Xuất bản truyện tranh trên mạng:

Khi họa sỹ “đứng trong bóng tối”

ANTĐ - Nhu cầu đọc truyện online trong giới trẻ ngày càng cao kéo theo sự bùng nổ các website chia sẻ truyện tranh trên mạng. Tuy nhiên, việc cho phép công khai các tác phẩm truyện tranh trên mạng giốngnhư “con dao hai lưỡi” bởi các nhà quản lý khó kiểm soát nội dung nếu như không có hình thức tổ chức chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Khi họa sỹ “đứng trong bóng tối” ảnh 1Truyện tranh nước ngoài lan tràn trên mạng trong khi truyện tranh trong nước không có sân chơi xứng tầm

Vẫn chạy theo thị trường

Cuối năm 2014, 2 website chia sẻ truyện tranh lớn ở Việt Nam là manga24h.com và anime24h.vn bị phạt 20 triệu đồng vì cung cấp những truyện tranh có nội dung bị cho là “dâm ô, đồi trụy”. Ngay lập tức chủ nhân của 2website này đã buộc phải gỡ những nội dung vi phạm. Đây cũng là lời cảnh cáo đối với việc xuất bản truyện tranh trên mạng lâu nay “thả nổi” để các tác phẩm có nội dung nhảm nhí, phản cảm tự do phát tán trên mạng. Không chỉ riêng 2 website này, hiện có rất nhiều địa chỉ mà người đọc có thể truy cập vào để đọc trọn bộ những tác phẩm truyện tranh có nguồn gốc từ các “kinh đô truyện tranh” châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc… Mập mờ về vấn đề bản quyền, tác giả không rõ danh tính, tuy nhiên các tác phẩm này lại thu hút hàng nghìn người đọc mỗi ngày nhờ những hình ảnh giật gân, khiêu khích. 

Việc lan tràn mất kiểm soát của những bộ truyện tranh nhảm nhí, không rõ nguồn gốc lại đang gây sức ép lên truyện tranh trong nước, vốn không kém hấp dẫn nhưng lại đang lúng túng trong việc tìm đường tiếp cận công chúng. Kênh chủ yếu để các họa sỹ truyện tranh tự quảng bá cho các tác phẩm của mình vẫn là mạng xã hội. Bằng cách này, các tác giả đưa những tác phẩm online để giới thiệu và nắm bắt ý kiến độc giả, đồng thời tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xuất bản. Nhưng chính việc này đôi khi vô tình tiếp tay cho một số website lợi dụng để trục lợi, kiếm lời bằng cách in lại với chất lượng xấu, phát tán trên internet để câu “like”, câu lượt xem để kiếm lời. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những diễn đàn dành riêng cho truyện tranh đủ tin cậy, uy tín, có sức lan tỏa để thúc đẩy thị trường truyện tranh hoạt động một cách lành mạnh, chuyên nghiệp, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho các tác giả trong việc sáng tạo, phổ biến tác phẩm. 

Xây dựng website có bản quyền

“Họa sỹ thường là người đứng trong bóng tối” – đó là chia sẻ của Nguyễn Khánh Dương, đồng tác giả của bộ truyện tranh lịch sử đình đám “Long Thần tướng”. Theo anh Dương, việc các trang mạng chủ động liên hệ với tác giả để xin phép hay đặt vấn đề đăng tải bộ truyện tranh gần như không có. Nhưng việc bị phát tán, chia sẻ trái phép vẫn diễn ra hàng ngày. Hiểu rõ thiệt thòi của những người cầm bút, anh và một số họa sỹ có tiếng tăm trong cộng đồng truyện tranh đã xây dựng comicola.com – một website truyện tranh Việt Nam có bản quyền được đưa vào hoạt động thử nghiệm trong thời gian gần đây. Trong đó, toàn bộ truyện tranh đăng tải tại đây đều phải được sự đồng ý của các tác giả, không phải là truyện dịch hay sao chép trên mạng. Không những giúp các tác giả tự quảng bá tác phẩm của mình miễn phí, website trên còn tổ chức gây quỹ và giữ vai trò cầu nối với các đối tác để các bộ truyện tranh có cơ hội được xuất bản. 

Tuy nhiên, vấn đề nan giải đặt ra là làm sao để quản lý và kiểm soát được chất lượng nội dung từng tác phẩm. Theo họa sĩ Nguyễn Khánh Dương, để đặt ra tiêu chí hoàn toàn “sạch sẽ” hay an toàn thì rất khó. Nhất là khi truyện tranh chính thống cũng đang canh tranh khốc liệt từ những yếu tố thị trường để thu hút và kéo độc giả về phía mình, và các nhà quản lý cũng không thể kiểm soát mỗi ấn phẩm hàng giờ, hàng phút. Điều quan trọng là xuất bản online phải tự xác định tiêu chí và tôn chỉ của mình, để mỗi tác phẩm nếu được đưa ra trước cộng đồng mạng phải xứng đáng, chứ không thể chỉ là “đem con bỏ chợ”.