Trào lưu “sống ảo” trên mạng xã hội và lằn ranh đạo đức (2): Tỉa sạch cỏ dại, chăm sóc mầm ươm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ đơn thuần “câu view” cho vui mà những bức ảnh, đoạn clip được người ta tranh giành nhau ghi lại rồi đăng lên mạng xã hội có thể đem lại lợi nhuận kinh tế. Có lẽ vì thế mà không ít người đã tạo thông tin giả, tin đồn ác ý, miễn sao thu hút càng đông người xem càng tốt…
Một cảnh tượng đánh ghen ngoài đường ngay lập tức được livestream lên mạng xã hội và thu hút hàng nghìn lượt xem

Một cảnh tượng đánh ghen ngoài đường ngay lập tức được livestream lên mạng xã hội và thu hút hàng nghìn lượt xem

Khi niềm tin đổ vỡ

Hiện nay, các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… đều có thể trở thành nơi người sử dụng có thể “bật nút” kiếm tiền nếu đạt được số lượng người “follow” (quan tâm theo dõi) nhất định. Ví dụ, chỉ cần có trên 10.000 người “follow” là một Tiktoker hay Facebooker đủ điều kiện kiếm tiền chính thức. Trong trường hợp muốn kiếm tiền sớm hơn thì người sử dụng có thể tăng tương tác bằng việc “livestream”. Nếu như trước kia việc kiếm tiền trên thế giới ảo có vẻ xa lạ thì giờ đây đã là điều… rất ít người không biết. Xu hướng kiếm tiền từ mạng xã hội nở rộ không chỉ tại Việt Nam và cũng không còn là điều chỉ giới trẻ quan tâm mà ngay cả người lớn tuổi cũng rất thành thạo. Minh chứng là những YouTuber cao tuổi rất hăng hái tham gia thế giới ảo như: “Ông Ba Vlog” (77 tuổi), “Bà già Vlog” (65 tuổi), “Bà Tân Vlog” (62 tuổi)…

Theo số liệu thống kê từ trang Social Blade, cách đây 2 năm, một kênh mạng xã hội do người cao tuổi làm chủ sở hữu (có 4,16 triệu người đăng ký) dù liên tục bị “bóc phốt” về nội dung phản cảm, thậm chí bị cơ quan chức năng xử phạt, thì thời điểm đó ước tính mỗi tháng vẫn đem lại cho chủ nhân từ 3.000 USD đến 48.700 USD (tương đương khoảng 68 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng). Tính trung bình mỗi năm, chủ kênh có thu nhập từ 36.500 USD đến 584.800 USD (khoảng 837,6 triệu đồng đến 13,4 tỷ đồng). Đó thật sự là nguồn lợi nhuận khổng lồ so với những công việc lao động bình dân chân chính.

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, khi mới sử dụng mạng xã hội bà rất tin tưởng các thông tin được đăng tải ở đây. Thế nên, khi đọc những tin về nghệ sĩ này, người nổi tiếng kia qua đời kèm theo hình ảnh, video clip cắt ghép, xoáy sâu vào đám tang thì bà rất “sốc”. “Sau này tôi mới vỡ lẽ, đó chỉ là tin giả, tin giật gân nhằm mục đích câu “view” và chỉ có kẻ vô trách nhiệm, vô văn hóa, vô lương tâm mới có thể làm như vậy. Từ đó, tôi không còn niềm tin vào những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội nữa” - GS.TS Từ Thị Loan nói.

Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, giữa đám tang mà tranh nhau chụp ảnh, quay phim, cười cợt thì quả thật đó là hành vi rất phản cảm, xấu xí, thể hiện lệch lạc về nhân cách. Không chỉ vậy, nếu như một người có thể lên mạng xã hội để cười trên nỗi đau của người khác thì ở ngoài đời chắc chắn cũng sẵn sàng làm ngơ trước những cảnh đời bất hạnh hay những thân phận cần giúp đỡ. “ Những người tạo ra thông tin không đúng sự thật, thông tin có tính chất “câu view” để kiếm tiền thì họ cũng sẵn sàng bất chấp cả đạo lý, lương tâm, trách nhiệm và tinh thần công dân. Tôi nghĩ việc làm của họ thời gian đầu có thể thu hút lượng người quan tâm nhất định, nhưng công chúng bây giờ rất thông minh, biết phân biệt kênh nào đưa thông tin chất lượng, kênh nào lừa đảo”. - GS.TS Từ Thị Loan khẳng định.

