Giữa dòng “bão số”

ANTĐ - Ra đời, từng trải qua cả một thời kỳ huy hoàng,  bất chấp sự tấn công như vũ bão của nhiếp ảnh số, máy ảnh phim ngày nay vẫn có một sức sống mãnh liệt, giữ được vị trí nhất định trong làng nhiếp ảnh. 

Giữa dòng “bão số” ảnh 1
Ảnh chụp phim của một thành viên CLB ảnh phim Hà Nội
Ảnh: Hiếu Trung


Nghệ thuật của cảm xúc

Ra đời và phát triển từ rất sớm ở Việt Nam, trong khoảng thời gian 10 năm từ 1990 – 2000, những chiếc máy ảnh chụp phim đã đóng góp một phần quan trọng vào dòng nhiếp ảnh báo chí và văn hóa nghệ thuật nước nhà. Người nghệ sĩ tìm đến nhiếp ảnh phim không chỉ thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh mà còn khao khát hướng tới những giá trị nghệ thuật, nắm bắt và vươn tới hồn cốt thực sự của mỗi bức ảnh. 

Với máy phim, không đơn thuần chỉ là chụp ảnh, người chơi phải hiểu biết về kĩ thuật và làm chủ thời khắc để sáng tạo nghệ thuật. Máy ảnh phim đem lại cho người chụp nhiều cảm xúc khi bạn phải tự mình ngắm nghía mọi thứ, chậm rãi cảm nhận cái đẹp. Và tính nghệ thuật của nó cũng cao hơn bởi nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật của sự tinh tế.

Nhiếp ảnh gia Trần Nhân Quyền – giảng viên khoa Nhiếp ảnh, Đại học Sân khấu điện ảnh, người đắm đuối với ảnh chụp bằng phim đen trắng tâm sự: “Ảnh từ phim, nhất là phim đen trắng như sự “sống chậm”, bởi nó ru lòng người, rất nhẹ nhàng. Chụp đen trắng thì phải hiểu sâu sức mạnh của khoảnh khắc. Sai tốc độ, khẩu độ, bức ảnh khác đi”. Theo anh, chính sự trân trọng, tỉ mỉ ngay từ khâu bấm máy khiến cho mỗi bức ảnh phim sống động và giàu cảm xúc hơn so với những bức ảnh mà chiếc máy ảnh số hiện đại mang lại. 

Năm 2003, sự ra đời của chiếc Canon EOS 300D được coi là bước đột phá, mở ra bước ngoặt mới - thời đại của nhiếp ảnh số. Giờ đây để có được một bức ảnh lưu giữ lại khoảnh khắc thật dễ dàng, tất cả đều tự động hóa bởi ưu thế vượt trội về tốc độ màn trập và khả năng lấy nét tự động mạnh mẽ, máy ảnh số trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với người chơi ảnh. Trong khi đó, khâu hậu kỳ của ảnh chụp phim luôn là một thử thách, người chơi ảnh phải bỏ ra hàng giờ trong phòng tối trộn, ngoáy, xóc, tráng, rửa… để cho ra một bức ảnh ưng ý.  Sự tấn công mạnh mẽ của nhiếp ảnh số với công nghệ hiện đại đã khiến cho chụp ảnh phim dần có nguy cơ rơi vào quên lãng.

Nhiếp ảnh gia Trần Nhân Quyền

Tìm lại giá trị đích thực

Thế nhưng, chính tình yêu và đam mê của cộng đồng những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh phim đã khiến cho máy ảnh phim cũ kĩ trải qua thời gian vẫn chứng tỏ được chỗ đứng của mình trước xu hướng kĩ thuật số hiện đại. Chia sẻ về sự thăng trầm của nhiếp ảnh phim ở Việt Nam ngày nay, anh Nguyễn Gia Minh - một người có kinh nghiệm chơi ảnh phim 20 năm cho biết: “Mặc dù không còn phát triển mạnh mẽ nhưng chụp ảnh phim từ lâu vẫn tồn tại trong cộng đồng nhiếp ảnh. Bằng chứng là, năm 2012, hãng phim Kodak trong Lễ trao giải Oscar 2012 đã tuyên bố đây là năm cuối cùng ngành điện ảnh phim, nhưng không vì thế mà đời sống nhiếp ảnh phim không còn. Đặc biệt là sau một khoảng thời gian dài chơi máy số, người yêu nhiếp ảnh bắt đầu có sự thẩm định, so sánh và muốn tìm lại giá trị đích thực của nhiếp ảnh”.

Hiện nay, để có được một chiếc máy phim, bạn không phải tốn quá nhiều tiền, nhưng chi phí cho những cuộn phim và tráng rửa là tương đối đắt đỏ. Anh Minh chia sẻ: “Không có nghệ thuật nào đơn giản, ngoài việc mất thời gian, công sức, để có được những bức ảnh tới tầm, đòi hỏi người chơi phải trải qua rất nhiều lần chụp hỏng. Chính những lần không thành công đem lại cho người chụp bài học sâu sắc nhất. Chuyện, bấm cả cuộn phim nhưng không có một bức ưng ý là điều bình thường cho những ai mới vào nghề, trong khi, giá một cuộn phim hiện nay vừa hiếm,vừa đắt đỏ, phim loại tốt cũng có thể lên tới  300.000 đồng/cuộn”.

Người chơi ảnh phim ngày nay thường không còn thói quen tự tay tráng rửa và trải nghiệm trong buồng tối nữa. Các máy in ảnh kĩ thuật số thay thế cho máy rửa ảnh lab truyền thống. Vì thế các phòng lab chuyên dụng để rửa ảnh cũng không còn nhiều. Nếu như hộp thuốc hiện phim trước đây là 650.000 đồng, giờ cũng lên tới 1.100.000 đồng một hộp, ngay cả với những người chơi phim chuyên nghiệp, đây cũng là con số không hề nhỏ. 

Không đại trà nhưng không có nghĩa là nó sẽ biến mất, bởi chụp ảnh phim là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì sẽ sống mãi cùng tình yêu và đam mê.