Hà Nội: Hơn 700 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (giảm 5% so với năm 2020, năm 2020 là 738 cơ sở) tồn tại trong khu dân cư chưa kiểm soát được, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lực lượng chức năng kiểm tra thịt lợn lưu thông ngoài thị trường
Lực lượng chức năng kiểm tra thịt lợn lưu thông ngoài thị trường

HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo, Hà Nội là đô thị đặc biệt, đông dân cư (ước tính trên 10 triệu người cư trú, sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố) nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất lớn, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn là cũng rất lớn, khoảng hơn 80.000 cơ sở.

Công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện.

Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra 315.133 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở đạt các tiêu chí về ATTP là 271.888/315.133 lượt (đạt tỷ lệ 86,3%).

Số cơ sở vi phạm là 43.225 cơ sở, phạt tiền 19.791 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 102.425.194.863 đồng, đình chỉ 107 cơ sở, cảnh cáo 5.048 cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 26.394 cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND TP cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài (từ phiên giải trình, khảo sát, giám sát năm 2019, 2020, 2023) chậm được khắc phục.

Cụ thể là, việc triển khai hệ thống cơ sở giết mổ tập trung theo Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND TP chưa đạt yêu cầu đề ra: mới có 03/08 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động (đạt 37,5% số cơ sở được phê duyệt), tuy nhiên công suất hoạt động mới đạt khoảng 40% công suất thiết kế8; 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ đến nay chưa triển khai xây dựng.

Một số cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại hoạt động chỉ đạt 15-30% công suất thiết kế.

Vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (giảm 5% so với năm 2020 (năm 2020 là 738 cơ sở) tồn tại trong khu dân cư chưa kiểm soát được, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm; vẫn còn tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP, chưa được kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.

Tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu không có hoá đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố.

Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc rau, củ, hoa quả, thực phẩm, ô nhiễm môi trường tại các chợ, nhất là tại các chợ đầu mối còn hạn chế; vẫn còn tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Trước thực trạng trên, đoàn khảo sát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về ATTP liên quan Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn, các Luật liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử và quy chuẩn kỹ thuật với các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất giao 01 cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác đảm bảo ATTP từ Trung ương đến địa phương.

Về phía thành phố, HĐND TP đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn;

Chỉ đạo rà soát, sửa đổi phân cấp quản lý ATTP cho phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Nghiên cứu giao nhiệm vụ cho 01 cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính về công tác đảm bảo ATTP cấp Thành phố và cấp xã;

Chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng chợ cóc, chợ tạm bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc; tập trung thực hiện và hoàn thành xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch nhằm kiểm soát, hạn chế các tình trạng vi phạm về ATTP;

Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch giết mổ cho phù hợp với tình hình thực tế và tập trung đầu tư thực hiện đảm bảo theo quy hoạch; tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; từng bước chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tình trạng gia súc, gia cầm đã qua giết mổ nhưng chưa kiểm định vẫn vận chuyển, lưu thông trên thị trường...