Từ ngày 1-1-2014:

Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành

ANTĐ - Ngày 20-6, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 5 điều trên tổng số 42 điều của Luật Cư trú...

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đảm bảo lợi ích hợp pháp 
cho người dân khi đăng ký thường trú

Đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân

Bên cạnh việc góp phần khắc phục những vướng mắc, bất cập nổi cộm trong quá trình thực hiện Luật Cư trú (tình trạng di dân tự phát vào nội thành tại các thành phố lớn gây quá tải về cơ sở hạ tầng, mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý TTATXH), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đã tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Luật đã sửa đổi, bổ sung 5 điều trên tổng số 42 điều của Luật Cư trú. 

Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Cư trú (khoản 8, khoản 10, khoản 11 của Điều 8) được Luật Sửa đổi, bổ sung thêm như sau: Thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú (ĐKTT). Giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó. Đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi, hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó. Việc bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được ĐKTT sẽ khắc phục được tình trạng ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với cá nhân chỉ với mục đích để người này đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương, khi thực tế họ không làm việc tại doanh nghiệp đó hoặc giả mạo kết hôn để ĐKTT...

Về điều kiện ĐKTT tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 20 Luật Cư trú), Luật Sửa đổi, bổ sung qui định tăng thời gian tạm trú để được ĐKTT vào quận nội thành thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm lên 2 năm. Riêng việc ĐKTT vào nội thành TP Hà Nội thì phải có thời gian tạm trú từ 3 năm trở lên để phù hợp với quy định của Luật Thủ đô. Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố này; làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào các quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương, giảm sức ép về các vấn đề xã hội liên quan; chính quyền địa phương sẽ có thêm thời gian, điều kiện về vật chất để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công phục vụ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại địa phương.

Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước

Để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho công dân, Luật Sửa đổi, bổ sung đã mở rộng thêm điều kiện ĐKTT vào thành phố trực thuộc trung ương cho một số đối tượng có quan hệ họ hàng thân thích về ở với nhau khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình. Cụ thể, ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột; người thành niên độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột (trước đây, Luật Cư trú quy định người thành niên độc thân chỉ được ĐKTT vào thành phố trực thuộc trung ương khi họ về sống với ông, bà nội, ngoại). Đối với trường hợp ĐKTT vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều kiện chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một chỗ ở mặc dù chỗ ở đó quá chật hẹp. Đó là phải đảm bảo điều kiện diện tích bình quân (tối thiểu 15m2 sàn/đầu người) theo qui định của HĐND TP; có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn; được người cho thuê, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Khoản 1 Điều 23 Luật Cư trú (thay đổi nơi ĐKTT trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp) quy định  người đã ĐKTT thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới phải làm thủ tục thay đổi nơi ĐKTT. Nay Luật Sửa đổi, bổ sung đã giảm thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi ĐKTT khi thay đổi chỗ ở hợp pháp xuống còn 12 tháng. Về đăng ký tạm trú (khoản 4, Điều 30) Luật Cư trú không qui định thời hạn của sổ tạm trú nên thực tế có nhiều trường hợp đã chuyển đến chỗ ở mới mà không bị xóa tên trong sổ tạm trú, khi đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú khác dẫn đến tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú khác nhau. Khắc phục tình trạng này, Luật Sửa đổi, bổ sung qui định việc cấp sổ tạm trú thời hạn tối đa là 24 tháng. Trong thời hạn 30 ngày trước ngày hết thời hạn tạm trú, công dân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn. Trước đây, Luật Cư trú (khoản 2, Điều 31) quy định gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú thì mới phải thông báo lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn và việc thông báo này được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại. Nay, để tăng cường công tác quản lý cư trú, bảo đảm quyền lợi cho công dân, Luật Sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi quy định theo hướng mọi công dân, không giới hạn về độ tuổi khi đến lưu trú tại xã, phường, thị trấn đều phải thông báo việc lưu trú đó với đơn vị Công an cơ sở. Đồng thời, Luật cũng đã bổ sung hình thức thông báo lưu trú thông qua mạng Internet, mạng máy tính để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân trong việc thông báo lưu trú...