Bùi Nguyên Khiết và tình yêu cuộc sống

ANTĐ - Quê ở Ninh Bình, nhưng lại sống đến hơi thở cuối cùng ở miền biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Bùi Nguyên Khiết không chỉ là nhà văn, nhà báo mà còn là một chiến sĩ đích thực, chiến đấu và hy sinh anh dũng ngay trên chiến hào...

Bùi Nguyên Khiết (trái) trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979

“Nhức đầu thì uống Sê-đa”

Tập trung về học lớp “Bồi dưỡng những người viết văn trẻ” khóa 7 (1974-1975) tại Quảng Bá - Hà Nội, do Hội Nhà văn tổ chức, tôi mới biết Bùi Nguyên Khiết.  Hồi đó, anh em sống rất khổ. Nói chung là ai cũng nghèo. Chiêu đãi nhau hậu hĩnh lắm, chỉ kẹo lạc, kẹo dồi, chén rượu “cuốc lủi”, lạc rang. Nhưng đặc biệt, sống rất vui và tếu. Những học viên của khóa 7 lúc bấy giờ ai cũng nhớ đến Khiết với mái tóc dày, miệng cười tươi, pha trò cực kỳ duyên. Khiết tự biên bài hát về người thợ, hoặc cũng có thể anh sưu tầm trong dân gian, trong đó có câu: “Anh với em xì và gò. Xì và gò. Tình tang tang, tính tang tang tang!” Xì, là thợ hàn xì. Gò, là thợ gò. Hai nghề này vốn là "cặp bài trùng" trong các xưởng cơ khí. Khiết còn có một kho tiếu lâm với các câu thơ nhại Bút Tre. Tôi chỉ còn nhớ được một câu, đại ý: “Nhức đầu thì uống Sê-đa/ Đau bụng thì cứ Té-ta-xì-lìn”. Thời ấy đơn giản chỉ thông dụng hai loại thuốc Sê-đa chữa nhức đầu và Tê-ta-xi-lin là loại kháng sinh chữa “bách bệnh”. Câu thơ kiểu Bút Tre của Khiết cùng với câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Đau bụng trần bì, bổ tì bạch truật” như thể “đại diện” cho hai trường phái chữa bệnh Tây y và Đông y, mà anh em nói đùa, là tất cả các loại bệnh trên thế gian này, chỉ cần điều trị bằng bốn vị thuốc kể trên.

Chuyện nhớ đời

Ngày đó tôi và Khiết có một kỷ niệm nhớ đời. Tuần đầu, sau mấy bài giảng khơi mào, nhà trường yêu cầu anh chị em nộp một bản thu hoạch đặc biệt. Đó là một truyện ngắn (với người viết văn xuôi) hoặc một chùm thơ (với người làm thơ). Sau vài ngày thầy đọc, sẽ có buổi “bình” tác phẩm. Không có đủ thời gian “bình” hết của cả lớp, nên chỉ chọn những truyện hoặc bài thơ gây ấn tượng. Trước bữa cơm trưa, thầy giáo bỗng nói với cả lớp: “Chiều nay, các anh các chị sẽ được nghe một truyện ngắn của anh Đỗ Bảo Châu”.

