- Trưng bày những bộ sách "tuyệt bản"
- "Sách photo" tràn lan trên mạng đang "tiêu diệt" sách chính gốc
- Phố Sách Hà Nội được phủ sóng Wifi, mở cửa từ 21-4-2017
Huyền Chip ký tặng sách cho người hâm mộ tại Hà Nội
Ngã rẽ cuộc đời
Vẫn với vóc dáng nhỏ bé, mái tóc xù rối và cách nói chuyện khiến người khác không dễ theo kịp, Huyền nói hiện cô đã học sang chương trình thạc sỹ ngành Khoa học máy tính, chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo ở trường Đại học Stanford Mỹ, ở bờ Tây California.
Quyết định sang Mỹ được nhiều người nói đến như một sự trốn chạy khi mà lúc bấy giờ cuốn “Xách ba lô lên và đi” của Huyền vẫn còn nằm trong “tâm bão” của những cuộc tranh luận.
Có người còn nói đi du học nước ngoài, hay đi du lịch nhiều chẳng qua cũng là cách… thích thể hiện của cô gái này. Còn Huyền, sau ngã rẽ đột ngột đến Stanford, dường như cô đã không còn “xù” lên để đáp trả những lời buộc tội hay đả kích.
“Thực ra tôi đã từng trải qua thời điểm rất khó khăn, đặc biệt là đối với gia đình tôi. Có người đã chỉ ra cái sai của tôi. Tôi trân trọng điều ấy. Tôi nghĩ rằng, nếu như tôi nỗ lực từng ngày thì sẽ được mọi người công nhận” - Huyền chia sẻ.
Xung quanh những ồn ào không đáng có, cô gái này tự nhận mình đã rất “trẻ con, hiếu thắng và có phần ương bướng”. Sau 3 năm miệt mài trên giảng đường, Huyền đã từng bước trưởng thành. Chính trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford”, Huyền đã nói, Stanford giống như cơ hội để cô làm lại từ đầu, để “bỏ lại quá khứ sau lưng”, để “quên đi cả những điều ngu ngốc và những điều gần như là ngu ngốc tôi đã làm trong suốt 5 năm qua”.
Stanford không trải hoa hồng
Ngôi trường danh tiếng như Stanford được miêu tả là nơi toàn những sinh viên được sinh ra ở những gia đình quyền lực và là những thiên tài thông minh bậc nhất. Ở đây, bất cứ sinh viên nào cũng có thể đụng mặt với con của tỉ phú Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook khi ông được mời đến diễn thuyết.
Cũng tại Stanford, Huyền đã kết bạn với anh chàng Ari, người trở thành đại kiện tướng cờ vua từ năm 13 tuổi và đã từng đi thi đấu ở những giải đấu hàng đầu thế giới; Jaime, Chủ tịch CLB Thám hiểm vũ trụ, người từng có nhiều công trình nghiên cứu, được mời nói chuyện ở NASA… và thấy rằng chưa bao giờ mình nhỏ bé đến vậy.
Với Huyền, việc đã từng là một người viết văn, một mình đi đến nhiều nơi trên thế giới chẳng có nghĩa lý gì khi đặt cạnh những con người tài giỏi như ở Stanford. Đã có lúc cô tự ti, đã có lúc cô cảm thấy mình phải nỗ lực đến 200% để không bị tụt lại: “Một sinh viên có thể dành đến 60-80 giờ/tuần cho việc học. Nếu như ở Việt Nam mọi người có thể gọi điện cho nhau hàng ngày thì ở Mỹ, rất ít khi mọi người gọi điện cho nhau vì nghĩ rằng có thể làm phiền người khác. Gặp gỡ, giao lưu bạn bè nếu chỉ nhằm mục đích tán gẫu là rất xa xỉ. Tôi từng thấy rất buồn khi không thể tìm đến bất cứ ai để giãi bày, để thổ lộ những vấn đề của mình”.
Sống trong một môi trường chạy đua với thời gian khắc nghiệt như vậy, Huyền Chip đã hiểu thế nào về “hội chứng con vịt”. Đó là khi bạn nhìn từ trên mặt nước, con vịt khi bơi nhìn thật ung dung, thong thả. Nhưng khi nhìn xuống hồ, mới thấy những đôi chân nó phải đạp điên cuồng để giữ cho mình nổi.
Đằng sau vẻ mặt tươi cười của những sinh viên Stanford là những áp lực phải thành công bằng mọi giá, những giờ học căng thẳng vắt kiệt sức lực… khiến cho nhiều người trong số họ đã buộc phải rời trường để trở về với gia đình. Thậm chí đã có người tự tử. Chính bản thân Huyền Chip cũng thấy mình tiệm cận với hội chứng này.
Ở Stanford, việc trở thành một trợ giảng khi mới là sinh viên năm nhất cũng không đảm bảo cho việc mọi người thừa nhận bạn. Bạn có thể bị đánh giá thấp, cảm thấy mình thất bại, kém cỏi và chỉ biết chui vào một góc để khóc rấm rứt…
Sau 3 năm học tập ở môi trường giáo dục chuyên nghiệp và tiên tiến, Huyền Chip thổ lộ, mình không còn là cô gái cao hứng là xách ba lô đi sang một châu lục khác. Cô đã toàn tâm toàn ý cho việc học và tiếp tục theo đuổi ngành Trí tuệ nhân tạo - một ngành học nhiều khả năng sẽ bùng nổ trong tương lai.
Bỏ ngỏ về ý định quay về Việt Nam, Huyền nói: “Ba năm trước tôi cũng đã không nghĩ mình sẽ sang Mỹ. Bởi vậy, thú thực 3 hay 5 năm tới, tôi cũng không tưởng tượng được mình sẽ ở đâu. Giờ tôi đang chuyên tâm hoàn thành cuốn sách bằng tiếng Anh về văn hóa Việt Nam dành cho người nước ngoài. Tôi hy vọng nhờ cuốn sách này, những người bạn nước ngoài của tôi có thể hiểu hơn về Việt Nam khi chiến tranh đã lùi xa”.