Chân dung một con người

ANTĐ - Thơ là tiếng nói được cất lên từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn. Thơ nói hộ ta những điều không thể nói, không dễ nói. Tôi nhận ra điều ấy khi đọc tập thơ "Lời nguyện cầu trước lửa "của tác giả Trần Gia Thái.
Chẳng thế mà, đọc thơ của anh đã lâu, đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi vẫn chưa đủ lời để ghi lại những cảm xúc suy nghĩ về thơ anh. Mỗi bài thơ của anh là một mảnh ghép của bức chân dung một con người. Mỗi bài thơ là một cung bậc cảm xúc được cất lên từ nơi sâu thẳm nhất trong thế giới cảm xúc mênh mông sâu nặng nghĩa tình của anh.

Tôi thích những bài thơ tình của anh. Có cái gì đó rất thật mà cũng rất mơ. Hình như những người tình của anh ở trong mộng, trong tâm tưởng nhiều hơn ở ngoài đời. Có phải vì họ là quá vãng, là kí ức hay vì tấm tình của anh đẹp và trong đến mức gạn lắng được những gì của hiện thực để giữ lại trong hồn mình những người tình rất mộng, rất thơ, sáng trong và thơm ngát.

                        "Em trong hơn mưa

                         Hạt mưa trần trong nắng"

                                              ( Ảo ảnh )

                          "Em ơi

                          Hình như tóc thơm mùi cỏ lạ

                          Hình như nụ cười mang hương rừng"

      "Em là gió là nắng là không khí là tóc thơm, nụ cười thơm bước chân thơm"

                                                                    (Hóa ra là nỗi nhớ),

em là tât cả những gì đẹp đẽ, trong ngần của thiên nhiên trời đất.

 Thậm chí

                          " Em là quá vãng hiện về thánh thiện và dại ngây"

                                                                      (Ảo ảnh)

Ta cảm thấy trái tim anh gõ cửa đến mọi ngóc ngách của tâm hồn để đón nhận mọi hình ảnh, đường nét, âm thanh, sắc màu, hương vị của tình yêu. Người tình trong thơ anh vừa quen thuộc, gần gũi đời thường như hạt mưa, cây cỏ, hương rừng, không khí, nắng gió nhưng lại rất mộng rất mơ, rất ảo bởi anh không thể nắm giữ.
Những lời thơ như thế cứ như "Lời thú tội" của trái tim. Tôi nhận thấy: Những người tình của thơ anh thật hạnh phúc. Bởi với anh, họ đẹp đẽ, thánh thiện được anh trân trọng, tôn thờ; họ bé nhỏ dại ngây được anh che chở; họ nhẹ nhàng mỏng manh được anh nâng niu chiều chuộng. Một người tình như thế còn gì hạnh phúc hơn?

 Vậy mà:

                           "Em tan cùng mưa khi vướng một sợi nhìn

                             Gần đến thế mà sao không thể tới"

                                                          (Ảo ảnh)

                            "Em đi sao vội vã

                              Em đi như trốn tìm"

                                                           (Em đi)

                            " Nào hay bất ngờ tan biến

                              như chưa có thực trên đời"

                                                           (Mơ)

để anh:

                             "Đợi em một ngày

                               Đợi em một đời

                               Lá vàng lá rụng

                              Tóc xanh không về

                               Đợi em tôi đơi

                               Tan vào cõi mê"

                                                      (Một ngày một đời)

Tất cả đã để lại trong anh những nỗi niềm sâu sắc. Khi là nỗi buồn:

                                "Không nỗi buồn nào buồn hơn

                                  Không sự thật nào thật hơn

                                  Rằng trước tôi em là ảo ảnh"

                                                               (Ảo ảnh)

Khi là nồi nhớ:

                                "Hóa ra là nỗi nhớ

                                  Mỗi khi căn phòng tôi mở cửa

                                  Chúng ùa vào

                                  Vây bủa"

để

                                "Cánh cửa trái tim tôi khép giấu

                                  Tôi giam em

                                  Nỗi nhớ

                                  Nguyên hình"

