Khi các nhà thơ làm vợ... nhà thơ

ANTD.VN - Trong số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đương đại có không ít các cặp đôi cùng làm thơ. Họ không chỉ là đồng nghiệp, là bạn thơ mà còn là nguồn thi hứng cho nhau, là động lực sống và vượt qua những trở ngại đời thường. Ngay cả khi một trong hai người rời khỏi thế gian này thì người ở lại vẫn tiếp tục “vịn câu thơ mà đứng dậy” vừa sáng tác, vừa làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ...

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng

Dạy vợ thành nhà thơ

Nhà văn Triệu Bôn đã nổi tiếng ngay từ khi còn cầm súng chiến đấu và sáng tác tại chiến trường với tiểu thuyết: “Rừng xanh lá đỏ”. Sau đó, ông chuyển về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, làm biên tập ở ban văn xuôi. Thuở ấy, Hoàng Việt Hằng đang là một cô công nhân ngành xây dựng, mới bắt đầu viết và thành công đầu tiên là tập truyện “Những lời chưa nói hết” đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (1980).

Vậy mà tiếp đó, 10 truyện ngắn của cây viết trẻ Hoàng Việt Hằng gửi đến Tạp chí Văn nghệ quân đội đều rơi vào… lãng quên trong phòng văn của biên tập viên Triệu Bôn. Tìm đến tận nơi để hỏi cho rõ lý do, Hoàng Việt Hằng chỉ nhận được nụ cười “đủ khiến người ta phải chui xuống đất vì xấu hổ” (lời Hoàng Việt Hằng), bởi lẽ những truyện ngắn viết về chiến tranh với cách “quan sát từ tầm xa” không thể qua mắt được một người lính đã từng ngược bom đạn trở về thành phố.

Sau này khi thành duyên, nhà văn Triệu Bôn tặng lại người vợ trẻ món quà cưới của nhà văn Tô Hoài, đó là lời khuyên: “Tôi giao cho Triệu Bôn nhiệm vụ dạy bảo Hoàng Việt Hằng trở thành một nhà văn vì tôi nhìn thấy con đường dài của cô ấy ở phía trước”. 

Từ lời khuyên ấy, Hoàng Việt Hằng chuyển hẳn sang nghề viết, nhưng những bài báo ngô nghê đầu đời, những trang viết vụng về từ dấu chấm, dấu phẩy khiến một người làm nghề biên tập lâu năm không thể giữ nổi bình tĩnh và đã không ít lần Hoàng Việt Hằng “ăn” những cú bạt tai của ông chồng nhà văn khó tính và nóng nảy.

Cho đến những ngày cuối đời, vào phút tỉnh táo hiếm hoi sau 10 năm lâm trọng bệnh, nhà văn Triệu Bôn thú nhận: “Anh xin lỗi em. Nếu anh không đánh em thì biết đến bao giờ em mới khá lên để sống được bằng nghề viết. Thời gian của anh không còn nữa, em phải viết hay thì mới sống và nuôi con thay anh được”.

Đã hơn 10 năm sau ngày nhà văn Triệu Bôn rời xa cõi tạm (năm 2003), một mình nhà thơ Hoàng Việt Hằng sắp xếp di cảo của nhà văn Triệu Bôn để in 9 tập sách bằng những đồng nhuận bút cần mẫn nhặt nhạnh từ những tờ báo lớn nhỏ trong Nam ngoài Bắc và tiền vay mượn của bè bạn. Năm 2012, nhà văn Triệu Bôn được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, vẫn một mình nhà thơ Hoàng Việt Hằng đến Nhà hát Lớn nhận giải thưởng thay chồng.

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai (trái)

Một năm viết 116 bài thơ tặng vợ

Theo những hồi ức của nhà thơ Đỗ Bạch Mai, phải tới khi gặp Bế Kiến Quốc (năm 1975) thì cuộc đời bà mới bước sang một bước ngoặt của định mệnh. Bởi nếu không gặp Bế Kiến Quốc thì bà sẽ mãi chỉ là một cô giáo dạy văn. Với Đỗ Bạch Mai, nhà thơ Bế Kiến Quốc vừa là chồng, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn bè và là người thầy.

Nếu đã từng đọc tập thơ “Đất hứa” của nhà thơ Bế Kiến Quốc, rất ít người có thể giấu được niềm xúc động và cảm phục khi biết bản thảo tập thơ đó được nhà thơ Bế Kiến Quốc viết tay, đóng thành một cuốn sách dành tặng riêng Đỗ Bạch Mai.

