Vụ mất 25 quyển sách cổ quý tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư luận đang xôn xao trước thông tin Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất 25 cuốn sách cổ, trong đó được cho là có "Toàn Việt thi lục" của Lê Quý Đôn. Theo các chuyên gia pháp lý, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của sự việc, cá nhân được giao quản lý số sách này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. 

Được biết, qua 3 tháng rà soát, Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát hiện không thấy trên giá 29 quyển. Sau khi tiếp tục kiểm tra đã tìm được 4 quyển sách do để sai giá. Vì vậy, số lượng sách thất thoát là 25 quyển, trong đó bao gồm bốn cuốn Toàn Việt thi lục, thuộc ba bộ khác nhau, do Lê Quý Đôn biên soạn, Việt âm thi tập do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn…

Nhận định sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo khoản 6 Điều 4 Luật Di sản văn hóa, sách cổ hay còn gọi là cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

Có thể xác định sách cổ là di sản văn hóa phi vật thể (sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia).

Ngoài ra, Điều 16 Luật Di sản văn hóa cũng nêu rõ, các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải có nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại…

Một trang sách được cho là thuộc cuốn "Toàn Việt thi lục"
Một trang sách được cho là thuộc cuốn "Toàn Việt thi lục"

Đối với vụ mất 25 quyển sách cổ quý tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Luật sư Hồng Vân nhận định, cá nhân được giao quản lý kho sách tại Viện có trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các cuốn sách cổ, thông báo kịp thời cho lãnh đạo viện khi sách cổ bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại…

Khi sách bị mất, nếu có căn cứ chứng minh các cá nhân này có hành vi vi phạm nội quy của viện, dẫn đến thất lạc sách cổ thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người thực hiện hành vi gây thiệt hại tài sản của nhà nước, tổ chức do thiếu trách nhiệm có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 179 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, căn cứ vào giá trị tài sản thiệt hại, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1-10 năm. Ngoài ra, cá nhân này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc để mất sách cổ thể hiện sự cẩu thả có phần thiếu trách nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên phụ trách quản lý kho sách. Nếu việc mất sách là do bị mất trộm thì đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS 2015.