Sớm tăng lương tối thiểu vùng giúp người lao động giảm bớt áp lực cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các chuyên gia, tăng lương tối thiểu vùng giúp cải thiện thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong bối cảnh chi phí sinh hoạt, vật giá leo thang. Việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, mà còn là động lực giúp tăng năng suất, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Lương thấp, người lao động “thắt lưng buộc bụng”

Gần chục năm làm công nhân, thu nhập của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa (Đông Anh, Hà Nội) được gần 20 triệu. Để có thời gian tăng ca, cải thiện thu nhập, vợ chồng anh phải gửi con về quê với ông bà. Mỗi tháng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa dành khoản cố định 6 triệu đồng gửi về quê phụ giúp bố mẹ lo cho các con. Số tiền còn lại, anh chị phải chi trả thuê nhà, điện nước, ăn uống sinh hoạt, điện thoại, xăng xe… Không thể cắt giảm hơn nên đôi vợ chồng thường rơi vào cảnh “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để bảo đảm cuộc sống.

Tăng lương tối thiểu vùng giúp cải thiện thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người lao động

Tăng lương tối thiểu vùng giúp cải thiện thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người lao động

Tại Thái Nguyên, chị Trần Thị Huế (công nhân trong lĩnh vực điện tử) chia sẻ, thời gian gần đây, sau khi giá điện tăng, nhiều mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt cũng tăng theo. Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, biện pháp chống nóng duy nhất của họ là một chiếc quạt và chậu nước to để góc nhà. “Lương của chúng em 7 - 8 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca thì được khoảng 9 triệu đồng, nhưng chi tiêu hết quá nửa, gửi thêm ít tiền về quê thì gần như hết sạch. Em và đồng nghiệp rất mong được tăng lương sớm để ổn định cuộc sống, chăm lo cho gia đình tốt hơn”.

Khảo sát về tiền lương và thu nhập của người lao động năm 2025 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cho thấy, gần 55% người lao động vừa đủ chi tiêu cơ bản; hơn 26% sống kham khổ; gần 8% không đủ sống, phải làm thêm. Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, 12,5% người lao động cho biết thường vay mượn hàng tháng. Trong số 3.000 người được khảo sát có đến gần 73% lao động độc thân cho biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Người lao động cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ đảm bảo cuộc sống ổn định khi có vợ chồng, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng. Tiền lương thấp còn ảnh hưởng đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai và đảm bảo nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới.

Tăng bao nhiêu là phù hợp

Mới đây, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng với mức 8,3% và 9,2%. Trong khi đại diện người sử dụng lao động đề xuất mức cách biệt từ 3 - 5%.

Lý giải đề xuất của mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo từ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị định số 74/2024/NĐ-CP cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện việc điều chỉnh tiền lương tại doanh nghiệp theo mức tăng bình quân 6%. Kết quả điều tra, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (tháng 3 và 4-2025) tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cho thấy, có 93,25% người lao động trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, đã được điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho một bộ phận người lao động có mức lương thấp, chỉ để đóng bảo hiểm nên tiền lương thực tế của người lao động không tăng.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, việc tăng lương tối thiểu đang được thương lượng. Về nguyên tắc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đề xuất theo hướng hài hòa, vừa bảo đảm quyền lợi người lao động, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức.

Liên quan đến cơ sở cho việc đề xuất mức tăng trên, ông Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước hướng đến việc tập trung cải thiện, nâng cao điều kiện sống, mức sống, an sinh xã hội cho người lao động. Cụ thể, cùng với kỷ nguyên mới của đất nước, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Với căn cứ trên, ông Nhạc Phan Linh cho biết, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 15.000 USD/người, trong khi hiện nay chỉ đạt 4.700 USD/người. Như vậy, mỗi năm thu nhập của người lao động phải tăng hơn 400 USD, tương đương 12 triệu đồng/người. “Đây là cơ sở để Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn với cách tiếp cận phải khác so với trước đây. Thực tế, cơ sở xác định tiền lương tối thiểu vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào rổ hàng hóa, CPI... Nhưng chúng ta cũng lấy mục tiêu chính trị đã được Đảng, Nhà nước nêu ra để tạo ra bước đột phá mới” - ông Nhạc Phan Linh nhấn mạnh.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa mức đề xuất điều chỉnh từ 3 - 5%. “Mức này là vừa phải, nhằm tăng cường dư địa để doanh nghiệp có khả năng thích ứng, có điều kiện khen thưởng người lao động mẫn cán, đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo” - ông Hoàng Quang Phòng cho hay.

Động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động

Dưới góc độ quản lý, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia lại đưa ra mức tăng lương tối thiểu từ 6,5 - 7%. Ông Nguyễn Việt Cường, chuyên gia độc lập thuộc Hội đồng đánh giá việc đàm phán tiền lương tối thiểu nhận định, do năm nay có nhiều yếu tố khó dự đoán, đặt trong bối cảnh liên quan đến đàm phán thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Việt Cường nêu quan điểm cá nhân, việc tăng lương tối thiểu phải bảo đảm nguyên tắc cơ bản là bù đắp được trượt giá, bảo đảm mức sống tối thiểu.

Thực tế các quốc gia và nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, nó còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với nghiệp.

Từng nhiều năm tham gia đàm phán tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần tổng kết việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng trong 1 năm qua, trên cơ sở đó để tính toán, đề xuất mức tăng phù hợp. Theo vị chuyên gia, Chính phủ cũng cần cố gắng nỗ lực kiểm soát lạm phát để đảm bảo mức sống người người lao động không bị suy giảm quá nhiều.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đề cập đến đời sống của người lao động trước áp lực tăng giá và thu nhập suy giảm, đại biểu Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu vùng hiện nay chưa thật sự đáp ứng được mức sống tối thiểu như tinh thần của Bộ luật Lao động. Nữ đại biểu đề nghị khẩn trương xem xét, điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng. Đây không chỉ là khuyến nghị mang tính kỹ thuật mà là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn của đời sống người lao động. Mức lương tối thiểu vùng cần thật sự đáp ứng mức sống tối thiểu, đúng với tinh thần quy định trong Bộ luật Lao động.