“Sống đến bình minh”, chuyện của người đi qua bóng tối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Sống đến bình minh”, cuốn tự truyện của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa chính thức ra mắt công chúng vào sáng nay, 25/4. Cuốn sách ghi lại một hành trình của cuộc đời ông với nhiều thăng trầm, gắn chặt với những sự kiện lịch sử của đất nước.

Trưa ngày 30/4/1975, thời khắc giải phóng, Trần Mai Hạnh là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt trong Dinh Độc Lập. Bài tường thuật đầu tiên của ông: “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”, đã trở thành cánh chim báo tin vui cho cả nước về giây phút lịch sử của dân tộc.

Nhà báo Trần Mai Hạnh là một chứng nhân nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Một phóng viên chiến trường theo chân đoàn quân giải phóng; một nhà quản lý giai đoạn đất nước bắt đầu đổi mới; hay đơn thuần, ông chỉ là một viên chức nghèo sống trong thời bao cấp… Dù ở vai trò nào, ông cũng là một thư ký đầy trách nhiệm của thời đại, với các ghi chép tỉ mỉ, về sự kiện, về con người, về cả những cảm xúc riêng tư.

Một tài liệu tuyệt mật thu thập được trong Dinh Độc Lập vào buổi trưa ngày 30/4; một văn bản hành chính; hay một lá thư riêng của một người bạn xưa, tất cả đều được tác giả Trần Mai Hạnh lưu giữ cẩn trọng suốt hơn nửa thế kỷ. Để rồi được tái hiện trong “Sống đến bình minh”.

"Sống đến bình minh" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành (Ảnh: Nam Nguyễn)

"Sống đến bình minh" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành (Ảnh: Nam Nguyễn)

Cuốn tự truyện còn là những lát cắt ký ức của tác giả về những sự việc, câu chuyện, cảnh ngộ đã diễn ra trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Bạn đọc bắt gặp trong dòng ký ức đó hình ảnh thị xã Hải Dương nhỏ nhắn, yên tĩnh tràn ngập niềm vui những năm đầu được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Rồi chàng trai tỉnh lẻ trở thành sinh viên văn khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; ra trường trở thành phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và trong suốt 10 năm (1965 - 1975) lăn lộn trên các mặt trận chiến trường trong Nam, ngoài Bắc; từ thành phố Hải Phòng nơi máy bay Mỹ thả ngư lôi phong toả cảng biển, bắn phá, dội bom các nhà máy, kho bãi, cầu phà và khu dân cư ngay trung tâm thành phố, đến chiến trường Quảng Đà ác liệt.

Rồi chàng trai đó được cử làm Đặc phái viên trong đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đã may mắn có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử diễn ra trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Buổi lễ ra mắt sách diễn ra sáng nay 25/4 do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Đài tiếng nói Việt Nam VOV và gia đình phối hợp tổ chức (ảnh: Nam Nguyễn)

Buổi lễ ra mắt sách diễn ra sáng nay 25/4 do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Đài tiếng nói Việt Nam VOV và gia đình phối hợp tổ chức (ảnh: Nam Nguyễn)

Độc giả cũng sẽ theo bước tác giả vào những ngày tháng đổi mới báo chí, những ngày cùng các đồng sự tạo dựng nên diện mạo của xã hội thông tin như chúng ta thấy ngày nay, trong tư cách Thư ký toà soạn Bản tin "Bóng đá Espana 82", Tuần báo Văn hoá, Thể thao Quốc tế, Phó Tổng biên tập thường trực các Báo Tuần Tin Tức, Tin Tức Buổi chiều của Thông tấn xã Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam.

“Nhưng, cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ luỵ kinh hoàng; không chỉ có chiến thắng - thành đạt mà còn có cả thất bại - mất mát; không chỉ có nặng sâu ân nghĩa mà còn có sự đổi thay chóng mặt của nhân tình thế thái; không chỉ đương đầu với thử thách mà còn phải ngậm ngùi trước trò đùa của số phận; Những cung bậc ấy đã làm nên diện mạo cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” … (trích lời mở đầu “Sống đến bình minh”, Trần Mai Hạnh).

Không tránh né, như lời tự bạch, rằng cuộc đời làm báo “không chỉ có vinh quang mà còn có không ít cay đắng”, tác giả đề cập đến nghịch cảnh đời thường, tai nạn nghề nghiệp với một thái độ tôn trọng sự thật, trách nhiệm với những gì đã diễn ra.

Nhưng trên hết, ngoài tư cách của một phóng viên chiến trường, một nhà quản lý báo chí, một tác giả nổi tiếng, trong gần 700 trang sách “Sống đến Bình minh”, độc giả sẽ được đối thoại với một người viết giàu rung cảm với cuộc sống, yêu thương con người: “…Những thăng trầm và đổi thay đó rồi cũng qua đi, vì nó chỉ là phù du. Tôi nhận thấy, chỉ có ngôi đền văn chương là nơi trú ngụ và gửi gắm tâm hồn của thân phận con người là còn lại mãi. Nỗi niềm thân phận con người muốn gửi gắm cũng phải cậy nhờ tới ngôi đền văn chương thôi”.

Có mặt và phát biểu tại buổi ra mắt sách, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông đã đợi chờ cuốn sách này. Tên sách “Sống đến bình minh” đúng và hợp nhất với Trần Mai Hạnh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi ra mắt sách "Sống đến bình minh" (ảnh: Nam Nguyễn)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi ra mắt sách "Sống đến bình minh" (ảnh: Nam Nguyễn)

“Ông là ví dụ quan trọng trong đời sống của chúng ta, là một phần lịch sử trong lịch sử của chúng ta. Hiểu được những điều sâu kín trong họ, chúng ta sẽ hiểu được thời đại của họ đang sống, thời đại của chúng ta đang sống. Ông đã đi qua bóng tối của chiến tranh, bóng tối trong chính hòa bình mà ông vấp phải. Nếu một con người không có nghị lực, không có khát vọng sống, không tin vào bản thân mình, tin vào một ngày ông đi tới, thì chắc hẳn ông sẽ rơi vào bóng tối của sự bất mãn, sự hận thù nào đó và cả sự tuyệt vọng rồi vứt bỏ tất cả. Nhưng, ông đã tự tin vào cuộc đời này, tự tin vào một điều gì đó mà cuối cùng ông phải đi đến. Và hôm nay và ông đã đi qua tất cả bóng tối để đi đến bình minh của ông”- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh qua đời ngày 2/4/2024, với một sự nghiệp báo chí và văn chương đặt nhiều dấu ấn lên xã hội. Ông từng là Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Ủy viên trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X.

Tự truyện “Sống đến bình minh” được ra mắt đúng dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4/2024, theo di nguyện của ông. Sách dày gần 700 trang do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành.