Giáo sư người Mỹ viết sách "Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuốn sách "Liên minh sai lầm: Ngô Ðình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam ", với cách nhìn ở một góc độ khác, tác giả Edward Miller đã phác họa rõ nét và đa chiều hình ảnh Ngô Đình Diệm và đưa ra một cách giải thích riêng về mối quan hệ giữa Ngô Đình Diệm với Mỹ.

Cuốn sách "Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam" (Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United State, and the fate of South Vietnam) của tác giả Edward Miller được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tiên sang tiếng Việt vào năm 2016. Trong lần xuất bản này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã bổ sung vào nội dung sách một công trình nghiên cứu của tác giả và trình bày dưới dạng Phụ lục nhằm cung cấp thêm nguồn thông tin, tư liệu của người nước ngoài về một giai đoạn lịch sử đầy cam go của dân tộc, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của các học giả, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên chuyên ngành lịch sử và chính trị... cũng như độc giả quan tâm đến chủ đề này.

Cuốn sách mở đầu vào một ngày tháng 6/1954, khi Ngô Đình Diệm đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn sôi động với nghi lễ đón tiếp có phần ít ồn ào dành cho thủ tướng mới của chính quyền Nam Việt Nam, và kết thúc vào ngày 01/11/1963, với việc Diệm cùng em trai - cố vấn Ngô Đình Nhu - bị giết trong chiếc xe bọc thép M-113 khi đang trên đường tới Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Cuốn sách "Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam"

Cuốn sách "Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam"

Với độ lùi thời gian 50 năm, dựa trên nguồn tư liệu phong phú do cá nhân nghiên cứu và khai thác từ kho lưu trữ của các nước phương Tây, đặc biệt là các tư liệu tiếng Việt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tác giả Miller tập trung luận giải về xung đột giữa Diệm và đồng minh Mỹ trong chiến lược xây dựng quốc gia. Dù cùng chung mục tiêu “chống Cộng”, nhưng giữa hai đồng minh này vẫn thường xuyên tồn tại bất đồng, tạo nên xung đột và cạnh tranh liên quan đến những vấn đề cốt lõi mà Miller gọi là “nguyên lý xây dựng quốc gia”, vốn đã hình thành và chi phối toàn bộ lịch sử quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Diệm từ lúc mới hình thành cho đến lúc lụi tàn.

Theo Miller, chính xung đột giữa vô số tầm nhìn và chiến lược khác nhau của người Mỹ và Ngô Đình Diệm về vận mệnh của miền Nam Việt Nam thời kỳ hậu thực dân là tác nhân của mối quan hệ đầy thăng trầm Mỹ - Diệm và cả số phận chính quyền Việt Nam Cộng hòa, dẫn đến sự sụp đổ của liên minh Mỹ - Diệm vào năm 1963.

Dựa trên quan điểm, lập trường của mình và nguồn tư liệu khai thác, tác giả có những luận giải, đánh giá về một số sự kiện, nhân vật khác với đánh giá của chúng ta như đánh giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa cộng sản, cách mạng miền Nam, phong trào Đồng Khởi, về cá nhân Ngô Đình Diệm, về nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chính quyền Sài Gòn...Tôn trọng chính kiến của tác giả và để bạn đọc thuận tiện nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi cố gắng giữ nguyên luận chứng của tác giả, đồng thời khẳng định rằng đó là quan điểm riêng.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, vào chiều ngày 25/3/2024, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tọa đàm, với các vị khách mời: Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Edward Miller (Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học Dartmouth) và ông Lê Nguyên Long (Nhà nghiên cứu, dịch giả, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Độc giả có thể đặt mua cuốn sách phiên bản đặc biệt có chữ ký của tác giả ngay tại sự kiện hoặc đặt hàng qua Fanpage chính thức của Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại Thành phố Hồ Chí Minh ưu đãi ngay 20% cho lần mở bán đầu tiên, với số lượng giới hạn.