Thiền sư Pháp Hạnh

Vẽ tranh để tri ân cuộc đời

ANTĐ - Bất ngờ bén duyên với hội họa, ở cái tuổi không còn trẻ, nhưng dường như hội họa đã tìm đến sư thầy để trao gửi một loại hình nghệ thuật độc đáo, loại hình mà bản thân sư thầy gọi đó là trường phái biểu hiện trừu tượng siêu thực là một dòng chảy của tâm thức. 

Xem tranh để soi mình 

- PV:  Tên tuổi của Thiền sư với những bức tranh độc đáo, như được ra đời từ tiềm thức đã được giới chuyên môn thừa nhận, thầy cảm giác thế nào? 

- Thiền sư Pháp Hạnh: Ngay từ khi vẽ bức tranh đầu tiên, tôi đã không nghĩ đến những gì về sau, nói theo cách nói của họa sĩ Phạm Đỗ Đồng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đó là đã đạt được đỉnh của hội họa. Đỉnh ở đây không phải là đỉnh cao nghệ thuật, mà là người vẽ tranh không còn sự sợ hãi trong tâm thức, vượt qua được lo lắng về sự tốt xấu. 

- Nhưng đây là một trường phái tranh không đại chúng, không phải ai cũng hiểu và cảm nhận được. 

- Với tranh của tôi, bất cứ ai cũng xem được vì họ soi thấy mình ở trong đó. Ví dụ một người thường làm việc ác nhìn vào tranh sẽ thấy máu me, một cụ bà thường làm việc lành, sống tử tế với người nhìn vào đó thấy thiên đường. 

- Hội họa cần năng khiếu bẩm sinh, nhưng thầy lại đến với hội họa rất muộn, phải chăng năng khiếu đó đã “ngủ quá lâu”? 

- Theo tôi, năng khiếu chỉ là một phần rất nhỏ thôi. Cái quan trọng là người sáng tác khám phá ra nguyên lý của sự sống, sự vận hành của vũ trụ. Thế nên khi con người hướng đến màu sắc sẽ ra hội họa, hướng đến âm thanh thì ra âm nhạc, hướng đến ngôn ngữ ra thơ ca. Nguyên lý khai mở tất cả các loại nghệ thuật chứ không riêng gì hội họa.

Nghệ thuật là tìm ra nguyên lý

Vẽ tranh để tri ân cuộc đời ảnh 2

- Sư thầy chính thức đến với hội họa từ khi nào?

- Cách đây 12 năm, trong một lần ra ngoài Bắc, chợt cảm giác có một nguồn lực chảy rất mạnh trong tâm thức, rồi tôi thấy mình phải vẽ một cái gì đó.  Cứ thế mà vẽ theo vô thức, vẽ xong cũng chẳng cần biết mục đích để làm gì.

- Bức tranh đầu tiên của thầy được đón nhận ra sao?

- Người đầu tiên nhận ra vẻ đẹp của tranh đó là một anh chàng người Anh, lúc đó đang là nhạc trưởng một dàn nhạc giao hưởng. Khi thấy bức tranh của tôi thì anh ta cứ dán mắt vào đó, sau khi biết tôi là tác giả thì anh ta thốt lên: Bức tranh được vẽ bằng cảm xúc, rất nhiều cảm xúc. 

- Chủ đề chủ yếu trong tranh của thầy là gì?

Đó là thân phận con người, là cảnh thiên nhiên núi đồi, nhà cửa nơi tôi đã sống, đã lớn lên hay bắt gặp dọc đường. Có khi là những thứ tôi tình cờ nhìn thấy trong cuộc sống. Sự tốt xấu của con người cũng là nguồn cảm hứng. 

- Thầy mất bao lâu để hoàn thành một tác phẩm?

Có những bức tranh khi dòng tâm thức chảy mạnh thì tôi vẽ không lâu. Sỡ dĩ tôi vẽ được nhanh thế vì tôi không vẽ theo khuôn mẫu của vật chất như nó vốn có, điều mà nhiều họa sĩ khác luôn cố gò mình vào. Hãy nhìn một đứa trẻ nghịch cát, trông nó hồn nhiên làm sao, trẻ trung làm sao. Vẽ tranh với tôi cũng thế, tôi quan niệm đó là cuộc vui chơi với màu sắc và sau cùng là không tính toán gì ở đó cả. 

Vẽ tranh làm từ thiện 

- Rất nhiều tranh của thầy đã được bán để làm từ thiện, mà sắp tới đây là 80 bức tranh được bán đấu giá cũng thế. Đó cũng là một sự tính toán chứ? 

- Ý của tôi ở đây là tính toán cho vật chất của riêng mình, còn tranh của tôi làm từ thiện là đem lại niềm vui, hy vọng sống cho những người bất hạnh, khốn khổ. Tôi tâm niệm đó như là cách để tri ân cuộc đời này. Tôi vẫn nhớ, một lần tôi đến một vùng xa của miền Trung thì tình cờ bắt gặp một người mẹ nghèo khổ, bế đứa con trên tay vào trạm xá xin thuốc. Nhưng vị y sỹ già lắc đầu vì bệnh của cháu bé phải chuyển lên tuyến trên. Người mẹ ấy bất lực bế đứa con đi, vì không thể kiếm đâu ra tiền để chữa bệnh cho con. Lúc đó tôi đã tâm niệm, phải làm gì đó để giúp những người như người mẹ đau khổ kia. 

- Hiện giờ điều tâm niệm ấy của thầy chắc chắn đã được thực hiện một phần?

- Tôi rất may mắn vì khi ra Hà Nội trong một chuyến công tác, tôi tình cờ biết được một số y bác sĩ, trí thức ở Hà Nội đang có ý định thành lập một quỹ từ thiện đúng như tâm nguyện của tôi, nhưng đang bị vướng ở vấn đề tài chính. Thế là tôi quyết định đưa những bức tranh của mình ra đấu giá để góp tiền cho quỹ. Số tiền đó dù chỉ như một giọt nước, góp vào đại dương bao la, nhưng cũng là tâm sức của tôi với cuộc đời.

Thiền sư Pháp Hạnh tên thật là Nguyễn Quang Thịnh, sinh năm 1956, tại Thừa Thiên-Huế, hiện đang tu tại Rừng Thiền Viên Không, Bà Rịa, Vũng Tàu. Triển lãm tranh với tên gọi “Chắp cánh” vừa khai mạc ngày 24-3 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Toàn bộ số tiền bán tranh sẽ dành để gây quỹ từ thiện “Hướng về cộng đồng”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 7-4.