Nhà văn Lê Minh Khuê:

Lớn không phải là dung lượng

ANTĐ - “Có người viết hàng trăm cuốn sách không ai nhớ, có người chỉ cần một bài thơ vẫn có sức sống bền lâu. Bài thơ ấy mà nói được tâm thế thời đại, đọc nó người ta sẽ sống tốt hơn, khiến người ta chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh… Nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ với Báo An ninh Thủ đô về việc có hay không tác phẩm văn học  chiến tranh xứng tầm thời đại. 

Lớn không phải là dung lượng  ảnh 1
Nhà văn Lê Minh Khuê tại Liên hoan văn học Á Phi - Hàn Quốc 2007

Thời gian sẽ quyết định ai vào “đội tuyển”

- PV: Cho đến giờ, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, văn học chiến tranh của chúng ta không có tác phẩm lớn, tầm cỡ, bà thấy thế nào?

- Nhà văn Lê Minh Khuê: Tôi nghĩ không hẳn như thế. Ví dụ truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm vĩ đại. Rồi thơ của các tác giả thời chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Thanh Thảo… đều xứng với thời đại, rồi truyện ngắn của Đỗ Chu đã có thời kích thích lòng yêu nước, người dân ngày ấy đọc thơ và truyện ngắn rất nhiều. Tôi rất phục các tác giả thời chống Mỹ, trong điều kiện sáng tác như thế, đóng khung như thế nhưng vẫn rất tài, nói lên được tâm thế của thời đại. Đó chính là những tác phẩm lớn. Thơ Phạm Tiến Duật như là tiếng kèn xung trận… bây giờ đọc lại vẫn thấy rất hay. Các nhà thơ chống Mỹ đã làm được một việc rất lớn là thúc đẩy một thế hệ tin tưởng trong sáng, thức dậy lòng quả cảm. Như thế là đã có tác phẩm lớn, tác phẩm xứng đáng với thời đại. 

- Theo bà như thế nào gọi là xứng tầm với thời đại?

- Ghi được tâm thế xã hội, có sức sống, có sức lan tỏa… thế thôi… Có người in đến hai, ba trăm cuốn sách không ai nhớ, có người chỉ cần một bài thơ là người ta nhớ, có sức sống bền lâu. Lớn không phải là dung lượng. Nhiều người viết hàng đống, in hàng đống ra chỉ phí giấy, trong khi một bài thơ như “Cuộc chia ly màu đỏ” mà có sức sống lâu bền còn quý hơn. Nếu nó nói được tâm thế thời đại ấy, đọc nó người ta sống tốt hơn, khiến người ta chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh… tôi nghĩ như thế là xứng đáng với thời đại. 

- Bà tin vào sự sàng lọc của thời gian?

- Tôi không thích những người suốt ngày kêu không có tác phẩm xứng tầm. Tôi nghĩ nền văn chương cũng như thể thao. Ví dụ như chuyện đá bóng. Toàn dân thích đá bóng nhưng có phải ai biết đá bóng cũng vào đội tuyển đâu. Đó cũng là sự sàng lọc đấy chứ. Gần chín chục triệu dân chỉ có một đội bóng, mà còn đội hình một, đội hình hai... Thời gian sẽ quyết định đưa ai vào đội tuyển.

Tôi không thích viết nhiều

- Có điều gì tác động khiến bà đi đến quyết định đồng hành cùng văn chương, có phải văn chương đã xoay chuyển cuộc đời của bà?

- Năm 1964 tôi học lớp 7, lớp 8 gì đấy, còn bé tí. Có sự kiện Nguyễn Văn Trỗi hi sinh, báo Nhân Dân đưa ảnh ông ấy, cái chết rất đẹp. Vì hình tượng ấy tôi đã bỏ hết để đi thanh niên xung phong. Đó là cú hích rất lớn, bạn bè tôi nhiều người cũng bỏ học để đi… Và rồi suốt những năm tháng tuổi trẻ đó, tôi đi rất nhiều. Có thời gian tôi đi lang thang hết nơi này đến nơi kia trong vùng chiến sự, bởi tôi làm báo, viết văn. Nhờ vậy, tất cả sự kiện lớn tôi đều biết hết, chiến dịch đường 9 Nam Lào, mặt trận Quảng Trị tôi đều có mặt, đường 20 Quyết thắng tôi ở đấy hàng tháng, B52 ném Hà Nội tôi cũng chứng kiến…

- Có khi nào bà đọc lại những tác phẩm mình viết trong thời chiến tranh?

- Thực ra đề tài chiến tranh khó viết lắm. Có nhiều tiểu thuyết chỉ miêu tả trận đánh viết cũng đã khó, còn để gọi là tác phẩm văn học viết về chiến tranh lại càng khó. Tôi rất ít khi viết là vì thế. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” tôi viết năm 19 tuổi, một thời gian dài tôi không thích truyện ấy, nhưng sau này đọc lại thì lại thấy ưng. Nó tiêu biểu cho một thế hệ trong chiến tranh. Rất dũng cảm. Bây giờ có thể người ta nhìn khác, nhưng ngày ấy họ sống thế.

- Thời kỳ rất dài làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho bà điều gì?

- Tôi làm biên tập sách văn học từ năm 1979 đến khi nghỉ hưu. Nó cho mình nhìn nhận sự công bằng với mỗi tác phẩm và sự cẩn trọng trong viết lách. Nhiều người cứ hỏi tôi làm biên tập đọc nhiều có bị ảnh hưởng. Làm sao mà ảnh hưởng được, đọc một trăm tác phẩm, trong đấy có một vài dòng dừng lại để đọc lại đã thích rồi. Làm sao cứ làm biên tập mà bị ảnh hưởng, phải có bản lĩnh chứ. Người ta viết thế nào kệ người ta. Với lại cũng không có nhiều cuốn để chia sẻ. 

- Cho mình sự cẩn trọng trong viết lách. Có phải vì thế mà bà luôn tiết chế ngòi bút?

- Tôi không thích viết nhiều quá. Viết nhiều người ta cũng chẳng đọc đâu mà.

- Hiện tại bà viết gì?

- Tôi sắp có một tập sách, gồm một số truyện ngắn và một truyện vừa. Nếu nắm được kỹ thuật viết truyện ngắn thì viết không khó, nhưng tôi cũng viết ít thôi. Viết nhiều sẽ bị loãng nào có hay ho gì.

- PV: Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này!