Hà Nội trong ngày Tết Tây với những nét đậm đà riêng có
Bây giờ, phố Hà Nội cũng như người ở Hà Nội, quanh năm chỗ nào cũng thấy vội vàng hấp tấp, bận rộn. Người ta nhấp nhổm ăn, lo lắng uống rồi bồn chồn đi lại. Lòng đường ken dày từng dòng xe và lòng người chật đầy mưu sinh, hoặc mất trật tự chen lấn nhau, hoặc ngăn nắp xếp hàng hai hàng bốn, mặt ai nấy đều bừng bừng sinh lực quyết liệt đua tranh kiếm sống.
Và chợt có một ngày, Hà Nội bỗng nhiên trở nên cực kỳ lạ. Những góc phố, những ngã tư đột ngột thanh thản thưa người. Nắng vàng rười rượi tung tăng đùa khắp mặt vỉa hè. Mưa phùn rộng rãi giăng trên từng thơm nâu mái ngói. Cây như cao hơn, lá như xanh hơn và thoang thoảng đâu đấy nồng nàn nhiều mùi hoa. Mọi người đi bộ, đi xe đều chầm chậm, nếu nhỡ có va nhau thì dịu dàng nồng nhiệt xin lỗi. Quanh những phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thấp thoáng nhiều cặp tình nhân khó đoán tuổi âu yếm khoác tay nhau.
Lẫn lộn vào đấy là lác đác vài doanh nhân trẻ đã thôi không nghĩ ngợi kiếm tiền nữa mà trong trắng lẩm nhẩm làm thơ. Những quán cà phê có bán thêm chút bia rượu, đông đảo từng đám khách nước ngoài, hạnh phúc chúc nhau những lời tốt lành bằng cách cụng cả nguyên chai Trúc Bạch. Hà Nội những ngày lạ đó, thường đậm đà chỉ có ở Tết ta và đặc biệt hay có ở Tết Tây.
Theo học giả Phan Kế Bính: “Tính An Nam ta rất cần mẫn, chịu thương chịu khó mà không có ngày nào là chủ nhật. Vậy nên phải có một ngày nghỉ ngơi ăn chơi cho giải trí. Nhưng chẳng lẽ tự nhiên vô cớ mà nghỉ công nghỉ việc, mà ăn chơi không. Vậy mới nhân tuần này tiết nọ, bày ra cách ăn Tết”. (Việt Nam phong tục). Có lẽ nghĩ nhẹ nhàng đơn giản vậy nên người Việt sẵn sàng dùng luôn Tết của những nền văn minh khác, theo sự giao thoa văn hóa tới đất mình.
Không kể những lễ tết nho nhỏ như Hàn thực (mùng 3 tháng 3 Âm lịch) hay Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 lịch âm)… thì cái tết quan trọng nhất là Nguyên đán (mùng một tháng Giêng). Tất nhiên, những lễ tết đấy khi vào ta đã được Việt hóa đi rất nhiều. Trên đà tiện thể như vậy, tết Tây mùng 1 tháng 1 Dương lịch, khoảng hơn một trăm năm nay đã hồn nhiên hiện diện ở các đô thị Việt kể từ khi người Pháp chính thức ổn định sự cai trị.
Cũng như nhiều quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng từ văn minh Trung Hoa, nước ta có truyền thống ăn Tết theo lịch trăng. Thế nhưng bể dâu biến đổi, Đông Tây vô tình cố ý gặp nhau, tại Nhật Bản từ năm 1868, Minh Trị Nhật Hoàng đã cho phép thần dân của mình ăn tết cổ truyền theo Dương lịch. Ngay cả ở Trung Quốc: “Ngày 27-9-1949 kết thúc Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn thể khóa 1, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thông qua việc lấy ngày 1-1 lịch dương là Nguyên đán. Còn mùng 1 tháng Giêng lịch âm, nói chung vào tiết Lập Xuân, tạm gọi là xuân tiết”- (Lịch sử văn minh Trung Hoa - NXB VHTT).
Còn ở ta cho đến giờ, tết Tây ở nhiều vùng nông thôn vẫn chỉ là tết phụ, mặc dù ngày nay tới chỗ hoang vắng hẻo lánh nào cũng dễ dàng gặp Tây. Cũng có thể do phản ứng khởi nguyên từ ngày đầu trước cái thói thực dân trịch thượng ngông nghênh mang danh khai hóa.
Người Pháp vào Việt Nam thì cầm theo cả súng trường, cả tinh hoa văn hóa, và cố nhiên là sự tàn bạo bóc lột. Tết Tây nằm lẫn lộn trong cái lộ trình vừa có hoa vừa có gai ấy.
Rồi cùng thời gian, với bản tính khoan dung không thích nhớ lâu, việc ăn Tết Tây ở ta đã dần dần trở thành một nét văn hóa đô thị.
Phố Hà Nội loanh quanh những ngày Tết Tây luôn mang vẻ sôi động bồi hồi. Các khách sạn nhiều sao, các quán bar nhiều rượu có đông người nước ngoài đều ấm áp lung linh ánh đèn, tiếng nhạc. Một đôi hạnh phúc chồng Tây vợ ta với đứa con lẫm chẫm mũi tẹt mắt xanh âu yếm tiếp cho nhau thức nhắm bằng đũa. Ở bàn kế bên là vài thương gia trung niên sang trọng diện smoking nơ đen sơ mi trắng thong thả uống vang đỏ, nét mặt hồng hào mông lung, nửa như rạng rỡ hân hoan nửa như bùi ngùi tội nghiệp. Họ đang tha hương và không khí Tết bao giờ cũng làm những kẻ xa nhà cồn cào bội phần nhớ về người thân.
Xa xa bên kia đường, có một quán chườm ra vỉa hè ồn ào vài đám tây trẻ đang chúc nhau rượu. Thỉnh thoảng lại lặng đi một nỗi nghèn nghẹn sâu xa như là tiếng nấc. Cô bé tóc vàng cao chừng mét tám dáng Bắc Âu, chập chờn giữa hai lần hôn của bạn trai, bỗng khe khẽ lấy ống tay áo nhếch nhác lau nước mắt.
Ngoài cửa, cái lành lạnh của gió mùa Đông Bắc thuần Việt đỏng đảnh vượt qua nhạc nền da diết, len vào ca từ của bài Happy New year.