Nói thêm về vấn nạn này, GS.TS Từ Thị Loan cho hay, các ứng dụng mạng xã hội đã có khoảng 25 năm phát triển ở Việt Nam và đến thời điểm này chúng ta lọt vào Top các nước có tương tác cao, năng động về Internet. Tuy nhiên, dù người dùng Việt Nam tham gia sử dụng mạng xã hội ở Top 7, Top 10 thế giới, song đa phần là để giải trí, chơi game hoặc tán gẫu… gọi chung là “lang thang” trên mạng. Đáng buồn hơn, theo số liệu khảo sát được Microsoft công bố cách đây 1 năm thì Việt Nam là quốc gia thuộc Top 5 nước có chỉ số văn minh ứng xử trên mạng xã hội thấp nhất thế giới. Mặc dù, cơ quan chức năng đã có những quy định cụ thể về các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng mấu chốt vấn đề vẫn phải nằm ở ý thức của mỗi cá nhân. “Mạng xã hội cũng như vườn hoa vậy. Chúng ta phải tỉa sạch cỏ dại, chăm sóc mầm ươm, phải biết dùng mạng xã hội một cách văn hóa thì mới có thể vươn lên trên các bảng xếp hạng về ứng xử” - GS.TS Từ Thị Loan bày tỏ.

Clip, hình ảnh vụ việc được cho là đánh ghen bằng mũ bảo hiểm tràn lan trên mạng xã hội

Clip, hình ảnh vụ việc được cho là đánh ghen bằng mũ bảo hiểm tràn lan trên mạng xã hội

Xử phạt nặng để răn đe

Cùng đứng ở góc độ văn hóa, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhận định, lợi nhuận là một trong những lý do chính dẫn đến việc nhiều người dùng mạng xã hội cố tình vi phạm các giá trị đạo đức và pháp luật. Khi xã hội còn nhu cầu nghe, xem, đọc, thì một số TikToker, YouTuber, FaceBooker, Streamer… vẫn sẽ tạo ra những thông tin phản cảm, vẫn tìm cách gây dựng cho trang của họ trở nên nổi tiếng để kiếm tiền. Có một thực tế là vẫn còn ít người dùng bị xâm phạm thông tin đời tư mà khởi kiện ra tòa. Vì thế những

Tiktoker, Youtuber, Facebooker, Streamer bất chấp mọi vi phạm kia vẫn coi việc làm của họ là bình thường. Mặt khác, dù chúng ta đã có Luật An ninh mạng, nhưng việc thực thi thế nào vẫn là vấn đề cần quan tâm. Ví như, rõ ràng chúng ta đã có Luật Giao thông đường bộ, nhưng đi qua ngã ba, ngã tư mà không thấy bóng dáng Cảnh sát giao thông thì nhiều người vẫn cố tình vượt đèn đỏ.

“Khi đưa hình ảnh, clip lên mạng xã hội mà không bị ai phản ứng, không bị ai kiện thì sẽ dẫn tới tâm lý “nhờn”. Người ta sẽ thản nhiên với suy nghĩ “vi phạm nhưng có sao đâu”, lâu dần thành thói quen và cảm thấy đó là việc hết sức bình thường. Còn nếu như bị kiện, bị xử phạt nghiêm minh thì rõ ràng người có ý định vi phạm sẽ phải suy nghĩ, tính toán và cân nhắc về việc làm của họ. Để giải quyết triệt để vấn nạn này thì luật pháp nên có những quy định phạt thật nặng, thậm chí nếu cần thiết thì phải xử lý hình sự thì mới có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh. Những người có ý định vi phạm sẽ tự biết điều chỉnh hành vi, không dám bất chấp đạo đức và pháp luật để tạo ra những sản phẩm không lành mạnh trên mạng xã hội, từ đó xã hội mới bớt được những thứ nhiễu nhương” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết.