Câu nói của thầy đồng nghĩa với một hiện tượng đặc biệt. Cả lớp nhìn tôi, xuýt xoa như vừa phát hiện ra một nhân tài. Còn tôi thì hồi hộp vô cùng. Không biết truyện ngắn của mình có gì nổi trội, mà được thầy bình riêng như thế? Và tôi thấp thỏm chờ... Buổi chiều, khi thầy đọc xong truyện ngắn, các bạn trong lớp xì xào, nhưng chưa ai dám phát biểu, bởi thấy khuôn mặt thầy có gì khác lạ. Linh tính báo cho tôi có chuyện chẳng lành. Y như rằng, nhận xét của thầy khiến tôi và cả lớp lạnh toát người. Thầy nói đại ý: Câu chuyện khiến cho người đọc cảm giác heo hút, có cái gì đó thê thảm. Tóm lại là một cảm giác buồn, bi lụy, xa lạ với không khí chiến đấu đang hừng hực, sôi sục khắp hai miền... Tôi cũng xin nhắc lại điều này. Thời điểm 1973-1974 có một số truyện ngắn, bài thơ được coi là “có vấn đề về tư tưởng” như “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật, “Sẹo đất” của Ngô Văn Phú, “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát, v.v... Bởi thế mà truyện của tôi được coi là gieo không khí u ám trong lòng bạn đọc.  Đến phần phát biểu ý kiến của học viên, mọi người không ai muốn (hoặc dám) phát biểu. Thầy động viên mãi, mới có ý kiến của Bùi Nguyên Khiết, đại ý rằng, đúng là một câu chuyện buồn, không khí u ám và... ghê ghê thế nào... Sau buổi bình truyện, tôi mất ăn mất ngủ, vì hoang mang. Buồn hơn khi Khiết, tôi coi như người bạn thân nhất trong lớp học, lại không có lấy nửa lời bênh vực tôi.  Hai ngày sau, vào lúc chạng vạng, cơm chiều xong, Khiết bỗng ngoắc tay, ra hiệu. Tôi hiểu ý, lẳng lặng lên đê, vào quán chè chén năm xu của bà Tý béo. Khiết đã đợi tôi trong một góc khuất. Hai chén rượu “cuốc lủi” rót ra từ lúc nào. Và một cái đĩa nông toen hoẻn lạc rang...

“Mày phải hiểu cho tao, một thằng viết văn quèn miền núi. Đủ mọi sức ép, kể cả kinh tế. Tao không dám mạnh mồm. Nhưng giả dụ như tao không nói gì. Bây giờ, tao thấy mình hèn quá”.

Khiết dốc cạn chén rượu. Tôi nắm lấy tay Khiết, lắc lắc. Tôi hiểu rằng, Khiết ân hận vì đã không bảo vệ được tôi.  Cũng may sau đó, truyện của tôi cũng chìm trong quên lãng. Và chúng tôi kết thúc khóa học một cách vui vẻ. 

Nhà văn - Chiến sĩ

Học xong, học viên lại trở về địa phương. Ít lâu sau, cơ quan cử tôi đi thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi với Khiết chỉ liên hệ với nhau qua thư từ. Nhưng cũng khá đều đặn. Khiết hẹn tôi khi nào ra Bắc, thì phải bố trí lên Lào Cai ngay (Khiết đã về làm ở báo địa phương). Khiết nói sẽ “thiết kế” một chuyến đi các huyện miền núi rất thú vị. Năm 1978, tôi ra Bắc. Và chuyến công tác đầu tiên, là đi Lào Cai. Hồi đó, vợ chồng Khiết có đứa con nhỏ mới lẫm chẫm biết đi. Gia đình khó khăn, thiếu thốn lắm. Đi công tác xa, Khiết phải chuẩn bị cho vợ đủ thứ, kể cả những thứ lặt vặt như mắm muối, gạo củi... Chúng tôi đi huyện Bắc Hà. Uống rượu ngô say túy lúy. Đến thăm các trại trồng tam thất, ngắm nhìn và chụp ảnh ruộng bậc thang. Nhìn những cánh đồng vàng óng, nhấp nhô bóng người, tôi chợt nhớ đến truyện ngắn tuyệt hay “Mùa vàng thao thức” của Bùi Nguyên Khiết. Tôi không ngờ rằng, đó lại là lần gặp và chuyến đi cuối cùng với Bùi Nguyên Khiết. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới Việt- Trung nổ ra, anh không chỉ cầm bút, mà còn cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và anh đã anh dũng hy sinh ngay trên chiến hào...

Bùi Nguyên Khiết, một nhà văn, một chiến sĩ. Những trang viết của anh không nhiều, nhưng những gì đã viết ra, đều thiết tha yêu cuộc sống. Anh không chỉ để lại những trang văn sống động, đầy ắp tình người, mà còn để lại một nhân cách đẹp, có trách nhiệm trước cuộc sống.