Họa sĩ Mai Hiên sống với "độ nén" cao

ANTĐ - Bùi Mai Hiên - một trong các nữ họa sĩ nổi tiếng nhất của mỹ thuật Việt Nam đương đại, người đã thực hiện nhiều triển lãm nhóm, cá nhân trong nước và quốc tế, sở hữu nhan sắc đẹp. Tầng 2, số 99 Nguyễn Thái Học, ngôi nhà kiến trúc Pháp là nơi không chỉ lưu giữ nhiều bức tranh đẹp của chị mà còn đầy 
cổ vật và âm nhạc.

Ngôi nhà - Gallery của Mai Hiên là nơi chị và họa sĩ Đào Anh Khánh từng chung sống, anh sinh trưởng tại Hà Nội và hiện là nghệ sĩ trình diễn số 1 Việt Nam. Bùi Mai Hiên sống với “độ nén” cao đầy bản lĩnh. Chỉ xem những bức sơn mài, sơn dầu mới thấy tâm hồn chị lãng mạn, bay bổng với hòa sắc khi rực rỡ, khi chỉ toàn sắc tím. Bùi Mai Hiên có tên trong Almanach - “Người mẹ và phái đẹp” (NXB Văn hóa - Thông tin, 1-2008), cuốn sách 2.303 trang được coi là Bách khoa thư về các phụ nữ thành đạt và nổi tiếng trên các lĩnh vực của thế giới.

- Chào họa sĩ Mai Hiên, một nguyên tắc văn minh là không hỏi và nhắc tuổi phụ nữ. Sẽ là vờ vĩnh khi những ai được coi là hiểu biết, lại không nhận thức: “Một người đàn bà đẹp và tài là giá trị của xã hội” hoặc không biết rung cảm trước các giai nhân. Tôi không muốn kiềm chế lời khen này: Chị đẹp lâu và trẻ hơn tuổi 56 của mình!

- Cảm ơn và không sao đâu khi nhắc đến tuổi, tôi càng hãnh diện về kết quả tập luyện và đời sống tinh thần phong phú.

- Chị có bí quyết gì, có thể tiết lộ một chút không?

- Không căng thẳng, không sợ bệnh tật và tuổi già, tập trung vẽ, giành thời gian cho âm nhạc - chơi piano, học thánh ca, luyện âm. Luôn sống phóng khoáng, không dối trá, không làm gì xấu nên thanh thản. Niềm vui lớn của tôi là các con học giỏi.

- Anh chị đều là họa sĩ đẹp, nổi tiếng, thạo tiếng Anh, được cả đôi thì các con chắc là rất khá? 

- Chẳng ai chê trách được khi khoe con một chút nhỉ (Cười). Có khuôn mặt giống bố, Anh Thơ (Bống, SN 1989, cao 1m68) thi đỗ vào Đại học Colgate (Mỹ) với điểm quá cao, số điểm chưa từng có ở sinh viên châu Á, nên trường đề nghị dừng lại nửa năm để “phúc tra bài thi” và gọi lại. Con tôi buồn, sang Bắc Kinh học tiếng Trung 1 năm mới qua Mỹ học. Cháu đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, có 1 học kỳ thực tập ở Kyoto (Nhật Bản) năm 2011. Hôm 7-6, tôi vừa tiễn Bống qua Australia, cháu trúng học bổng Thạc sĩ trường Monash University (Melbourne, Australia). Cháu rất hãnh diện về bố khi bố được lên trang nhất Báo NewYork Times và đã sang diễn cùng các nhạc sĩ Mỹ tại SVĐ của trường. Con trai Đào Hoàng Linh (Khoai, SN 1996, cao 1m78) nét mặt giống mẹ, vừa xong lớp 11 trường Cao đẳng VHNT Hà Nội, cháu học Trung cấp Mỹ thuật năm thứ 3. Hai cháu đều ngoan ngoãn.

- Các bạn cùng lứa với chị đã kha khá người làm bà ngoại đấy?

