Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục thông tin về việc mất hơn 100 cuốn sách cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 10 ngày kể từ lần phát đi thông cáo thứ 2 việc mất 121 cuốn sách, chiều nay, 30-3, trên trang web của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục có những thông tin mới về việc mất sách.

Đã tìm thấy 14 cuốn sách từng “được cho là mất”

Trong Thông cáo thứ 2 ngày 20/3, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, qua các đợt kiểm kê thiếu 121 quyển, bên cạnh đó có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các kí hiệu sách (sách dôi), chưa xác định rõ có bao gồm 121 sách thiếu hay không. Nhóm kiểm kê đồng thời báo cáo có 877 quyển thuộc loại hư hại nặng.

Trong đợt rà soát, đối chiếu từ ngày 22 đến 29/3/2023, số sách thất lạc được tìm thấy là 14 quyển, tổng số sách sưu tầm (sách sưu tầm có ký hiệu là ST), điều này có nghĩa, hiện số sách thất lạc chỉ còn 107 quyển.

Danh sách 14 quyển tìm được gồm: Ức Trai Phi Khanh thi văn tập (ST.260), Hoa Nghiêm ngoại truyện (ST.1907) và Dịch kinh đại toàn tiết yếu (ST.1450), Thuỵ Phương linh từ sự tích (ST.366), Phật Thánh chân kinh (ST.1301), Vạn quyển trân tàng quy tính mệnh (ST.1908), Tòng nhân khoa (ST.10202), Luận tang sự (ST.10203), Kim quyết hoá thân (ST.10204), Tử vi (ST.10207), Nhất hộ áp quái (ST.10208), Tăng quảng thư (ST.10209), Tạ thuỷ phù khoa (ST.10210), An long khoa (ST.10211).

Đối với sách bị hư hại, ngày 23/3/2023, Viện lập nhóm chuyên gia rà soát toàn bộ 877 kí hiệu sách được xếp vào nhóm “hư hại nặng”. Nhóm gồm tất cả các chuyên gia của bộ phận tu bổ, các thành viên bộ phận bảo quản; Ban Lãnh đạo Viện, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Thư kí Hội đồng khoa học giám sát và cùng làm việc.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, đang tổ chức xác định trách nhiệm liên quan trong việc mất/ thất lạc sách cổ (ảnh Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, đang tổ chức xác định trách nhiệm liên quan trong việc mất/ thất lạc sách cổ (ảnh Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Các tài liệu hư hại được chia thành 03 loại: loại A: sách còn tốt hoặc bị hư hại nhưng có thể tu bổ toàn bộ; loại B: sách có thể tu bổ một phần (thường là phần lớn, bởi chỉ hỏng bìa hoặc một vài trang đầu và cuối); loại C: sách hư hại nặng, chưa có giải pháp tu bổ. Kết quả: loại A có 540 quyển; loại B có 227 quyển; loại C có 110 quyển.

Loại A nhiều là do nhóm rà soát trước đó đã hiểu sai khái niệm khi tập hợp thông tin trong các bản báo cáo từ bộ phận tu bổ. Trong nhiều năm trước đây, mỗi lần giao sách đi tu bổ, bộ phận tu bổ xem xét đặc điểm tài liệu để phân loại sách có thể tu bổ và sách “không tu bổ được”. Sách “không tu bổ được” có thể là do hư hại nặng, hoặc là sách giấy tây viết lên cả 2 mặt của một tờ (giấy dó chỉ viết lên 1 mặt), loại thứ 3 là “kinh xếp”, tức sách kinh Phật dạng gấp ruột mèo dính vào nhau liên tục (khác với sách thường lật từng trang), không thể tách trang ra để tu bổ.

Vì vậy, trong số này, phần lớn là sách còn tốt nguyên trạng, nhưng do đặc trưng loại hình tài liệu nên “không tu bổ được”, chứ không phải hư hại nặng nên không tu bổ được.

Thông tin 877 quyển sách hư hại nặng mà trưởng nhóm rà soát báo cáo trước Hội đồng kiểm kê ngày 15/3/2023 là chưa phản ánh đúng sự thực, do chưa trực tiếp kiểm tra sách mà chỉ tổng hợp từ các ghi chép của bộ phận tu bổ về tình trạng vật lí của sách.

Nguyên nhân mất sách?

Cũng tại thông cáo này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng cho biết về số sách mất trước khi kho sách được bàn giao cho Viện, thời điểm trước năm 1983.

