Nghệ An:

Tấm lòng của người họa sỹ già

ANTĐ - Khó mà đếm được chiếc xe Chaly và nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã cùng nhau rong ruổi bao nhiêu cây số trong hành trình ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng khắp đất nước. Chỉ biết rằng, “con ngựa sắt” ấy đã chở theo bao giọt mồ hôi của nữ họa sỹ và cái tình mà nó mang theo…

Họa sỹ Đặng Ái Việt và Mẹ Việt Nam Anh hùng


Đơn độc với chặng đường dài

Ít ai có thể hình dung được chiếc Chaly nhỏ của họa sỹ Ái Việt với phân khối chỉ bằng chiếc xe đạp điện lại có thể vượt qua những dốc cao vời vợi của miền Tây Bắc, nơi mà ngay với những chiếc xe ô tô đời mới khi leo lên cũng hết cả hơi. Trước khi chuẩn bị cho chuyến hành trình dài trên khắp mọi miền đất nước, chiếc xe đã được nữ họa sỹ gia cố lại toàn bộ và công việc này đều được giao cho anh Nguyễn Đình Phụng, một người cháu của mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam Anh hùng đảm nhiệm.

Nhìn từ xa chiếc xe trông giống với chiếc xa ba gác với những thanh sắt được dựng lên, bắt vào phần tay lái và phần đằng sau xe để tạo điểm tựa làm mái che cho người ngồi trên xe. Để chống nắng và che mưa cho họa sỹ, anh thợ sửa xe đã để lên trên các thanh sắt này tấm banner không quá dày làm mái che. Và điều thật đặc biệt, tấm banner này đã được anh Đình Phụng tận dụng từ tấm banner buổi ra mắt sách của đạo diễn Phạm Khắc “Mê Kông ký sự”, người chồng quá cố của họa sỹ Ái Việt. Chiếc xe không chỉ chở trên mình cái tình của người họa sỹ già với các Mẹ Việt Nam Anh hùng mà còn mang theo tình cảm vợ chồng sưởi ấm lòng bà những lúc không may gặp nạn trên đường. 

Một thân một mình đơn độc, lúc thì băng qua những cung đường nguy hiểm khi thì trèo đèo lội suối, họa sỹ chỉ có chiếc Chaly làm bạn và cuốn nhật ký để ghi lại tình cảm và hoàn cảnh bà được gặp, ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Để hạn chế thấp nhất việc hỏng xe giữa mênh mông rừng núi, anh thợ lành nghề đã thay thế bánh xe có săm của Chaly cũ thành bánh săm đặc. Và để vượt qua các con dốc cao, phần giảm xóc của chiếc xe cũng được thay thế lại toàn bộ cho phù hợp. Cho dù đã được “độ” để tăng thêm sức mạnh cho chiếc xe nhưng những tai nạn và điều bất trắc vẫn cứ đến với chiếc xe và người họa sỹ già. 

“Thử thách” đối mặt

Trong cuốn nhật ký, họa sỹ Đặng Ái Việt đã ghi lại hoàn cảnh đầy khó khăn của mình trong một lần đi vẽ Mẹ Việt Nam Anh hùng tại tỉnh Lai Châu: “9h đến công trường thủy điện sông Đà. Công trường đang ngổn ngang, khủng khiếp nhất là bùn lầy. Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn ngập bánh xe. Dẫu đã dồn hết sức lực nhưng không vượt qua nổi cái dốc đứng, bùn dẻo, bánh xe không bám được, xe Chaly và mình ngã ngang giữa dốc. Bô xe chạm vào chân đau rát”. Thế nhưng, tất cả những gian nan mà bà và chiếc Chaly đã vượt qua không được họa sỹ Ái Việt gọi là khó khăn. Bà chỉ coi đó là thử thách bởi khi coi những tai nạn và bất trắc là thử thách thì bà mới có động lực để vượt qua và đi tiếp để vẽ. Hay một lần đi tới huyện Chi Nê, tỉnh Hòa Bình, bà đã gặp phải 20km đường dốc, xóc khó đi. Đôi chân ngồi trên xe 1 tuần đã phù nề. Chẳng có gì ăn giữa núi rừng, bà chỉ biết chế cháo ăn liền lót dạ.

Tất cả những điều đó không thấm tháp bằng niềm tiếc nuối, ân hận khi bà đến ngôi nhà của Mẹ đã quá muộn. Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cuối cùng của tỉnh Lào Cai đã mất tròn một năm trước khi họa sĩ tới khiến bà choáng váng, thương cho Mẹ, tiếc cho mình. “Nếu năm trước mình ráng lên đây thì đã kịp. Biết bao gian nan trên đường, cố chạy đua với thời gian, với chính mình vậy mà vẫn không kịp”. Đó là những khoảnh khắc xót xa nhưng cũng có những khoảnh khắc bà thật hạnh phúc khi còn kịp ghi lại chân dung các Mẹ, kịp trò chuyện tâm tình. Tình cảm mẹ con quấn quýt là thế nhưng câu nói “Nhớ lâu lại nhà chơi nhá” của các Mẹ luôn là câu nói khiến bà sợ nhất. Mải miết đuổi theo thời gian để kịp ghi chân dung các Mẹ trên khắp đất nước, bà thấy mình thật khó để hoàn thành cái “gật đầu” quay đi của mình trước lúc ra về. 

Sau khi hoàn thành sứ mệnh trong dự án “Ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng”, chiếc xe Chaly đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ để trưng bày như một mình chứng cho tấm lòng, cái tình của người họa sỹ già với những người đã có công với đất nước.