Trước ý kiến cho rằng, một số ứng dụng mạng xã hội trả tiền cho người sử dụng có lượng theo dõi cao (thông qua việc lồng ghép quảng cáo) có thể tiếp tay cho hành vi bất chấp các giá trị đạo đức của họ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhận định: “Các ứng dụng luôn sử dụng công nghệ để kiểm soát nội dung của người dùng, nhưng sự kiểm soát vẫn có lỗ hổng và đó là lý do tại sao ứng dụng phải cập nhật liên tục. Trong khi đó, người dùng lại luôn tìm cách để “lách rào”, việc này nếu phát hiện ra thì cần phải điều chỉnh bằng pháp luật”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Pháp luật tuy không cấm, nhưng đạo đức, văn hóa không cho phép

Nhìn vào những thông tin, hành vi phản cảm mà trên mạng xã hội, có thể thấy sự sụt lở, thiếu vắng văn hóa hiện nay là rất nghiêm trọng. Đôi khi người ta coi đó là những hành vi bình thường, không cảm thấy làm vậy là vi phạm đạo đức và pháp luật. Thậm chí có những người biết hành vi của mình là vi phạm nhưng vẫn cố tình làm bằng được để đạt mục đích riêng. Điều đó chứng tỏ họ không bao giờ đặt lợi ích của mình vào lợi ích cộng đồng, đấy là lối sống ích kỷ, biểu hiện xấu xí của chủ nghĩa cá nhân, chỉ quan tâm đến việc của mình mà bất chấp tất cả. Trong khi đó, đỉnh cao của văn hóa là tôn trọng con người và mang lại niềm vui cho người khác, muốn người ta tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người khác.

Mọi vấn đề đều xuất phát từ văn hóa và cần giải quyết gốc rễ từ văn hóa. Pháp luật dù cụ thể đến mấy cũng không thể nào bao quát được tất cả các hành vi xã hội. Có những điều pháp luật không cấm, nhưng đạo đức, văn hóa không cho phép. Và chỉ những người được giáo dục mới biết đâu là việc không thể làm, không được làm. Chúng ta phải thấy việc xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người, là quá trình liên tục từ trong nhà ra đến ngoài đường, từ nhà trường đến xã hội. Trước hết phải có những gia đình văn hóa, phụ huynh mẫu mực thì con cái mới noi gương, từ đó mới có trò ngoan, công dân tốt. Văn hóa chính là môi sinh của giáo dục, quá trình phát triển và hoàn thiện con người chỉ có thể nằm ở trong văn hóa và bằng văn hóa.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Cần xử lý hình sự để cảnh tỉnh những ai có ý định vi phạm

“Ngày nay chúng ta có rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, có nhiều cách để truyền tải thông tin, riêng mạng xã hội thì tốc độ lan tỏa còn nhanh hơn nữa. Nếu như trước kia người ta còn quan tâm, tôn trọng những người xung quanh thì giờ đây họ chỉ nghĩ đến việc mình được quyền thế này, mình được quyền thế khác mà ngó lơ những phạm trù đạo đức. Để điều chỉnh các hành vi đó, Nhà nước đã có những quy định pháp luật cụ thể, nhưng theo tôi mức độ xử phạt còn hạn chế. Thực tế, với mức xử phạt hành chính chỉ vài triệu đồng là không thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận mà họ thu được từ việc tạo ra các sản phẩm vi phạm. Vì thế, tôi cho rằng cần phải tăng mức phạt lên cao hơn, có tính răn đe hơn, không chỉ phạt tiền mà cần thiết thì xử lý hình sự. Có như thế mới đủ sức răn đe và cảnh tỉnh cho những ai có ý định vi phạm”.

(Còn nữa)