- Chiếu 3 phim hoạt hình trong "Đợt phim kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước"
- Tuấn Ngọc chơi cồng chiêng, đánh trống, thổi sáo...trong MV “Hào khí Việt Nam”
- Hình ảnh đẹp của Hoa hậu Lê Hoàng Phương tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
![]() |
Ngay từ tối 25-4-2025, NSND Quốc Hưng đã đảm nhiệm vai trò Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật “Khúc ca khải hoàn” tại Nhà hát Lớn Hà Nội - chương trình truyền hình trực tiếp quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ, mang đậm tinh thần tri ân lịch sử và hướng tới tương lai.“Chương trình thành công rực rỡ, không chỉ bởi chất lượng nghệ thuật mà còn vì đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ. Ngay sau đó, vào tối 27-4, anh tiếp tục tham gia chương trình “Ký ức Trường Sơn” do Nhà hát Ca múa nhạc đương đại Việt Nam tổ chức, kể những câu chuyện từ rừng Trường Sơn qua các bài ca đi cùng năm tháng.
Tối 29-4, NSND Quốc Hưng tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân thống nhất” nhằm tôn vinh ý nghĩa lịch sử, tầm vóc vĩ đại và giá trị trường tồn của sự kiện đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chương trình do Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND TP.HCM tổ chức, diễn ra tại thành phố mang tên Bác. Trong chương trình, NSND Quốc Hưng thể hiện ca khúc “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, một tác phẩm mà anh cho rằng “rất hợp với chất giọng” và đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả tại TP.HCM.
![]() |
NSND Quốc Hưng trước giờ biểu diễn tại sự kiện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng ngày 30-4-2025 tại TP.HCM |
Đặc biệt, sáng nay 30-4, tại lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSND Quốc Hưng cùng NSND Tạ Minh Tâm đã thể hiện bản "mashup" giữa hai ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” và “Màu hoa đỏ”. Tiết mục mở màn gây ấn tượng xúc động trong sự kiện trọng đại. Đây cũng là lần đầu tiên hai giọng ca lớn của hai miền đất nước song ca cùng nhau.
“Chúng tôi là bạn thân thiết, cùng được phong tặng danh hiệu NSND năm 2019, nhưng phải đến hôm nay, chúng tôi mới có dịp đứng chung sân khấu, hòa giọng trong một tiết mục đặc biệt như vậy." - NSND Quốc Hưng hào hứng tâm sự.
Với sự phối hợp giữa hai chất giọng miền Nam – Bắc, tiết mục đã tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, không chỉ ở khía cạnh âm nhạc mà còn về thông điệp đoàn tụ, hòa hợp dân tộc. Hai giọng hát là hai miền đất nước hội tụ trong một khúc ca hòa bình với những bản nhạc không chỉ giàu chất liệu nghệ thuật mà còn đong đầy cảm xúc lịch sử. Hai người hát bè cho nhau, khi NSND Tạ Minh Tâm lên cao thì NSND Quốc Hưng hòa bè ở quãng trầm và ngược lại, khiến bài hát vang lên đầy đặn, dày dặn và thêm phần ấn tượng.
“Đó là một cảm xúc vô cùng đặc biệt, trong một không gian và thời gian rất đặc biệt, khi được hát mở màn chương trình, trước hàng vạn quân dân. Với tôi, âm nhạc lúc ấy không còn là lời hát riêng lẻ, mà là tiếng lòng chung của hàng triệu người con đất Việt trong giờ phút thiêng liêng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất." - nam nghệ sĩ bộc bạch.
![]() |
NSND Quốc Hưng và NSND Tạ Minh Tâm lần đầu tiên hòa giọng trong một tiết mục đặc biệt |
Đối với NSND Quốc Hưng, hát trong những sự kiện trọng đại của đất nước luôn là một trách nhiệm thiêng liêng, nhưng dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất lại mang một ý nghĩa riêng sâu sắc. Đằng sau những giai điệu hào hùng, anh còn gửi gắm một phần ký ức riêng về người cha của anh - người từng là chiến sĩ, ở mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị, khi trở về mang trên mình nhiều vết thương. NSND Quốc Hưng chia sẻ, anh chọn hát những bài ca Cách mạng như một cách bày tỏi lời yêu thương với cha mẹ – những người đã hy sinh thầm lặng để thế hệ con cháu sau này được sống trong hòa bình hôm nay.