- Tôi không thích kết hôn sớm. Đời chỉ có một lần tuổi trẻ. Tôi học Đại học Mỹ thuật ở Hà Nội, nhưng muốn các con du học, biết đó biết đây, yêu và tích lũy tri thức để tự lập trước khi làm chủ gia đình. Mặc dù chúng tôi đủ năng lực kinh tế chu cấp, song các con tôi rất ý thức tự thân, Bống chủ động đi làm thêm. Tôi chỉ có một thứ sớm là về hưu sớm, từ 2003, dừng công việc ở Cục Mỹ thuật. Năm 32 tuổi mới sinh con  đầu lòng. Con gái chắc chắn như tôi, cháu còn phấn đấu sự nghiệp, nên tôi còn lâu mới lên bà.

- Năm 2011, chị đã gây ấn tượng mạnh khi vẽ tác phẩm Sức sống S Việt Nam (sơn dầu, 1mx1m). Con phượng hoàng vươn mình ra biển, mắt là Thủ đô Hà Nội, bên nhịp cánh là chấm đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Điều gì thôi thúc chị vẽ?

- Ý thức về chủ quyền Tổ quốc, gồm lãnh thổ và lãnh hải bao đời. Tôi cho rằng, làm bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng có thể bộc lộ được lòng yêu nước và trách nhiệm công dân. Với nghệ sĩ, đó là sáng tạo tác phẩm. Tôi khẳng định về chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng tranh. Nếu tất cả nghệ sĩ Việt Nam đều đồng tâm cùng nhau sáng tác, thể hiện đề tài Trường Sa, Hoàng Sa, thì sẽ có tiếng vang lớn với quốc tế.

- Trang trại của chị đang là “hiện trường sáng tác” cho họa sĩ Đào Anh Khánh làm những tác phẩm điêu khắc đồ sộ và độc đáo chưa từng có, cho công chúng xem vào Đáo Xuân 2019 khi anh tròn 60 tuổi. Đấy cũng là nơi “xưởng vẽ” khổng lồ của chị?

- Tôi mua thung lũng 6 vạn m2 này ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình từ 2002 và đặt tên là Hoa Hiên, thuê người trồng cây gạo, các loại hoa, chè, sắn, ngô, chuối, rau. Xuân đến, hoa nở rợp một vùng, mùa nào cũng có hoa. Thỉnh thoảng, tôi lên đó nghỉ ngơi, sáng tác hoặc rủ bạn bè vui chơi, nghe suối reo, chim hót, ăn rau sạch và lại có sản vật “của nhà trồng” đem về... Tôi đề cao năng lượng sáng tạo của anh Khánh, khát vọng của anh ấy muốn cống hiến cho đời và để lại cho con, bằng sự hồn nhiên, trong sáng.

- Chị là họa sĩ của tranh trừu tượng. Sao gần đây lại chuyển sang hiện thực?

- Cũng là trách nhiệm công dân. Tôi sinh ở Thái Bình, từ 8 tuổi, gia đình tôi chuyển về Hà Nội, gần gò Đống Đa. Tôi là chị cả của 2 em trai (Bùi Tuấn - quay phim Đài THVN và Bùi Minh Đức - họa sĩ) và em gái Mai Hiển - mở gallery tranh. Chúng tôi có tuổi thơ, tuổi trẻ và gắn bó cả đời với Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, không có kiến trúc đặc trưng nên lắm bát nháo, hệ lụy, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi đã vẽ bức CO2 - sự hủy diệt thầm lặng, triển lãm tại Hà Nội, Đà Nẵng 2011; Sức sống S Việt Nam tham gia triển lãm Phụ nữ quốc tế tại TP Hồ Chí Minh năm 2012, ở 2 thành phố sau tôi không dự được vì bố mẹ tôi qua đời. Loạt tranh hiện thực tôi vẽ được đánh giá tốt, là tranh miền núi. Lên vùng cao, được hít thở trong lành, ăn ngon và thấy thư thả hơn đô thị. Tôi đặc biệt thích cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Cao Bằng, nhất là màu nước sông nơi đây xanh thăm thẳm. Tôi chưa thấy ở đâu có màu xanh ấy.

- Tác phẩm mới nhất của chị?

- Thành phố phát triển không bền vững (sơn dầu, 1mx1m), vẽ Hà Nội dày đặc nhà cao ốc bê tông, khói bụi, mù trời và đường phố. Tôi dùng tông xanh xám chủ đạo, khói từng quầng ngút trời. Hà Nội đang ô nhiễm nặng, cả không khí lẫn văn hóa nói năng, lối sống, cách cư xử giữa con người và với thiên nhiên.

- Nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều “góc” đẹp đấy chứ?

- May mắn khi ta sinh ra, có chút tài gì đó để biểu đạt tâm hồn và tặng nó cho cuộc đời. Khi ngồi vẽ ở nhà, tôi cũng được “đi” nhiều hơn cả, trong ý nghĩ. Tôi yêu những sớm mai mùa Hạ ra Hồ Tây, đi thuyền giữa đầm sen thơm ngát. Bạn gái thân - họa sĩ Lê Thư đã chụp cho tôi loạt ảnh Hiên và Sen, làm tôi nhớ thương Hà Nội, chỉ lo một mai không còn sen lẫn hồ. 

- Chị mặc áo dài đi đâu thế?

- Sáng nay Chủ nhật, tôi đến Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tôi theo đạo Thiên chúa từ Noel 2009, bởi thấy cái đẹp của Đạo này. Tên thánh của tôi là Cécilia, tên của nữ thánh nghệ thuật. Tôi có 8 bộ áo dài, mặc theo mùa lễ, tháng 6 này là tháng lễ các thánh. Tôi cho rằng con người ta cần có đức tin. Bởi đức tin, tôi không sợ tuổi già và cái chết.

- Chị tham gia nhiều triển lãm nhóm và khá lâu chưa triển lãm cá nhân. Kinh tế suy thoái toàn cầu, giới họa sĩ vốn được coi là phong lưu, cũng bị ảnh hưởng vì bán tranh chậm. Khi nào công chúng lại được xem tranh của chị?

- Tôi đã in 3 tập tranh và nếu ai quan tâm, có thể xem qua Web: www.buimaihienart.com. Nửa thập kỷ nay, tranh bán chậm hơn trước, tôi vẫn gánh vác được gia đình, chăm lo cho bố mẹ ốm đau, nuôi 2 con ăn học. Có thể bị “ghét” vì không khiêm tốn, nhưng khiêm tốn không phải là nói dối, nên tôi đành nói thật. Bức sơn mài lớn (1,8x3,6m) ghép 3 tấm là tôi giữ lại làm décor cho phòng khách, chứ tranh tôi vẽ không kịp nhu cầu khách nước ngoài. Tôi vẽ khá chậm, nên 60 tuổi mới đủ tranh làm triển lãm riêng. Quan điểm của tôi là khắt khe với chính mình: không đẹp không bày. Bày ở nhà cũng phải đẹp.

- Có mâu thuẫn gì giữa một Mai Hiên đẹp, hiện đại tư duy và thời trang với Mai Hiên chuyên gia đồ cổ?

- Tôi bắt đầu sưu tập đồ cổ từ 1992 và tham gia 2 khóa BCH Hội Cổ vật Thăng Long. Bộ sưu tập đa dạng cổ vật Việt Nam của tôi có từ thời Đông Sơn đến triều Nguyễn. Sưu tập đồ hay in tranh vào sách là cách tốt nhất lưu giữ những vẻ đẹp và giá trị. Tôi học dương cầm hay chăm sóc đồ cổ cũng là cách rèn sự kiên nhẫn. Không có gì mâu thuẫn, bởi đó là để sống nhiều, sống cho đúng con người mình.

- Chị vẫn rèn mình sao?

- Tôi luyện để vượt qua những thử thách mà không ủy mị, khóc than. Tôi đã tốt, rất tốt với nhiều người, tin bạn đến mức bị bạn lừa 3 tỉ đồng, nhưng tôi không truy đuổi. Những người đã nhận lòng tốt của ai mà phản lại, họ sẽ bị trừng phạt, có đấng bề trên và luật nhân quả mà.

- Sắp tới chị có dự định gì không?

Tháng 7-2014, tôi sẽ sang Ulan Bator tham dự triển lãm tranh phụ nữ quốc tế, với tác phẩm tham dự là tranh sơn mài 50x70cm, Hoa của con trời đất của con, vẽ người mẹ đang bế con đi trên cánh đồng hoa, tên tranh là lời người mẹ đang ru bé.

- Cảm ơn họa sĩ Mai Hiên về cuộc trò chuyện này.