Tăng tốc thị trường du lịch quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước làn sóng mở cửa toàn cầu, khi các quốc gia trên thế giới đều đang tích cực mở cửa du lịch, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các biện pháp nhằm nhanh chóng phục hồi thị trường du lịch quốc tế.
Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp hoạt động du lịch ở Việt Nam nhộn nhịp trở lại

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp hoạt động du lịch ở Việt Nam nhộn nhịp trở lại

Không bỏ lỡ cơ hội vàng

Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước”.

Nỗ lực sống chung an toàn với Covid-19 đã bước sang giai đoạn mới khi một loạt nước tuyên bố dỡ bỏ hoặc tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế trong tháng 3 và tháng 4-2022. Mặc dù vẫn còn những nguy cơ khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cùng việc dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là “Omicron tàng hình” hoành hành, song hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là nhu cầu cấp bách của tất cả các nước sau giai đoạn gián đoạn chưa từng có trong hơn hai năm qua.

Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu đã giảm 9% so với tuần trước đó, với hơn 11 triệu ca mắc mới. Trừ châu Âu với hơn 5,3 triệu ca mắc mới và châu Đại dương, khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Phi đều ghi nhận xu hướng giảm. Nhìn chung, những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cùng với tiến độ tiêm chủng đang tạo ra tín hiệu tích cực của cuộc sống bình thường mới.

Với Việt Nam, chúng ta được xem là một điển hình về thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine. Nhờ thực hiện thành công chiến lược vaccine “đi sau - về trước” với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới. Kết quả đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường.

Trong khó khăn, ngành du lịch Việt Nam đã có những kết quả tích cực nhờ triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2020, cả nước đã phục vụ 40 triệu lượt khách nội địa. Chương trình thí điểm đón khách quốc tế từ cuối năm 2021 đến nay đã đón trên 10 nghìn lượt khách quốc tế. Trong năm 2021, ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì kết nối với các thị trường mục tiêu và đạt nhiều giải thưởng châu Á và thế giới. Chính phủ cũng triển khai miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia, các quy định cởi mở hơn với khách quốc tế.

Việt Nam cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực về thị trường du lịch khi lượng khách quốc tế tìm kiếm Việt Nam hồi đầu năm tăng mạnh. Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm 2022, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất. Nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới đang có xu hướng tăng. Kết quả thăm dò thị trường cho thấy 60% người dân Mỹ có kế hoạch đi du lịch trong năm 2022.

Những tín hiệu tích cực trên là cơ sở để các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành đưa ra nhận định chung rằng, đây chính là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và “cất cánh” sau hai năm “đóng băng” vì dịch bệnh. Nếu chậm chân, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội hiếm có này trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch nói riêng và kinh kế nói chung.

Cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành cơ”

Để nắm bắt được những cơ hội đang mở ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: “Điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành cơ”. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, hoạt động du lịch cần được tổ chức an toàn, khoa học, phù hợp với sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và du khách.

Đi vào triển khai, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần chủ động, linh hoạt và đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với việc thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới, đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch. Chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, văn minh, thân thiện và bền vững. Phấn đấu để có thêm nhiều hơn nữa du khách đến du lịch, trải nghiệm, kinh doanh và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Muốn thúc đẩy du lịch quốc tế thì cần phải truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam ra thế giới bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đặc biệt giới thiệu những địa danh nổi tiếng, những nét đặc trưng riêng có của thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng giới thiệu văn hóa phi vật thể. Đồng thời, mở rộng dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển du lịch, nâng cao tính cạnh tranh để Việt Nam trở thành điểm đến, điểm quay trở lại hấp dẫn và liên tục của du khách.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, để mở cửa thúc đẩy du lịch quốc tế một cách ổn định, Việt Nam vẫn cần phải quan tâm đến các biện pháp chống dịch. Các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cần chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch và xử lý trường hợp mắc Covid-19 theo quy định; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh...

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với ngành du lịch với 2,5 triệu lao động, trong đó có 800 nghìn lao động trực tiếp. Vì thế, việc mở cửa trở lại không chỉ giúp khôi phục nền kinh tế mà còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao du lịch Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.