“Thói nghiện” thời công nghệ

ANTĐ - Làm việc, ăn uống, mua sắm, quan hệ tình dục hay lướt nét… những thói quen thông thường đó hiện giờ rất dễ gắn với từ “nghiện”.
Khái niệm “nghiện” hiện giờ đã được “mềm hóa” nhiều nhưng ai cũng lờ mờ đoán rằng nó có thể tiềm ẩn nguy cơ nào đó.
Đủ kiểu cám dỗ
Chúng ta hầu như đã quen tai với khái niệm “nghiện” kiểu như “nghiện” Sô cô la, “nghiện” điện thoại, “nghiện tivi”… Theo định nghĩa, nghiện là sự phụ thuộc về mặt thể chất và tâm lý vào điều gì đó. Nếu nghiện rượu, thuốc lá hay ma túy, người ta sẽ gặp phải các triệu chứng như huyết áp tăng, buồn nôn, vã mồ hôi, run rẩy nếu không được tiếp xúc với các chất đó. Đó là vì các chất này thay đổi hóa học trong cơ thể và bộ não con người. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người dùng từ “nghiện” để chỉ nhu cầu lặp lại một hành vi như cờ bạc, ăn uống, tập thể dục, làm việc, mua sắm, lướt nét, quan hệ tình dục hay xem phim ngoài luồng... Những điều này chỉ là một sự tự ép buộc, khiến người ta không làm thì sẽ thấy khó chịu, không phải “nghiện” thuần túy, tuy nhiên chúng có thể tiềm ẩn những rắc rối.
Hành vi mang tính “tự cưỡng bức” đó có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng như kẻ “nghiện cờ bạc” thì rơi vào cảnh nợ nần, “nghiện sex” thì đổ vỡ hôn nhân vì có thể có quá nhiều quan hệ ngoài luồng. Câu hỏi quan trọng không phải là cái đó có thực sự là bị "nghiện" hay không mà nó gây tổn hại đến cuộc sống của con người ta thế nào. Nếu là một người “nghiện” bộ phim truyền hình nhiều tập, ít nhất họ mất công sắp xếp thời gian để xem cho bằng được nhưng với người “nghiện” ăn hoặc mua sắm thì có thể chịu sự tàn phá sức khỏe, quan hệ gia đình đôi khi sứt mẻ chưa kể ảnh hưởng đến khả năng tài chính.
Thực tế xảy ra đã có phụ nữ thừa nhận thói “nghiện giày” khó chữa của mình. Một phụ nữ trung niên ở tuổi trên 40 cho biết bà sở hữu số lượng giày vượt quá nhu cầu đi hàng ngày và cả khả năng tài chính nhưng mỗi khi đôi giày mới nào lọt vào mắt là không thể bỏ qua. Bị căng thẳng, người này mua giày, buồn - cũng mua giày. Nếu một, hai tuần không mua được đôi giày mới, bà này không ốm nhưng khó chống lại sự thôi thúc phải đi mua sắm. Vì thế mà bà này nợ đầm đìa, đứng trước nguy cơ bị tịch thu nhà và chồng dọa bỏ. Lại có trường hợp “nghiện ăn”, bí mật trong nhiều năm tiêu thụ hết túi bánh kẹo này đến các loại thực phẩm khác. Ngay sau khi nhồi, người này lập tức có cảm giác tội lỗi nhưng không thể dừng lại. Để tránh chết sớm vì ăn quá nhiều, bệnh nhân phải đi phẫu thuật dạ dày.
Dừng trước giới hạn
Một số yếu tố về mặt sinh học và môi trường có thể dẫn đến những thói “nghiện” trên. Trước hết, các nhà khoa học cho đó là một yếu tố di truyền, có xu hướng tái diễn trong gia đình, đặc biệt là tính di truyền về sự mất cân bằng loại hóa chất trong não có tên gọi chất dẫn truyền thần kinh. Lo lắng và trầm cảm cũng là yếu tố hay được nhắc đến. Sự phấn khích khi chơi cờ bạc, sự thoải mái trong ăn uống, mua sắm tất cả có thể tạm thời nhấn chìm cảm giác buồn bã và lo lắng nhưng ngay sau khi hưng phấn qua đi, người ta lại rơi vào tâm trạng tồi tệ nên tìm đến những hành vi cũ để giải khuây.
Các chuyên gia cho rằng, trong một số trường hợp, những hành vi tự ép buộc kích thích dây thần kinh trung tâm và vùng não tạo cảm giác vui thích giống như ma túy. Thật không may, khi những trung tâm này được kích hoạt, nó càng trở nên khó khăn khi muốn từ bỏ. Môi trường xung quanh cũng vậy, nếu người mẹ thích mua sắm, con cái cũng có thể bị “nhiễm” sang.
Tất nhiên, những thói quen đó không có gì là sai trái nhưng làm thế nào để biết rằng bạn đã đi quá giới hạn. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi: Khi bị thói quen này “choán” tâm trí, bạn có gặp rắc rối để tập trung vào công việc hay không? Bạn có chịu ảnh hưởng tiêu cực hay không, ví như cãi cọ với chồng (vợ) hoặc nợ nần vì mua sắm chẳng hạn? Các thói quen đó hầu hết phải giữ bí mật? Dù đã cố gắng bỏ nhưng bạn không thể dừng được? Nếu thừa nhận đúng cho bất kỳ câu hỏi trên, đã đến lúc bạn cần điều chỉnh hành vi của chính mình.
Đầu tiên, hãy bắt đầu thừa nhận rằng bạn có vấn đề, cách thành thật với chính mình khiến bạn dễ chia sẻ hơn với người khác và cảm thấy mình có trách nhiệm hơn để thay đổi. Sau đó, tự xem lại lý do và tâm trạng sau hành vi ấy: Có phải là sự chán nản, cô đơn hay bị phân tâm bởi điều gì khác. Dần giảm bớt thời gian cho những thói quen xấu, tự nhắc nhở rằng hậu quả là bản thân mình gánh chịu chứ không phải là thói quen ấy. Tìm cách khác thay thế: Ví như không thể ngừng ăn đồ ngọt, hãy ăn một quả táo trước khi nhai viên kẹo, đó là hình thức “cải tạo” thói quen tiêu cực. Nếu cảm thấy hành vi “nghiện” trở nên nghiêm trọng, có thể tìm đến bác sỹ tâm lý để trò chuyện tìm giải pháp.