Bún bò Huế không chỉ là món ăn nổi tiếng cả nước và quốc tế, mà còn là kết tinh của hàng trăm năm tri thức dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Gắn liền với đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng và các làng nghề truyền thống như làng bún Vân Cù, Ô Sa, món ăn này phản ánh sâu sắc tâm hồn, phong cách sống và văn hóa ẩm thực của người Huế.
![]() |
Năm 2014, bún bò Huế được chuyên gia ẩm thực nổi tiếng Anthony Boudain giới thiệu trên kênh truyền hình CNN của Mỹ "là món súp tuyệt vời nhất mà tôi từng nếm thử".
Năm 2016, bún bò Huế đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á đưa vào danh sách Top 100 món ăn đạt giá trị châu Á.
Năm 2023, Taste Atlas, trang ẩm thực quốc tế, vừa xếp Huế ở vị trí 28 trong 100 thành phố có các món ăn ngon nhất thế giới, trong đó món bún bò Huế được coi là "là những món ngon xứ Huế phải thử khi đến đây".
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tri thức dân gian chế biến bún bò Huế đã được gìn giữ và phát huy bởi cộng đồng cư dân, đặc biệt là các nghệ nhân ẩm thực như nghệ nhân dân gian Mai Thị Trà, nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Như Huy, nghệ nhân nhân dân Tôn Nữ Thị Hà, nghệ nhân ưu tú Phan Tôn Gia Hiền...
Với tay nghề tinh xảo, họ đã bảo tồn các bí quyết nấu bún bò, từ khâu chọn nguyên liệu, cách hầm nước dùng, nêm nếm gia vị đến trình bày món ăn, góp phần khẳng định đẳng cấp và hồn cốt món đặc sản này.
Dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký quyết định chính thức đưa "lễ hội Bhươih Haro Tơme (mừng lúa mới)" của đồng bào Cơ Tu tại các xã Nam Đông, Long Quảng, Khe Tre (TP Huế) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội mừng lúa mới (Bhuôih Haro Tơme) là nghi lễ nông nghiệp tiêu biểu, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người - thiên nhiên - thần linh trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Diễn ra sau mỗi mùa thu hoạch, lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn thần linh, đặc biệt là thần lúa Giàng Haro, đã ban cho bản làng mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên và no ấm.
![]() |
Phụ nữ Cơ Tu tái hiện cảnh trỉa lúa trong lễ hội mừng lúa mới. |
Được gìn giữ và truyền nối qua nhiều thế hệ, lễ hội là nét đặc trưng trong chu trình canh tác lúa truyền thống của người Cơ Tu, đồng thời là dịp quan trọng để cộng đồng sum họp, vui chơi và thắt chặt tình đoàn kết. Nghi lễ có thể diễn ra trong phạm vi từng gia đình hoặc quy mô cộng đồng toàn bản làng, với các hoạt động cúng tế, hiến sinh, múa chiêng trống, điệu múa Pađil Yayă, ẩm thực truyền thống và trang trí cột tế Xơnur đầy biểu tượng.
Việc ghi danh lễ hội Bhuôih Haro Tơme vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu tại Nam Đông - một vùng đất giàu truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong bản sắc văn hóa miền núi ở TP Huế.