Căn cứ theo “phiếu ma” (phiếu ghi thông tin mất sách, đặt tại vị trí của sách trên giá) trong kho bảo quản, có 238 quyển sách mất trước khi Viện nghiên cứu Hán Nôm nhận bàn giao năm 1983, không thuộc trách nhiệm quản lí của Viện. Các sách này thuộc kho A và kho V (thời điểm đó chưa có kho ST- kho sách sưu tầm).

Ảnh minh họa, nguồn; Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Ảnh minh họa, nguồn; Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Có 123 quyển sách mất/thất lạc tại Viện nghiên cứu Hán Nôm kể từ thời điểm bàn giao năm 1983 đến nay, thuộc trách nhiệm quản lí của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong số này, ngoài 2 sách đã có “phiếu ma” tại Phòng Bảo quản xác định thời điểm mất (1986) từ khi Viện mới nhận bàn giao; số 121 sách còn lại, căn cứ theo giấy tờ ghi chép và tình hình thực tế, có dấu hiệu đã mất/thất lạc từ trước năm 1997 đến giữa năm 2020, được phát hiện mất/thất lạc trong đợt kiểm kê, rà soát năm 2022-2023.

Đến nay, sau tổng kiểm kê và rà soát từ giữa năm 2022 đến ngày 29/3/2023, kho sách Hán Nôm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tình trạng như sau: Kho thác bản văn bia: có 58.357 đơn vị bản in rập, thiếu 02 đơn vị, đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng. Kho A: mất 11 quyển, còn 8.368 quyển, tất cả đều còn lưu bản sao (scan màu và/hoặc photocopy đen trắng). Kho V: mất 3 quyển, còn 7.920 quyển, tất cả 3 quyển đều còn lưu bản sao (scan màu và/hoặc photocopy đen trắng). Kho ST: thất lạc 107 quyển sách ST. Có 13 quyển sách đã có bản sao scan màu, tất cả đều chưa có bản photocopy.

Theo sổ sách ghi chép, trong số 107 quyển ST này có 5 quyển không phải sách gốc, mà là sách photocopy đen trắng, nhưng khi nhập kho vẫn cấp kí hiệu ST. Vì vậy có 102 sách ST là sách gốc (không phải sách photocopy) hiện thất lạc. Do kho ST còn tồn tại nhiều vấn đề, cần kiểm kê lại một lần nữa, nên Viện Nghiên cứu Hán Nôm tạm thời xác định là “thất lạc” đối với toàn bộ 107 quyển này.

Hiện tại, có sự lẫn lộn sách trong kho ST, vì trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo quản và tu bổ kéo dài nhiều năm đối với số lượng tài liệu lớn, lại ở một không gian kho nhỏ, thiếu giá để sách, khiến cho kho ST bị phân tán, các kí hiệu sách không liền mạch, không được đặt tại một khu vực cố định riêng, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát.

Quá trình kiểm kê và bàn giao kho ST trong các năm 2005 và 2013 không đảm bảo đúng quy trình, vì không đánh dấu vào sổ đăng kí cá biệt. Người được giao quản lí chìa khoá kho sách đã thiếu chặt chẽ trong việc phân quyền đóng mở cửa kho.

Nguyên nhân hư hại

Cũng theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có 2 nguyên nhân gây hư hại.

Nguyên nhân khách quan: Theo thời gian, tất cả các tài liệu giấy đều có sự xuống cấp, hư hại một cách tự nhiên. Ngay từ khi nhập kho, không phải tài liệu nào cũng đã ở trong tình trạng tốt, mà phần lớn là các tài liệu giấy cũ, bị quăn mép, rách, mối mọt một phần hoặc nhiều phần. Kho bảo quản tại Viện sử dụng từ đầu thập niên 1990, đến nay đã không còn đáp ứng được yêu cầu bảo quản tài liệu. Mặc dù Viện Nghiên cứu Hán Nôm với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Viện Hàn lâm, đã tích cực sửa chữa, nhưng chỉ là những sửa chữa nhỏ, nhưng không thể bù đắp được những hư hại lớn về cơ sở vật chất và sự lạc hậu về công nghệ bảo quản.

Nguyên nhân chủ quan: Bộ phận Bảo quản không thường xuyên kiểm tra cụ thể các sách ST để kịp thời phát hiện những sách hư hại nặng để đưa tu bổ.

Trước đây, trong kho tầng 2, sách gốc và sách photocopy để trong cùng một không gian thông nhau, nên tất cả nhân viên đều có thể ra vào.

Nhận thấy điểm bất cập này, cuối tháng 7/2022, Viện đã tổ chức làm vách ngăn bằng khung nhôm kính để chia các phân kho tại tầng 2, dồn các tài liệu gốc về một khu tách biệt, phần sách photocopy để riêng một cửa ra vào để nhân viên phục vụ độc giả hằng ngày.

