- Hội sách mùa Thu 2016 : Không gian của người yêu sách
- Phố Sách Hà Nội sẽ hoạt động cố định tại phố 19-12
- 3 nhà xuất bản lớn tham gia Hội sách Mùa thu 2016
Nhà văn pháp Eric-Emmanuel Schmitt:
- Trước khi trở thành một nhà văn, ông là một giảng viên triết học. Vì sao ông lại chọn con đường viết văn?
- Nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt: Tôi thích viết từ khi còn rất nhỏ. 11 tuổi tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên và 16 tuổi tôi có vở kịch đầu tay. Hồi ấy tôi đã chọn một nghề khác là làm giảng viên triết học ở trường đại học.
Sau thành công của vở kịch thứ hai, tôi đã rời giảng đường để chuyên tâm vào việc viết. Và rồi tôi nhận ra rằng “viết là món quà mà cuộc đời đã trao tặng tôi”, ngay cả khi không kiếm được một đồng nào từ việc viết lách. Viết văn, tôi không cho phép mình là nô lệ của đồng tiền.
- Cảm hứng có quan trọng khi ông viết không?
- Viết một tác phẩm giống như một cuộc hò hẹn vậy. Bạn biết đấy, trái tim ta cứ đập thổn thức không thôi. Khi viết, tôi cố gắng thâm nhập vào từng nhân vật để cảm nhận những cảm xúc của nhân vật ấy.
Khi nhân vật của tôi đau tôi cũng thấy đau, khi nhân vật xấu xa tôi cũng cảm thấy mình xấu xa như vậy. Đó là điều tôi cảm thấy khi viết cuốn “Nửa kia của Hitler”. Nhiều đêm tôi đã không ngủ được vì đắm chìm vào cuốn sách này. Cho đến một ngày tôi gặp một cậu bé 11 tuổi đi xe đạp phanh két trên hè phố, tôi mới sực tỉnh và trở lại cuộc sống của mình.
- “Oscar và bà áo hồng” là một trong những cuốn sách cảm động nhất của ông. Cuốn sách kể về những ngày cuối cùng của một cậu bé bị ung thư. Ông đã viết cuốn sách đó như thế nào?
Tác phẩm của Eric-Emmanuel Schmitt quen thuộc với độc giả Việt Nam
- Lúc còn nhỏ, tôi hay được bố đưa đến các bệnh viện vì bố tôi là nhân viên vật lý trị liệu chuyên điều trị cho các trẻ em bị câm, điếc. Tôi đã sống với suy nghĩ “người bình thường thì phải ốm, còn nếu không ốm thì là không bình thường”.
Ở đó, tôi đã kết thân với nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi. Tên những nhân vật trong truyện như “đầu trứng” hay “bỏng ngô” là tên những bạn của tôi nghĩ ra để chế nhạo bệnh tật. Đây là cuốn sách rất ý nghĩa với tôi vì nó chứa đầy kỷ niệm tuổi thơ.
- Có vẻ như ông luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan. Ông làm điều đó như thế nào vậy?
- Tôi không biết độc giả Việt Nam làm thế nào để sống lạc quan hơn, vì ở Pháp chủ nghĩa bi quan đang chiếm ưu thế. Chúng tôi sống như những người lạc quan nhưng lại nói ra những điều bi quan. Tôi nghĩ tiêu cực là những gì nằm trong định kiến của những người Pháp.
Tôi đã từng bị phê phán rất nhiều bởi sự lạc quan của mình. Nhưng tôi chỉ muốn nói là chúng ta hãy nuôi dưỡng niềm vui chứ đừng chỉ nuôi nỗi buồn và sự u uất. Đừng chỉ suốt ngày chòng chọc nhìn vào những thứ ta không có.
- Đến Hà Nội lần này, ông cảm thấy như thế nào?
- Tôi vô cùng xúc động khi được gặp Việt Nam của ngày hôm nay. Lang thang trên những con phố tưởng như xa lạ nhưng tôi lại cảm thấy rất thân thiết, nhất là khi vào những con phố cổ mang kiến trúc Pháp, rồi những căn nhà được xây từ những năm 30 thế kỷ trước.
Với tôi, Hà Nội giống như được đọc một cuốn sách trăm trang, mỗi trang là một sự thú vị, một trải nghiệm. Đây là điều tôi không cảm nhận được khi đến Hồng Kông hay những quốc gia láng giềng của Việt Nam.
- Ông đã từng đọc những cuốn sách văn học của Việt Nam chưa?
- Tôi cho rằng văn học Việt Nam là một địa hạt mà tôi cần phải khám phá. Mặc dù chưa có cơ hội đọc tác phẩm nào nhưng tôi cho rằng những tình cảm và ấn tượng với Việt Nam có thể là tiền đề để tôi sáng tạo nên những tác phẩm mới.
Eric-Emmanuel Schmitt sinh năm 1960, là một nhà văn, nhà biên kịch, triết gia. Ông là một trong những tác giả ăn khách nhất của nước Pháp. Các tác phẩm của ông như “Nửa kia của Hitler”, “Oscar và bà áo hồng”, “Một ngày mưa đẹp trời”… đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên thế giới, mang về cho ông 27 giải thưởng văn học lớn nhỏ, trong đó có giải Goncourt dành cho tác phẩm “Một mối tình ở điện Elysee”.