![]() |
ĐBQH phát biểu thảo luận chiều 13-5 |
Chiều 13-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một trong các nội dung đáng chú ý tại dự thảo luật này là quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, dự thảo luật quy định, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc dân sự với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí.
Qua thảo luận, đa số ĐBQH nhất trí nên có quy định này, song cho rằng quy định về việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chung chung.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, theo dự luật, Chính phủ sẽ quy định về tiêu chí xác định rủi ro, đánh giá quá trình tuân thủ. Tuy nhiên, lại không nói quy trình, quy định là gì để cá nhân, tổ chức, cá nhân khi thực hiện về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải chấp hành. Đồng thời, cũng không rõ cơ quan, tổ chức nào là người xác định đúng quy trình, quy định này.
Theo đại biểu, đã là nghiên cứu khoa học thì phải chấp nhận rủi ro, nhưng rủi ro phải chấp nhận đến đâu và chấp nhận rủi ro đến cấp độ nào… thì phải quy định rõ để tránh bị hiểu sai, thậm chí lợi dụng.
“Do đó đề nghị ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học hợp lý; và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro; đơn vị có thẩm quyền xác định rủi ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật” - đại biểu Thu kiến nghị.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu |
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng ủng hộ việc luật hóa tinh thần "chấp nhận rủi ro" trong nghiên cứu khoa học vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.
Đại biểu Việt Nga đề nghị, cần thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập, đồng thời thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế "đầu tư rủi ro công", đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.