Triển lãm sắp đặt "Bố Hạo"

ANTĐ "Bố Hạo" là một triển lãm sắp đặt với qui mô lớn của nghệ sỹ thị giác Lê Hiền Minh. Tác phẩm bao gồm hai phần: sắp đặt Sách Từ Điển và ấn phẩm Còn Lại/Rời rạc.
Triển lãm của Lê Hiền Minh được ra đời để kỷ niệm 10 năm ngày mất của cha cô-bố Hạo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Ngay từ những suy nghĩ đầu tiên, Hiền Minh đã biết chắc chắn một trong những tác phẩm sẽ là sắp đặt gồm một ngàn vật thể được làm bằng giấy bản và có hình dáng của sách từ điển. Tất cả đều rỗng ruột và không có chữ. Tác phẩm sắp đặt này có tên Sách Từ Điển. Sau này,chị đã quyết định làm thêm một ấn phẩm phụ trợ cho Sách Từ Điển, đó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của cha chị và ghi chép lại ký ức của nữ họa sỹ về bố, có tên Còn Lại| Rời Rạc.

Hiền Minh và cha cô.

Khi sáng tác, chị đã phải đối mặt với những cảm xúc lẫn lộn mà chị đã tránh né trong bao năm. Những cảm xúc đầy thách thức này trở về mạnh mẽ khi họa sỹ xem lại những bức ảnh kỷ niệm, sổ tay, thư viết, và rất nhiều những vật dụng khác của bố. Thật khó khi phải lục lọi ký ức để nhớ lại kỷ niệm mà Hiền Minh đã không muốn nhớ đến trong nhiều năm qua. Và dù 10 năm trôi qua, chị vẫn không thể xem ảnh đám tang của bố. Họa sỹ thấy sợ dù chỉ là chạm tay vào những bức ảnh này.

 

Tác phẩm sắp đặt "Sách từ điển".

Trở lại với tác phẩm sắp đặt Sách từ điển, bố của Hiền Minh là người yêu sách, thích đọc sách và mê mua sách. Ông luôn tin mình có thể học hỏi được rất nhiều từ việc đọc sách, có lẽ do đó ông mua và đọc vô vàn thể loại. Sách còn được nhà nghiên cứu ngôn ngữ dùng để phục vụ cho việc nghiên cứu, ví dụ như việc nghiên cứu tự học ngoại ngữ. Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy loại sách từ điển này là nữ họa sỹ lại nhớ đến bố.

 Ngay khi bắt đầu thực hiện tác phẩm này, chị đã quyết định một ngàn quyển sách điêu khắc sẽ trống rỗng và không có chữ. Có rất nhiều câu hỏi tại sao? Chị đã từng trả lời rằng “đây là một lời tuyên bố thay cho sự thất vọng của cha chị về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán Nôm. Chúng ta hoàn toàn bị cắt đứt với chính nền văn hoá của tổ tiên”. Chị đã từng nói rằng “đây là một việc liên quan đến văn hoá đọc viết của giới trẻ ngày nay. Với sự phát triển của máy vi tính và internet, chúng ta càng ngày càng đọc và viết bằng bút bằng giấy ít đi”. Tuy nhiên, tất cả những lý do trên chỉ là phần dễ nói, dễ trả lời của Sách từ điển. Sự trống rỗng đối với chị  tượng trưng cho những ký ức về người cha đã mất đi qua năm tháng. Những mảnh ký ức ùa về bất chợt, lung tung không báo trước, không có thứ tự trước sau, không cần biết chúng sẽ làm chị buồn, hay làm chị giận. Sự rời rạc này nhiều lúc thật khó để Hiền Minh có thể nhìn sự việc một cách khách quan khi bố không còn để giải đáp. Nữ họa sỹ cũng không thể phủ nhận nhiều lúc ký ức đến bất chợt mang lại niềm vui và làm chị thấy mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Ấn phẩm Còn lại| Rời rạc được hình thành để phụ trợ cho Sách từ điển. Nó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của người cha đã mất và ghi chép lại những mảnh ký ức mà chị còn nhớ về bố. Trong quá trình thực hiện, họa sỹ quyết định chỉ ghi lại những ký ức của riêng chị mà không muốn đan xen với ai khác. Ký ức quá mong manh, chị không cho phép đến một lúc nào đấy bản thân không còn phân biệt được đâu là ký ức của mình và đâu là cái vay mượn. Chị viết đi viết lại nhiều lần những gì mình nhớ. Mỗi lần viết lại là mỗi lần họa sỹ đón nhận hồi ức đấy với một tình cảm khác nhau. Mặt khác, quá trình viết lập đi lập lại diễn ra khá đơn điệu như một sự cần thiết cho Hiền Minh được tĩnh lặng để rồi nhiều ký ức nhỏ bất chợt trở lại. Hiền Minh sắp xếp, đo đạc, tính toán chúng một cách khoa học, cẩn trọng như vẽ lại một bản đồ. Bản đồ này có thể là một mê cung với những điều xưa cũ và cả những điều chưa biết tới. Nhưng đấy là nơi họa sỹ muốn ở lại.

Sau một năm rưỡi thực hiện bằng tay từng vật thể cho tác phẩm Sách từ điển, một sắp đặt lớn nhất của chị từ trước đến nay, tác phẩm sẽ được công bố tại triển lãm "Bố Hạo" khai mạc vào ngày 10-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học. Triển lãm này là cột mốc đánh dấu mười năm nữ họa sỹ Hiền Minh đã sử dụng chất liệu giấy dó và giấy bản trong tác phẩm nghệ thuật.