NSƯT Thanh Thanh Hiền: Tôi đang chờ duyên tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua hai lần đổ vỡ hôn nhân, một lần với nghệ sĩ đàn bầu Anh Tú và một lần với ca sĩ Chế Phong (con trai danh ca Chế Linh), NSƯT Thanh Thanh Hiền sống thận trọng hơn trước. Chị thú nhận không sợ chuyện yêu đương, nhưng cần phải có thời gian để chữa lành vết thương trong lòng mình. Dẫu vậy, lúc nào chị cũng mong muốn duyên lành sẽ đưa tới một người bạn đời phù hợp.

- Phóng viên: Tại sao tên thật là Phạm Thị Thu Hiền mà chị lại lấy nghệ danh là Thanh Thanh Hiền? Cái tên này có liên quan gì đến nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ không?

- NSƯT Thanh Thanh Hiền: Năm 1984, tôi hát cải lương và thu thanh lần đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam trong chuyên mục “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền”, các cô chú ở đó mới hỏi: “Con tên gì?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa, con tên Thu Hiền”. Bác Dân Huyền lúc đó là Trưởng ban Văn nghệ bảo: “Bây giờ ở Đài có rất nhiều nghệ sĩ tên Thu Hiền. Cô Thu Hiền hát dân ca, cô Thu Hiền hát ca Huế, cô Thu Hiền hát chèo, bây giờ con cải lương mà cũng Thu Hiền nữa thì không có nét riêng, mọi người khó nhận ra con. Đây là lần đầu tiên con lên đài, bác sẽ đặt biệt danh cho con là Thanh Thanh Hiền. Vì con ca cải lương nên lấy tên Thanh Thanh cho ấn tượng. Cái tên này cũng thích hợp với một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn như con vậy”. Tôi gắn liền với nghệ danh Thanh Thanh Hiền từ ngày đó.

- Sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên chị tham gia biểu diễn là sân khấu nào?

- Khoảng 3 tuổi tôi đã biết hát. Bài hát đầu tiên của tôi trên sân khấu thiếu nhi là bài “Tiễn thầy đi bộ đội”. Ngày đó tôi thường hát đơn ca, hay đi thi và cũng được nhiều giải thiếu nhi lắm! Tôi đi diễn với mẹ khi lên 5 tuổi và chính thức được biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp là lúc 6 tuổi. Tôi nhớ, bài hát tôi thể hiện lúc đó là “Mùa xuân nào cho em”. Trong chương trình ấy, tôi đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay của khán giả và được nhận những đồng tiền cát-sê đầu tiên.

- Gắn bó với cải lương từ rất sớm, nhưng cũng giã từ sân khấu này để bước sang hát tân nhạc từ rất sớm. Đã bao giờ chị hối hận về quyết định của mình?

- Năm 13 tuổi, tôi bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Thời điểm đó, tôi đã gia nhập Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), sau đó theo học trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Quãng thời gian “áo trắng” của tôi khác với chúng bạn lắm. Lúc đó, tôi vừa áo trắng, vừa áo màu, vừa đi học, vừa đi diễn và đã kiếm được tiền. Thời đó, tôi không biết gọi đúng tên là gì nữa vì thấy mình cứ như người lớn. Nhiều người hỏi: “Xa cải lương chị có thấy ngậm ngùi không?”. Tôi trả lời: “Tôi không ngậm ngùi mà chỉ thấy hơi tiếc. Tiếc cho mình và tiếc cho nghề”. Tiếc cho mình là bởi tôi không được sống với nhiều đam mê trên sân khấu. Tôi cũng thấy tiếc cho nghề vì thiếu đi một nghệ sĩ như tôi hoạt động.

Với tôi, lúc nào có thể là tôi lại hát cải lương và khi nào gặp dịp (vai diễn hay, vở tuồng tốt) thì tôi lại trở về với sân khấu cải lương. Cải lương có sức hút lạ kỳ lắm, không thể nói trước được điều gì. Tôi xa sân khấu cải lương để làm việc khác và cũng kiếm sống đủ, nhưng chỉ cần một tiếng gọi là tôi trở về. Nói xa cải lương là mình không được sống dưới ánh đèn sân khấu đó, không được xuất hiện thường xuyên trong hình ảnh của các cô đào hát, nhưng tôi chưa bao giờ thiếu cải lương trong hơi thở. Và tôi vẫn luôn dành cho cải lương một tình yêu không gì đong đếm được. Với tôi, dù từng tham gia sân khấu cải lương với nhiều vai đào, chương trình ca nhạc với vai trò ca sĩ, đóng kịch và phim truyền hình với vai trò diễn viên… nhưng để yêu thích nhất, tôi vẫn chọn sân khấu cải lương. Đó là quãng thời gian đẹp nhất, đáng yêu nhất và xả thân vì nghệ thuật nhất mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì.

- Theo dõi Thanh Thanh Hiền trên mạng xã hội, nhiều người nhận thấy chị đang dần lấy lại thăng bằng sau cú sốc hôn nhân. Có vẻ như cuộc sống của chị giờ đây là một trang hoàn toàn khác?

- Tôi trở lại bình thường lâu rồi. Bây giờ cuộc sống của tôi rất tốt. Nghĩa là không chỉ lấy lại thăng bằng, vượt qua biến cố mà còn có thể thăng hoa trọn vẹn khi tham gia biểu diễn nghệ thuật. Tôi đã thực sự tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị hàng ngày và cả những điều lớn lao khi hoạt động nghệ thuật.

- Điều gì khiến chị có thể vượt qua được cú sốc lớn trong hôn nhân ở một thời gian không phải quá dài?

- Tôi là người lạc quan… rất lạc quan. Và tôi cũng khẳng định mình rất mạnh mẽ. Mạnh mẽ từ trong suy nghĩ cho đến quyết đoán hành động. Điều đó khiến cho tôi dễ lấy lại thăng bằng vì biết định hướng đường đi của mình. Có nhiều người cũng cố gắng định hướng con đường, nhưng trong tâm lại không theo con đường ấy. Riêng tôi thì từ suy nghĩ đến hành động đều thống nhất với nhau. Tôi nghĩ là với từng ấy thời gian cũng là dài rồi. Nếu như là tôi của nhiều năm trước thì chỉ trong 1 ngày là tôi đã có thể quên hết mọi thứ để cuộc đời bắt đầu một trang mới.

- Như vậy có nghĩa là chị không còn mối liên hệ nào với chồng cũ?

- Đúng, phải như vậy chứ, cắt là cắt luôn. Có thể người khác cho điều này là phũ phàng, nhưng với tôi thì hợp lý cho cả hai và cần phải làm như thế vì nó rất văn minh. Chỉ có dứt điểm và minh bạch trong tình cảm thì cuộc sống của mình mới tốt được. Nếu cứ lằng nhằng, lập lờ, vướng víu, vương vấn… tất cả những điều đó đều không cho mình cuộc sống tươi đẹp mà cứ kéo mình xuống. Kéo xuống cả về tinh thần lẫn sinh hoạt hàng ngày.

- Niềm vui lớn nhất bây giờ của chị là gì?

- Niềm vui lớn nhất bây giờ của tôi là nghệ thuật và những đứa con. Thời gian qua, 2 con gái là những nguồn động viên rất lớn đối với tôi, giúp tôi sớm “chữa lành” tổn thương trong lòng mình. Bạn út là Tấm giống như một người bạn tâm tình của mẹ, đi đâu cũng hỗ trợ mẹ hết mình và sẵn sàng lắng nghe mọi tâm sự của mẹ. Bạn lớn là Nhím đang du học ở Mỹ nhưng cũng rất quan tâm đến mẹ, theo dõi từng bước đi của mẹ. Nhím học rất giỏi và rất ngoan. Dù xa Việt Nam nhưng Nhím vẫn giữ được những cốt cách và nếp sống của người Việt.

Trong hai bạn thì bạn Tấm giống tôi nhiều hơn. Giống từ cách ăn mặc đến ứng xử và cả tâm hồn dành cho nghệ thuật. Lúc tôi 14 tuổi chỉ mặc quần lụa đen và áo bà ba thì giờ Tấm giống hệt tôi. Nhím đi học được tiếp xúc với người nước ngoài nên có khác chút. Mọi thứ Nhím sắp xếp, xử lý công việc khoa học hơn nhiều.

- Trước đây chị có chia sẻ, sau biến cố hôn nhân, chị không nghĩ gì đến yêu đương nữa. Nhưng với một người như chị mà không có tình yêu liệu tâm hồn nghệ thuật vì đó mà cũng cằn cỗi theo?

- Những gì tôi từng chia sẻ với truyền thông đều là những điều tôi nói thật. Từ xưa tới nay (nay được tính từ mốc thời gian xảy ra biến cố hôn nhân gần đây) không có lúc nào tôi không yêu cả. Một khi tôi đã yêu là sẽ yêu một cách cuồng nhiệt, đắm đuối, si mê… Tới mức, đồng nghiệp bảo tôi đã yêu là “yêu như đập đầu vào tường, cắm mặt xuống đất, không thể nào ngẩng mặt lên được”. Tôi thấy các bạn ví von rất hài hước, nhưng cũng đúng thế thật. Tôi không có lúc nào không yêu, hết tình cảm với người này là phải yêu người khác ngay, không để trái tim nghỉ ngơi.

Nhưng giai đoạn này thực sự là giai đoạn nghỉ ngơi của tôi. Cá nhân tôi đã tự nhận thức rằng, mình đã có những bước sai lầm. Giống như đang đi một chiếc xe, thấy nó sai số việc đầu tiên phải về “mo” đã, rồi định hình lại xem mình sẽ gài số nào tiếp theo. Trường hợp này tôi cũng thế, tôi đang ở chế độ “mo” để suy nghĩ, nghỉ ngơi. Thực sự tôi mất niềm tin. Lúc này tôi vẫn chưa tìm lại được niềm tin đối với một người đàn ông nào. Thế nên tôi cần thời gian để “vào số” cho chuẩn xác. Và quan trọng hơn hết, tôi nghĩ rằng, rồi sẽ gặp một người tốt với mình và cần thời gian để chờ cho người đó tới. Nếu bây giờ tôi vội vàng, có thể tôi sẽ lại gặp người không dành cho mình. Tôi đang chờ thực sự nhé! Rồi tới lúc duyên lành sẽ mang tới cho tôi một người phù hợp.

- Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này.