Dịch giả “Hỏa ngục” kể chuyện “dở khóc dở cười” của sỹ tử thời xưa

ANTĐ - Thí sinh ngày trước chỉ thi văn, thế có thi toán không? Vì sao không xây trường thi có mái che?... Đó là những nội dung thú vị được dịch giả Nguyễn Xuân Hồng – người được biết đến trong vai trò chuyển ngữ nhiều cuốn sách như “Hỏa ngục”, “Biểu tượng thất truyền”… giải đáp trong buổi hội thảo “Việc làng” với chủ đề “Lều chõng” được tổ chức vào tối ngày 3-6.

Nhắc đến hai từ “Lều chõng” là ai cũng nghĩ ngay đến đến chuyện thi cử của các sỹ tử thời xưa. Theo dịch giả Xuân Hồng, chuyện “lều chõng” đã từng nhắc đến qua tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố; "Bút nghiên”, “Nhà Nho” của Chu Thiên, rồi “Ngược đường trường thi” của Nguyễn Triệu Luật… với vô số quy định được coi là cực kỳ chặt chẽ, ngặt nghèo.

 

Một trường thi xưa 

Lịch sử khoa cử các triều đại phong kiến Việt Nam được đánh dấu vào năm 1075 khi vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh. Người đỗ đầu là ông Lê Văn Thịnh – được coi là thủ khoa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên lúc ấy chưa có danh xưng Trạng Nguyên, mà phải đến năm 1246 trong kỳ thi Đại tỉ thủ sĩ dưới thời vua Trần Thái Tông – vị vua sáng lập ra vương triều Trần, thì mới chọn ra Tam khôi gồm Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Vị Trạng nguyên chính thức đầu tiên là Nguyễn Quan Quang, người Bắc Ninh.

Lịch sử khoa cử dưới tiều Trần cũng ghi nhận một kỳ thi đặc biệt khi Tam khôi người đỗ đầu đều còn rất trẻ khoa thi năm 1247. Trong đó, trẻ nhất chính là Trạng Nguyên Nguyễn Hiền - lúc ấy mới 13 tuổi. Còn Lê Văn Hưu – tác giả bộ “Đại Việt sử ký” sau này đỗ Bảng Nhãn, cũng chỉ mới 17 tuổi. Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.

Các thí sinh gồng gánh lều chõng đến trường thi, mất vài tháng trời

Vậy trong các kỳ thi ấy, các thí sinh sẽ thi môn gì? Dịch giả Xuân Hồng cho hay, chẳng hạn dưới thời vua Trần Anh Tông năm 1304, các sỹ tử phải thi “Ám tả” tức là thi chính tả, thi về “Kinh nghĩa, thơ phú” – giải nghĩa câu trong 9 cuốn sách, hay “Chiếu, chế, biểu” là những lời vua hiệu lệnh thần dân, phong thưởng hay các bài văn thần dân dâng vua để chúc mừng... Đặc biệt, năm 1404 dưới thời Hồ Hán Thương được coi là kỳ thi duy nhất trong lịch sử có môn toán.

 

Dịch giả Xuân Hồng: "Thí sinh đi thi thời đó hầu như không có gian lận"

Có nhiều quy định chặt chẽ đối với thí sinh ứng thí. Ví dụ, thí sinh phải thi ở kinh thành nên dưới triều Nguyễn, thí sinh ở phía Bắc phải đi mất mấy tháng trời để đến trường thi ở Phú Xuân, Huế. Và phương tiện duy nhất chỉ là đi bộ. Hay các trường thi xưa đều tổ chức cho thi ngoài trời. Một phần vì trường thi không cố định, thứ hai vì để cho giám khảo – ngồi trên chòi có thể quan sát được toàn bộ thí sinh, tránh gian lận. Cá biệt, thời chúa Trịnh có tổ chức thi ban đêm – cũng là một cách để kiểm tra xem thí sinh thuộc mặt chữ đến đâu.   

Dịch giả Xuân Hồng cho biết thêm: “Thí sinh ngày trước đi thi hầu như rất khó gian lận, gần như không có trường hợp thi hộ. Gian lận xảy ra khi thí sinh ở gần lều nhau nhắc bài cho nhau bằng cách ném giấy”. Trường quy rất ngặt nghèo, thí sinh chỉ phạm một lỗi là có thể bị bêu tên trên “bảng con”, đánh hỏng hoặc bị đánh đòn, giáng cấp thậm chí xóa tên trong sổ sĩ hoan. Chẳng hạn, nặng nhất là “kỵ húy” – tức là thí sinh viết tên vua, các bậc tiên đế, tên hoàng thái hậu, hoàng hậu…, “khiếm tị” – viết các tên cung điện, lăng tẩm… Hay nếu thí sinh phạm lỗi “duệ bạch” tức là để quyển trắng hay viết vài dòng, thì đến cả thầy cũng bị phạt tội.

Hội thảo “Việc làng” với chủ đề “Lều chõng” nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa – nghệ thuật nhằm gây quỹ “Xây trường cho em” tại xã Lao Lủng Tủng, Lũng Hồ, Yên Ninh Hà Giang từ ngày 1-6 đến 7-6.