Cần mở “không gian”

ANTĐ - Tháng 11 và 11 tháng qua có những tín hiệu vui khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Các chỉ số như CPI, FDI… nói lên bức tranh chung của nền kinh tế đã khởi sắc. Có thể nói, chúng ta kết thúc năm 2013 tương đối ổn, nhưng vẫn chưa đủ để an lòng. Người phát ngôn mới của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định như vậy tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua.


Theo tân Bộ trưởng, đó mới là những kết quả bước đầu, chỉ mang tính động viên, tình hình khó khăn còn nhiều, lạm phát còn tiềm ẩn, nợ xấu xử lý chưa tốt, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm so với kế hoạch, chưa kể đến yếu tố khó lường của thiên tai, bão lũ. Tổng thiệt hại do bão lũ thời gian qua đã lên tới 28.000 tỷ đồng. Về việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, ông Bộ trưởng Chủ nhiệm cho biết, Chính phủ sẽ chấn chỉnh tình trạng khi có vụ việc xảy ra thì không biết trách nhiệm thuộc về ai. Siết chặt kỷ cương hành chính và áp dụng kỷ luật bằng những chế tài cụ thể.

Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường công tác quản lý điều hành bình ổn giá cả thị trường dịp tết, trong đó chú trọng tăng cường quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu gian lận thương mại. Cùng thời điểm này, Ngân hàng Thế giới cũng vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó đồng tình với đánh giá của Chính phủ về triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam là khá tích cực, tuy mức độ phục hồi còn thấp.

Theo đó, tăng GDP năm 2013 vào khoảng 5,3%, cao hơn 5,2% trong năm 2012. Sang năm 2014, dự báo GDP sẽ lên mức 5,4% và đạt 5,5% vào năm 2015. Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, niềm tin của khu vực tư nhân giảm sút, người dân nghi ngại các khoản đầu tư và tiêu dùng gia đình. Cụ thể, đầu tư của tư nhân giảm từ 15% GDP giai đoạn 2007-2010, xuống còn 11,5% năm 2013. Chi tiêu hộ gia đình chỉ tăng 5,1% so với mức tăng 8,9% của 4 năm trước.

Vị chuyên gia này nhận xét, dư địa của chính sách tài khóa đã bị thu hẹp, tạo áp lực lên chi đầu tư phát triển khiến tăng trưởng bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng diễn ra khá chậm chạp sẽ là yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng. Một số mục tiêu tái cơ cấu thiếu đánh giá về tài chính và thoái vốn cùng các điều kiện thị trường cũng không thuận lợi.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, mức nợ xấu cao khiến phản ứng chính sách trước các cú sốc của nền kinh tế sẽ kém đi. Vì vậy, Việt Nam cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cần phải mở “không gian” cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thay vì theo đuổi các tập đoàn, tổng công ty kém hiệu quả.