Ngay sau lễ kỷ niệm diễn ra vào sáng nay 30-4 tại TP.HCM, NSND Quốc Hưng lại tiếp tục lên đường đi Đà Lạt để tham gia chương trình nghệ thuật “Non sông thống nhất” do UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Nam nghệ sĩ là giọng ca thường xuyên góp mặt trong các dịp lễ lớn của đất nước như: 30/4, 19/5, 2/9… và anh luôn xem đó là một đặc ân trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Với anh, được góp giọng trong các sự kiện nghệ thuật trọng đại không chỉ là vinh dự, mà còn là sự dấn thân đầy tự hào với nghề.
“Không phải ai cũng được đứng trên sân khấu trong các chương trình chính luận, chính ca của đất nước. Những chương trình ấy đòi hỏi giọng hát được đào tạo bài bản, tinh thần vững vàng.” - NSND Quốc Hưng tâm sự.
![]() |
Cũng theo NSND Quốc Hưng, dòng nhạc Cách mạng không chỉ là di sản tinh thần của dân tộc mà còn là dòng nhạc gắn liền với học thuật. Hầu hết các ca khúc Cách mạng được sáng tác trong những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ đều là những tác phẩm kinh điển, có giá trị bền vững, sống mãi đến ngày nay. Là người theo đuổi con đường âm nhạc chính thống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã kết hợp kỹ thuật thanh nhạc cổ điển châu Âu với tinh thần của nhạc Cách mạng. Nam nghệ sĩ cho rằng, nếu ca khúc Cách mạng mà không đưa kỹ thuật thanh nhạc vào thì sẽ khó truyền tải trọn vẹn tình cảm, sự hùng vĩ, độ bao la của tác phẩm. Đây là dòng nhạc đòi hỏi nội lực, chiều sâu và cảm xúc chân thành.
Tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc, từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến Nhạc viện TP.HCM, các ca khúc Cách mạng vẫn là một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy, bên cạnh các aria và romance kinh điển quốc tế. Thậm chí, ngày nay, một số nghệ sĩ trẻ đã làm mới những bản nhạc cách mạng bằng phong cách phối khí hiện đại, tạo làn gió mới cho dòng nhạc vốn giàu chiều sâu lịch sử này. NSND Quốc Hưng tin rằng điều đó rất tốt bởi đó là sự tiếp nối cần thiết.
Tiết mục biểu diễn của NSND Quốc Hưng và NSND Tạ Minh Tâm tại Đại lễ 30/4/2025 |
Trong sự nghiệp, NSND Quốc Hưng đã thể hiện hàng loạt ca khúc Cách mạng kinh điển như: “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Tiếng chuông nhà thờ”, “Bài ca chiến thắng”… Anh cũng thể hiện nhiều ca khúc viết về Trường Sơn, mang âm hưởng núi rừng đến các sân khấu trong nước và quốc tế.
Những tác phẩm mà nam nghệ sĩ tài ba thể hiện đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng khán giả phải kể tới: “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” của nhạc sĩ Chu Minh và “Tổ quốc gọi tên mình” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai. NSND Quốc Hưng cho biết anh ấn tượng với “Tổ quốc gọi tên mình” vì so với những ca khúc Cách mạng kinh điển chủ yếu ra đời trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc thì ca khúc này ra đời trong thời gian gần đây, năm 2011. Tới giờ, có lẽ anh là người biểu diễn nhiều nhất bài hát này, từ Bắc vào Nam rồi đến Tây Nguyên, mỗi nơi anh đặt chân đến và cất giọng hát đều mang một ý nghĩa đặc biệt đối với anh. NSND Quốc Hưng chia sẻ, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” cũng là tác phẩm kết thúc trong album “Những bản tình ca đỏ của anh” phát hành năm 2013.
Một số hình ảnh của NSND Quốc Hưng trong các hoạt động hướng tới dịp Đại lễ 30/4 năm nay:
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |