Chạy theo “gu” của giám khảo

ANTĐ - 2 năm nhìn lại thành quả lao động của giới nhiếp ảnh Việt Nam, cuộc thi triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc vừa khép lại tại TP.HCM chưa thật sự khiến người trong cuộc và công chúng thỏa mãn. Những góc nhìn đã có từ cách đây cả chục năm vậy mà vẫn ung dung trụ hạng trong triển lãm ảnh lớn nhất từ trước tới nay.

Tác phẩm đoạt HCV thể loại ảnh màu “Dưới mưa” - tác giả Mai Thành Chương

Mới mà như… cũ

Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2012 được ghi nhận là cuộc triển lãm có quy mô, hoành tráng với số lượng tác giả, tác phẩm đến từ các tỉnh thành tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, bên cạnh những tín hiệu tích cực như lực lượng sáng tác nhiếp ảnh đang trẻ hóa, đề tài thể hiện phong phú và đa dạng… triển lãm lần này đã được không ít các nghệ sỹ thẳng thừng chia sẻ “Không khác các cuộc triển lãm đã diễn ra trước đây là bao”. Cho dù, BTC đã cố gắng tạo ra những điểm mới trong quy chế và cơ cấu giải thưởng như lần đầu tiên chia thành 2 hệ thống giải: ảnh màu và ảnh đen trắng giúp các nhà nhiếp ảnh đi sâu vào khai thác điểm mạnh trong nhiếp ảnh nhưng xem ra phương thức này vẫn chưa tỏ thực sự hữu hiệu. 

Sau 2 năm, đất nước đã có những bước chuyển mình đáng kể với nhiều sự kiện nóng hổi đã diễn ra nhưng những gì các nhà nhiếp ảnh mang tới cho người xem dường như mới chỉ dừng lại ở việc miêu tả vẻ đẹp thuần túy của cuộc sống với các làng nghề thủ công, phong cảnh yên bình làng quê... Không biết từ bao giờ, giới nhiếp ảnh Việt Nam đã tự tạo ra “nếp”, và tự đóng khuôn để rồi thế hệ này nối tiếp thế hệ khác cứ thế mà chụp theo. Những gương mặt trẻ thơ, cụ già lam lũ, vất vả, cô đơn được diễn tả bằng 2 tông màu đen trắng đã trở thành môtíp quen thuộc đến nhàm chán với người xem. 

“Đề ra như thế nào, nghệ sỹ thi vậy”

Điều lạ lùng hơn, trong khi nhiếp ảnh được coi là người thư ký trung thành của thời đại thì bức ảnh “Cái nhìn” của Ngô Nguyễn Huỳnh Trung Tín (Lâm Đồng) thể hiện gương mặt em thơ đen đúa, lầm lì lại đoạt HCB ở thể loại ảnh đen trắng. Gương mặt của em bé trong ảnh không thể lấy làm tiêu biểu cho gương mặt thế hệ mai sau của đất nước. Đấy là chưa kể một số tác phẩm có tạo hình đẹp được trưng bày tại triển lãm nhưng nếu đứng ở góc độ an toàn giao thông thì được xếp vào hàng “phạm luật” với những chiếc xe đạp chở thúng chất cao đến ngút trời, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện đằng sau. 

Đi tìm nguyên nhân của việc này, nhà phê bình Nguyễn Việt Tiến, ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội Nhiếp ảnh TP.HCM cho biết “Cuộc thi ra đề như thế nào thì các nghệ sỹ thi như vậy. Thử hỏi, trong suốt mấy chục năm, đề bài cho cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc đã được các nhà quản lý quan tâm thay đổi hay vẫn chỉ là “Việt Nam-Đất nước-Con người”? Vậy làm sao có thể tạo nên những cuộc triển lãm mới mẻ và độc đáo khi mà ngay đề thi đã lặp lại đến mấy chục năm nay”. Hơn thế, tâm lý của người đi thi, ai cũng muốn giành giải cao và chạy theo gu thẩm mỹ của giám khảo là điều không thể tránh khỏi. Tuy cuộc thi này, BTC đã hạn chế tới mức thấp nhất là không công bố thành phần BGK ngay từ những ngày mới phát động nhưng giới nghệ sỹ nhiếp ảnh đặc biệt là những tác giả đã tham dự nhiều cuộc thi ảnh thừa khôn ngoan và từng trải để đoán ra ai là người “cầm cân nảy mực”. 

Và tất nhiên, hệ lụy của những điều trên là một cuộc triển lãm hoành tráng về mặt hình thức nhưng lại thiếu nhiều lắm những góc nhìn mới mẻ và những vấn đề được mổ xẻ qua những khuôn hình huy động sức mạnh tối đa của bộ môn nghệ thuật ánh sáng. Những cái đẹp trở thành khuôn mẫu sẽ không xấu nhưng cũng không được tôn vinh khi mà tác phẩm ra đời sau “giẫm chân” lên tác phẩm trước. Điều đáng nói nhất, công chúng sẽ thấy và chiêm ngưỡng gì khi 2 năm, 4 năm, 6 năm sau… đất nước dường như vẫn đang đứng im?