Tất cả gồm 116 bài thơ sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 7-1975 đến tháng 5-1976, theo thời gian ghi bên dưới mỗi bài thơ thì cứ trung bình một ngày Bế Kiến Quốc viết một bài, đặc biệt có ngày ông viết tới 6 bài. Có thể coi “Đất hứa” chính là một tập nhật ký tình yêu bằng thơ. 

Chính bởi tình yêu chân thành, mãnh liệt ấy mà năm 2002, nhà thơ Bế Kiến Quốc ra đi vì trọng bệnh ở tuổi ngoài 50, nhà thơ Đỗ Bạch Mai đã vượt qua nỗi cô đơn để tiếp tục nuôi con, làm những phần việc còn dang dở của người chồng, người thầy, người tri kỷ của đời mình. Trước khi qua đời, nhà thơ Bế Kiến Quốc bày tỏ với vợ: “Anh cần 20 năm nữa để làm xong những công việc của mình”.

Trăn trở đó được Đỗ Bạch Mai dần hiện thực hóa bằng việc ngày ngày cặm cụi thu thập, sắp xếp những trang bản thảo, những bài báo, những chân dung văn học còn lại để in thành những cuốn sách mang tên Bế Kiến Quốc. Thế nhưng, mỗi lần nhìn lại thời gian, nhà thơ Đỗ Bạch Mai đều thảng thốt: “Anh Quốc cần 20 năm để làm hết công việc cần làm, vậy mà tôi đã tiêu tốn 14 năm vẫn cảm thấy mình chưa làm được điều gì cho những mong muốn của anh ấy”.

Nhà thơ Phạm Hồ Thu

Gia tài để lại là thơ

Nhà thơ Trần Quốc Thực đến với nhà thơ Phạm Hồ Thu khi cả hai người đều trải qua hụt hẫng, đổ vỡ của cuộc đời. Trước đó, Trần Quốc Thực đã có một người vợ và một cô con gái, còn nhà thơ Phạm Hồ Thu cũng không trọn vẹn nhân duyên với người mình yêu.

Nhưng họ cũng là một cặp đôi có nhiều nét trái ngược: nhà thơ chồng thì hom hem, ốm yếu bởi những di chứng từ thời chiến tranh chống Mỹ, còn nhà thơ vợ lúc nào cũng hừng hực sức sống; người đàn ông đáng lẽ phải là chỗ dựa chính cho gia đình thì vai trò trụ cột lại được đặt lên vai người phụ nữ; người đa đoan khi đã yên bề gia thất lại nhất mực chung thủy, còn người chỉ viết những bài thơ hay nhất dành tặng vợ thì lại quá đào hoa, đa tình...

Những điều trái ngược ấy mỗi ngày lại đẩy hai con người làm thơ, cùng mang tâm hồn nhạy cảm quá mức và tính cách cũng không kém phần cực đoan phải xa dần nhau. Họ không thể ăn cùng một mâm cơm, rồi không thể ở cùng một mái nhà dù đã có con chung. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhà thơ Trần Quốc Thực bị bệnh nặng đến mức không thể tự chăm lo được cho mình.

Bỏ qua hết những giận hờn, tự ái bản năng, nhà thơ Phạm Hồ Thu đã đón chồng về, tự tay chăm sóc từng li từng tí như chưa từng có sự cách chia nào. Những ngày chồng nằm viện, một mình bà đôn đáo ngược xuôi lo tiền thuốc thang, viện phí, lại chăm con nhỏ mà không một tiếng kêu ca.

Các bác sĩ trong bệnh viện nhìn sự chu đáo, lo âu của bà đã không khỏi nể phục, thật hiếm có người vợ nào tận tụy với chồng như thế. Lo chữa bệnh cho chồng, bà không ngần ngại bán nhà to mua nhà nhỏ, thậm chí sau này bán nốt cả nhà nhỏ để đi ở nhà thuê, chịu bao điều tiếng của người đời thêu dệt.

Vậy mà cuối cùng nhà thơ Trần Quốc Thực vẫn không qua khỏi... Chồng mất, con còn nhỏ, tuổi về hưu đã cận kề, gia tài còn lại trong tay là những bài thơ chưa xuất bản của chồng, người đàn bà làm thơ ấy gần như phải bắt đầu gây dựng lại với hai bàn tay trắng.

Gặp nhà thơ Phạm Hồ Thu lần nào cũng nghe bà bày tỏ nguyện vọng muốn in tập thơ cho chồng, bởi lúc còn sống, nhà thơ Trần Quốc Thực rất ít công bố thơ, mặc dù ông được không ít nhà thơ thế hệ sau tôn làm “sư phụ”. Nguyện vọng đó vẫn chưa thực hiện được, vì kinh phí chưa cho phép.