Ảnh đen trắng Việt Nam thi FIAP:

Cúp trượt khỏi tay vì nét riêng bay mất

ANTĐ - Sau niềm hoan hỉ giành Cúp thế giới năm 2008, dòng ảnh thế mạnh của Việt Nam - ảnh đen trắng đã để tuột khỏi tay chiếc cúp này tại 3 kỳ thi ảnh đen trắng sau đó do FIAP tổ chức 2 năm một lần. 

Một tác phẩm trong bộ ảnh “Con người và vật nuôi” mới chỉ phản ánh được đề tài

Tên đề tài... nhàm chán

Cúp thế giới, giải thưởng danh dự và đỉnh cao tại các cuộc thi ảnh đen trắng thường niên do Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh thế giới tổ chức đã trượt khỏi tay các nhà nhiếp ảnh Việt Nam vào năm 2010, 2012 và 2014. Trong 6 năm liên tiếp, nhiếp ảnh Việt Nam chỉ giành được Huy chương Vàng, Bằng danh dự và Huy chương Bạc, một thành tích không quá tồi nhưng cũng không thể làm hài lòng những người quan tâm tới lĩnh vực này. Với những chủ đề như Vượt khó, Niềm vui của trẻ em, Con người và vật nuôi, 3 bộ ảnh huy động được nhiều tác phẩm của đông đảo nghệ sỹ nhiếp ảnh nhưng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận mà chưa đi sâu khai thác bản chất vấn đề.

Hơn thế, tên gọi của đề tài - đường dẫn đầu tiên đưa người xem đến với bộ ảnh đã quá nhạt và nhàm chán nên thật khó “ẵm” được giải cao. Niềm vui của trẻ em, Con người và vật nuôi, một đề tài không bao giờ cũ nhưng rất khó để làm mới. Đó là những đề tài quá rộng để khai thác trong một bộ ảnh có khoảng 10 chiếc. Cái khó ở đây chính là bản sắc Việt trong mỗi bộ ảnh với vấn đề chung của thế giới. Chưa nói tới, tên đề tài sẽ định hướng cho các nghệ sỹ triển khai sáng tác và tuyển chọn ảnh. Thậm chí, chủ đề đã như vậy nhưng quá trình tuyển chọn ảnh không khéo, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam còn sa đà vào việc phản ánh một cách thuần túy mà thiếu đi nét riêng. 

Tác phẩm “Nương tựa”- NSNA Trần Phong 
trong bộ ảnh đoạt Cúp thế giới năm 2008

Nổi tiếng với tính nhân văn

Sự rời rạc giữa các bức ảnh không làm nên những bộ ảnh có sự kết nối xâu chuỗi chặt chẽ và thuyết phục. Ở các cuộc thi ảnh quốc tế đặc biệt chú ý tới vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu thiếu yếu tố này, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam rất khó hợp lực giành giải cao. Bằng chứng rõ nét nhất cho việc này là bộ ảnh đen trắng giành Cúp thế giới năm 2008 “Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại Việt Nam”, đề tài đi vào một ngách nhỏ của vấn đề đã chiến thắng vang dội tại cuộc thi ảnh đen trắng FIAP lần thứ 29. 

Ảnh đen trắng Việt Nam lâu nay nổi tiếng với tính nhân văn sâu sắc được thể hiện bằng cái nhìn hồn hậu và được coi là thế mạnh rất khác biệt với ảnh đen trắng các nước khác trên thế giới. Vì thế, khi thiếu đi yếu tố này trong tổng thể một bộ ảnh thay vào đó là một cái nhìn hời hợt và dễ dãi thì ắt hẳn bộ ảnh đó không chiếm được ngôi vị cao nhất của cuộc thi lần này. Khâu định hướng sáng tác cũng rất cần tới sự đầu tư của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hai năm một lần diễn ra cuộc thi ảnh, khoảng thời gian vừa đủ để dự định cho một đề tài trở thành hiện hữu bằng sự tập hợp nguồn lực nghệ sỹ và chất xám để chọn lựa ảnh kỹ càng trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”.