy động tiềm lực và sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng.

- Thứ tư, trên bình diện quốc tế, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cần hướng tới thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung dưới hình thức các Nghị định thư, Công ước, Điều luật quốc tế làm cơ sở cho các hành động quốc tế trong đảm bảo an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng.