Nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 2 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất”.

Các hoạt động với sự tham gia của hơn 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Tp. Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hoà Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng).

Điểm nhấn của chương trình là hoạt động tái hiện chợ phiên vùng cao với chủ đề “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng” tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng với các đặc sản truyền thống, ẩm thực, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao đến từ tỉnh Cao Bằng...

Bên cạnh đó là chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” và trò chơi dân gian tại chợ vùng cao phía Bắc như đánh quay (tu lu), đánh yến, ném còn, đu dây... tạo không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

Đồng bào dân tộc Mông đến từ tỉnh Cao Bằng sẽ giới thiệu nghệ thuật khèn Mông đặc sắc. Chiếc khèn của đồng bào Mông khi được cất lên được xem là cầu nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh của con người. Chiếc khèn không chỉ là biểu trưng văn hóa riêng có mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hóa, mang nét độc đáo của dân tộc Mông.

Đặc biệt, đồng bào Dao Tiền sẽ giới thiệu nghề thủ công truyền thống in sáp ong trên vải với quy trình khắt khe và kỹ thuật của người phụ nữ Dao tỉ mẩn, khéo léo, sáng tạo để tạo nên những họa tiết hoa văn tinh xảo, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, giản dị của người phụ nữ Dao bao đời nay.

Nghề làm hương của đồng bào dân tộc Nùng ở xã Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) cũng được giới thiệu đến du khách vừa để bảo tồn nghề truyền thống, vừa quảng bá sản phẩm giúp bà con phát triển sản xuất và nâng tầm sản phẩm địa phương.

Đồng bào dân tộc Lô Lô đến từ tỉnh Cao Bằng sẽ tái hiện Lễ hội cầu mưa độc đáo. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Lô Lô, đồng thời gắn kết cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người Lô Lô.

Ngoài ra còn có các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu cách làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.