                                                           (Hóa ra là nỗi nhớ)

Nhớ em mà thành hình thành khối trong tâm hồn thì ai bảo đó là tình đùa, tình vui. Yêu chân thành, yêu say đắm, thậm chí có phần ích kỉ bởi "Tôi giam em, Tôi không muốn chia sẻ em với ai, không ai được nhớ em". Và "Tôi" cũng không chia sẻ nỗi nhớ em với ai, chỉ có "Tôi" và nỗi nhớ hiểu nhau. Nỗi nhớ trong "Tôi" đã hiện hình, hiện hữu thành một người cụ thể để "Tôi" gọi tha thiết: "Nỗi nhớ ơi".

Nhớ như thế chưa đủ, có lúc trào dâng:

                                "Nỗi nhớ bùng nỗi nhớ

                                  Niềm đau dồn gõ cửa"

Dường như tâm hồn anh không còn đủ chỗ cho nỗi nhớ em, nhớ chồng chất bùng lên thành ngọn lửa thiêu đốt tâm can, biến thành niềm đau dồn dập trong tim.

Vậy đấy, khi yêu, anh yêu đến tận cùng của cảm xúc. Nên khi mất mát buồn đau thì nỗi buồn đau cũng thấm đẫm đến từng ngóc ngách của tâm hồn, cảm nhận tận cùng vị đắng tình yêu.

Thật ra, nhớ nhung, thất vọng, đau khổ trong tình yêu vốn là lẽ thường, không có gì mới lạ, khác người. Nhưng với tác giả Trần Gia Thái, ta nhận thấy ở anh điều đáng quý, đáng trân trọng và cả đáng yêu nữa ở chỗ: Anh lớn lao, cao thượng trong sự vị tha, chịu đựng, hi sinh; anh chân thật, chân tình trong lời than thở, oán trách. Những người như thế ta không dễ thấy trong cuộc đời này. Và trong cuộc sống đời thường ta cũng khó nhận ra anh.

                                                   * * *

Có lẽ yêu chân thành và cao thượng như thế, anh đã tìm được một người bạn đời xứng đáng, chị Tiền Minh, người vợ của anh bây giờ. Anh không viết nhiều về chị có thể vì bài thơ đẹp nhất tặng chị là cuộc đời anh, là tình yêu anh dành cho chị.

Nhưng đọc bài thơ "Trò chuyện với Cổ Loa" anh tặng chị và bài  "Giao thừa năm nay"  viết tặng con gái, tôi thực sự xúc động nhận ra hình ảnh một người chồng, một người cha sâu nặng nghĩa tình nhưng cũng phải chịu đựng nhiều thiệt thòi hi sinh.

                               "Gốc xà cừ nào của ta

                                 Bờ đê nào của ta

                                 Giường tầng nào của ta

                                 Quán cóc nào anh đợi em từ Thanh xuyên xuống

                                 Con dốc nào em chờ anh từ phà đò Đông Trù sang"

để rồi anh tiếc nuối thiết tha:

                                "Tuổi hai mươi ba của ta đâu

                                  Trang sách đầu đời

                                   bài học đầu đời

                                   Nụ hôn đầu đời

                                  ...

Thật cảm động và thiết tha trước lời cầu xin của anh cho hạnh phúc của con gái khi con đi lấy chồng:

                            "Mong người con yêu mãi yêu thương con mãi là người TỬ TỂ

                             Nếu chẳng tốt hơn cũng xin bằng mẹ

                             Có một người chồng không tệ phải không con"

Có cái gì đó hơi đắng cay của một người chồng, một người cha hiểu mình, hiểu đời, nghĩa tình sâu nặng với vợ con mà chưa làm được nhiều cho vợ con như mình mong muốn.

     Vợ con anh là những người hạnh phúc.

Và, dù chưa thể nói hết về thơ anh, nhưng chỉ một mảnh ghép thế thôi đã đủ cho tôi nhận ra anh, chân dung đẹp về một con người, một tâm hồn!

                                                                Vân Đồn - Quảng Ninh ngày 7-8-2011