Ở nhà có vô phép thế nào, thì...

ANTD.VN - Bà mới đi du ngoạn trời Tây, có chuyện gì hay kể xem nào!

- Chuyện hay thì cũng nhiều, nhưng có một chuyện này không nói ngay thì tôi cũng thấy bứt rứt trong người.

- Nghe vậy đoán ngay ra là chuyện dở rồi. Bên đó cảnh đẹp, khí hậu ôn hòa, cơ sở vật chất tốt, mà người dân thì nổi tiếng văn minh, lịch sự, vẫn còn chuyện gì gây khó chịu cơ à?

- Thế mới chán chứ, vì chuyện gây khó chịu lại liên quan đến người Việt mình. 

- Cụ thể là chuyện ăn, chuyện ứng xử hay hành vi kệch cỡm?

- Cả ba thứ ấy. Hôm đó tôi vào một nhà hàng cơm Việt, gặp ngay một đoàn du khách mình sang. Toàn tuổi trung niên cả rồi, thế mà ồn ào còn hơn cả đám trẻ trâu. Mấy người hỉ hả, lại còn bảo “Đi mãi mới được cho vào quán của người Việt, đỡ phải giữ ý tứ như trong nhà hàng của bọn Tây”.

- Làm gì có chuyện ấy, sang đến đó rồi thì ở chỗ nào mà chẳng phải giữ phép lịch sự. Thế rồi họ không giữ ý tứ gì nữa hả?

- Còn phải nói. Họ ăn nhồm nhoàm, uống ừng ực, có người còn cho cả chân lên ghế ngồi rất thoải mái, khiến mấy vị khách bản địa ngỡ ngàng. Tôi ngồi gần đấy cũng phát ngượng. 

- Làm như vậy thì chẳng phải ở Tây, ở ngay Hà Nội đây thôi cũng đáng xấu hổ ấy chứ. Mà cũng tệ thật, ở nhà có vô phép thế nào, ra đến bên ngoài cũng phải nghĩ đến cái thể diện chung.

- Có mà vì cái thói quen xấu thành thâm căn cố đế rồi ấy, không điều chỉnh được. Khi tôi khẽ khàng nhắc nhở, họ còn to tiếng vặc lại. Về đến nhà rồi còn thấy bực.

- Bà bực làm gì, chuyện ấy bây giờ không ít ngoài đường ngoài phố. Cũng khó để thay đổi nhận thức của những người như thế lắm, nên chăng tập trung mà dạy dỗ lớp trẻ. Nhưng mà kể ra các công ty du lịch khi tổ chức cho khách Việt mình đi nước ngoài, yêu cầu khách trả lời câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì để người Việt được tôn trọng” thì chắc cũng sẽ đỡ hơn đấy nhỉ.