Ngày 28/7/2022, Viện đã thay chìa khóa kho, giao chìa khoá kho sách gốc cho Trưởng bộ phận Bảo quản (mới bổ nhiệm từ tháng 8/2021). Chìa khoá kho sách photocopy được đặt tại phòng làm việc chung để nhân viên sử dụng mở cửa kho phục vụ bạn đọc.

Bên cạnh đó, Viện đã ban hành Quy chế Quản lí, khai thác và sử dụng tài liệu Hán Nôm tại VNCHN (kèm theo Quyết định số 113/QĐ-HN ngày 8/12/2020). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm (1970-2020) VNCHN mới có văn bản quy chế quản lí tài liệu Hán Nôm.

Phương án giải quyết sự việc

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân công, Viện Nghiên cứu Hán Nôm bảo quản các tài liệu Hán Nôm, trong đó có 2 nhóm tài liệu chủ yếu là sách Hán Nôm gồm 34.014 quyển đã được ghi trong sổ đăng kí cá biệt và thác bản văn bia gồm 58.357 đơn vị.

Về các phân kho sách, kho sách kí hiệu A (do người Pháp tập hợp) gồm 8.739 quyển và kho sách kí hiệu V (do người Việt Nam tập hợp trước năm 1979 – thời điểm chính thức thành lập Viện) gồm 7.932 quyển.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ sớm thực hiện tổng kiểm kê toàn bộ tài liệu Hán Nôm một lần nữa để sắp xếp, chỉnh lí lại kho sách, đóng dấu kiểm kê vào từng đơn vị tài liệu (ảnh minh họa)

Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ sớm thực hiện tổng kiểm kê toàn bộ tài liệu Hán Nôm một lần nữa để sắp xếp, chỉnh lí lại kho sách, đóng dấu kiểm kê vào từng đơn vị tài liệu (ảnh minh họa)

Từ năm 1988, Viện tổ chức sưu tầm thêm sách Hán Nôm, đặt thành kí hiệu ST (sưu tầm).

Cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, các sách kho A và V đã được photocopy để nhân bản phục vụ độc giả. Kho ST chưa photocopy, cho nên độc giả được đọc sách gốc.

Tài liệu Hán Nôm của Viện được lưu giữ trong phòng Bảo quản gồm 2 tầng, biệt lập với phòng đọc phục vụ độc giả. Chỉ có nhân viên Phòng Bảo quản được ra vào kho sách; nhân viên các phòng khác trong Viện và độc giả không được vào kho; nếu có khách vào kho tham quan (thường là lãnh đạo cấp trên, khách quốc tế, hoặc thợ sửa chữa cơ sở vật chất trong kho) thì phải được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện và có nhân viên Phòng Bảo quản đi cùng.

Chìa khoá kho sách do trưởng bộ phận Bảo quản (người chịu trách nhiệm chính về nghiệp vụ bảo quản) giữ và quản lí. Từ tháng 7/2022 trở về trước, bộ phận Bảo quản có một chùm chìa khoá dùng chung, đặt trong phòng làm việc chung của bộ phận Bảo quản, đến lịch trực của nhân viên nào thì người đó lấy chìa khoá, mở cửa kho để thực hiện việc phục vụ, giao nhận sách cho bạn đọc tại phòng đọc.

Do trong kho không có vách ngăn nên bất kì nhân viên nào cũng có thể tiếp cận trực tiếp với tất cả các tài liệu, mặc dù chủ yếu chỉ phục vụ nhóm tài liệu photocopy. Ngoài ra, trưởng bộ phận Bảo quản giữ riêng một chùm chìa khoá ra vào kho sách.

Theo quy định tại đơn vị, nhằm mục tiêu bảo quản các tài liệu gốc, Viện tổ chức phục vụ bạn đọc chủ yếu thông qua bản photocopy đối với kho A và V; bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của Lãnh đạo Viện.

Sự việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu là tổn thất lớn đối với kho sách Hán Nôm nói riêng, với văn hiến cổ điển Việt Nam nói chung. Tập thể và cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm trước sự việc này. Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tổ chức xác định trách nhiệm liên quan. Cơ quan công an đang điều tra làm rõ sự việc với các sách đã báo mất.

Sự việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng tài liệu một cách đúng mức (không hạ thấp, không thổi phồng) và tinh thần khoa học nghiêm túc; giải quyết một cách công khai, minh bạch, có căn cứ pháp lí.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ sớm thực hiện tổng kiểm kê toàn bộ tài liệu Hán Nôm một lần nữa để sắp xếp, chỉnh lí lại kho sách, đóng dấu kiểm kê vào từng đơn vị tài liệu.