Phim “hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt”:

Khi cô đơn là sợi dây gắn kết

ANTĐ - Lập kỷ lục về tựa đề phim đầu tiên dài nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, hé lộ cuộc sống của những người đồng tính và hành nghề mại dâm, 95 phút phim “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã làm “nóng” các rạp chiếu ngay khi vừa “ra lò”…

Phim đề cập đến chuyện tình của hai chàng trai đồng tính…

Một cách kể, hai câu chuyện!

Gây tò mò từ ngày còn rỉ rả ý định đang “thai nghén” bộ phim có cái tên dài như… tít một đề tài khoa học và rất khó làm, song phải rất lâu sau, Vũ Ngọc Đãng mới viết xong kịch bản và chuyển thể thành phim. Anh lý giải, muốn kịch bản phim có sức nặng nên “ngâm” lâu. Phim làm xong xuôi, tung ra trailer, nhiều người đồ rằng phim của Đãng vẫn không thoát khỏi cái đích kiếm tiền, chỉ là tung ra “chiêu trò” mới cho hút khách thôi. Ý nghĩ ấy bắt đầu xoay chiều từ khi phim chưa ra rạp trong nước nhưng đã được Ban tổ chức Liên hoan phim Toronto mời sang Ý thi tài. Một trong hai sân chơi điện ảnh danh tiếng nhất thế giới mà “để mắt” tới thì kể cũng không vừa. Và rồi chuyện rẽ sang hướng khác khi trở về từ cuộc thi quốc tế, Đãng mang phim ra “đãi” khán giả nhà. Thì ra lần này Đãng làm phim phi thị trường thật chứ không vì cái đơn đặt hàng nào cả.

Bộ phim có tựa đề rất lắt léo mà nếu ai không xem thì có lẽ còn lâu mới nhớ được bởi Đãng lôi tất cả các nhân vật chủ đạo xuyên suốt câu chuyện mình định kể lên phim là: những anh chàng đồng tính nam, anh chàng câm tên Cười, cô gái điếm Phước Hạnh và một chú vịt con. 95 phút phim được chia làm 2 câu chuyện với các tuyến nhân vật rõ ràng và tương đối độc lập. Câu chuyện đầu tiên kể về thân phận những chàng trai làm nghề mại dâm đồng tính nam. Câu chuyện thứ hai kể về một cô gái điếm miền Tây bán thân xác mình để mưu sinh. Hai câu chuyện được kể xen kẽ nhau như hai phần biệt lập trong một cuốn sách, tưởng chừng không liên quan gì đến nhau song thực ra lại có nhiều điểm chung gắn kết. Nhân vật chính trong cả hai câu chuyện đó đều là những con người xuất thân từ vùng đất miền quê tìm lên Sài Gòn với mong ước đổi đời và rơi xuống đáy xã hội khi vỡ mộng giàu sang giữa mảnh đất mà bấy lâu cứ ngỡ là thiên đường, để rồi cùng chấp nhận cuộc sống vật vờ của những gã trai bao, gái gọi đi khách giá bèo và đi đến tận cùng của tấn bi kịch đời mình. Và sợi dây gắn kết nhất giữa họ chính là nỗi cô đơn. Xem phim, có người nói phim của Đãng làm về đồng tính và mại dâm. Cũng có người lại bảo đó là phim về thân phận con người và thân phận tình yêu. Đãng bảo, anh muốn mọi người nhìn theo hướng thứ 2 để thấy sự ấm áp phía sau cuộc sống gai góc, khốc liệt và trần trụi mà anh kể. Đó là tình yêu, tình bạn, tình thương đồng loại và cả khao khát sống của những người cùng khổ.

Tình yêu phi giới tính

…và cả câu chuyện cảm động về tình yêu của chàng câm với cô gái điếm

Không quá khi nói rằng bộ phim lần này mang đến cho người xem mảng màu tối sẫm trong bức tranh nơi phồn hoa đô hội. Ở đó có Khôi (Hồ Vĩnh Khoa)  - đồng tính nam 21 tuổi khăn gói lên thành phố lập nghiệp nhưng không may bị lừa lấy hết sạch tiền và tư trang, chỉ còn lại độc chiếc quần đùi và cái áo ba lỗ cũ kỹ. Ở đó có Lam (Lương Mạnh Hải) - gã “gay” hành nghề mại dâm nam sau khi sa ngã vào thế giới của những người đồng tính. Tình cờ, số phận đã ghép hai con người đó lại với nhau, từ chỗ vùi lấp sự cô đơn đến khi tình cảm lớn dần thành tình yêu không phân biệt đồng giới hay dị giới. Song hành cùng câu chuyện của Khôi và Lam là chuyện về anh chàng câm Cười (Hiếu Hiền) mồ côi cha mẹ, làm nghề lượm lặt ve chai và ấp ủ mối tình thầm lặng với cô gái điếm tội nghiệp (ca sĩ Phương Thanh).

 Lấy bối cảnh thành phố song không có cảnh quay hay nhân vật nào được đề cập đến trong phim thuộc tầng lớp giàu sang phú quý. Nhân vật quyền lực và giàu có nhất là bà chủ chứa hàng đêm vẫn ngồi sau xe máy đi thu tiền bảo kê. Ngược lại, đạo diễn đẩy sự cô đơn lạc lõng và thân phận cùng cực của những con người ngụ cư tận đáy xã hội lên đỉnh điểm thông qua cách xử lý câu chuyện và cả nhiều cảnh quay lãng mạn thể hiện sự đối nhau chan chát. Chỉ cách một bờ sông, bên này là chiếc thuyền gỗ mục rữa tạm bợ của Cười, bên kia là ánh đèn lộng lẫy sáng rực của những tòa cao ốc. Chỉ cách một con phố, bên này là dãy lều tạm lụp xụp của chợ người lao động, bên kia là những ngôi nhà nối nhau san sát.

Người xem rơi nước mắt

Không giống những cái kết có hậu thường thấy ở các bộ phim của Đãng trước đây, cái kết của phim này cũng khiến nhiều người phải nghẹn ngào khi Lam tiếp tục “nhúng chàm” và bị xã hội đen hạ sát, Phước Hạnh phản kháng bảo kê vô tình gây ra tội giết người. Chỉ có Khôi trở về cuộc sống làng quê và chú vịt cùng chàng Cười tiếp tục viết tiếp cuộc đời mình sau dấu chẩm lửng bỏ ngỏ...

Phim được đầu tư 5,2 tỷ đồng, số tiền khá khiêm tốn so với nhiều phim Việt khác nên nhiều người nói vui xác suất… rủi ro và lỗ không cao. Chưa biết liệu phim có đem về mối lời cho nhà sản xuất hay không nhưng đã có người rơi nước mắt sau khi xem. Vậy nên dù còn khiếm khuyết về lời thoại hơi kịch hay cách kể đôi chỗ thiếu chặt chẽ thì cũng phải thừa nhận, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã thành công khi làm mới mình.