BTC cuộc thi linh vật SEA Games 31 tại Việt Nam ẩn bài, rút hình ảnh để ...chỉnh sửa

ANTD.VN - Chỉ ít ngày sau công bố Top 3 linh vật  đại diện cho SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2021, BTC cuộc thi đã rút hình ảnh và bài viết đăng tải trên trang fanpage  cuộc thi với lý do “sẽ làm việc nội bộ để chỉnh sửa, cải thiện độ thẩm mỹ của 3 bài thi”. Sự cố này là do, đã có quá nhiều người chê các mẫu linh vật xấu.

Tối 26-10, fanpage chính thức của cuộc thi sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui, khẩu hiệu và bài hát của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao Người Khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Việt Nam, đã công bố 3 linh vật chính thức cho SEA Games 31.

Theo đó, 3 linh vật này chính là 3 bài thi được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao nhất từ hàng trăm tác phẩm linh vật nộp về cho Ban Tổ chức. 3 linh vật đó là nghê cười, sao la và hổ.

Ban Tổ chức có ý định sẽ tiếp tục tổ chức bình chọn trên mạng để tìm ra 1 linh vật tiêu biểu nhất lấy làm biểu trưng cho SEA Games 31 và lần bình chọn này sẽ kết thúc vào ngày 30-10. Nhưng ý định này đã không thể thực hiện vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng mạng.

Họa sĩ Hoàng Định cho rằng, 3 linh vật này có tạo hình mang màu sắc nước ngoài và giá trị chất lượng không có gì đáng bàn cãi khi… quá cũ kỹ. Hơn nữa, 3 linh vật không có gì đặc biệt để lấy làm biểu tượng cho Việt Nam, không thể nhận biết nếu không có quốc kỳ gắn trên linh vật.

3 linh vật được lựa chọn để bình chọn làm biểu trưng cho SEA Games 31

Bên cạnh đó, nhiều bình luận trên mạng xã hội còn cho rằng, 3 linh vật này trông giống với các nhân vật hoạt hình, không đại diện cho tinh thần và phẩm chất của con người Việt Nam. Thậm chí, nhiều người chê linh vật xấu, như hình tranh vẽ trong sách lớp 1. Có lẽ bị nhiều ý kiến trái chiều phản đối với lý lẽ tương đối thuyết phục nên Ban tổ chức cuộc thi đã gỡ hình ảnh và bài viết công bố 3 linh vật có nhiều khả năng sẽ trở thành biểu trưng của SEA Games 31.

Trước việc làm này của Ban Tổ chức, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng, những lùm xùm vừa qua của cuộc thi tìm kiếm biểu tượng linh vật cho SEA Games 31 bắt nguồn từ chính… Ban Tổ chức.

Theo đó, đáng lý, Ban Tổ chức cần có định hướng cho các họa sĩ, linh vật nào sẽ đại diện cho Việt Nam. Rồi từ đó mới tổ chức cuộc thi. Còn làm theo cách này, không khác gì thả ra cả một vườn động vật, để mặc các họa sĩ muốn đuổi theo con vật nào cũng được. Thậm chí, có họa sĩ đã chọn Picachu làm linh vật cho SEA Games 31.

Đấy chẳng phải là chuyện nực cười khi một kỳ thể thao Đông Nam Á lại lấy một linh vật không có nguồn gốc và tinh thần Việt Nam.   

Con nghê được nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế bình chọn là linh vật tiêu biểu của Việt Nam

Cá nhân nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình đã lựa chọn  nghê làm linh vật cho kỳ SEA Games lần này. “Nghê đã được ông cha ta sáng tạo ra và sử dụng rất nhiều trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nhà dân. Đến nay, hình tượng linh vật nghê vẫn tiếp tục sử dụng trong đời sống của người dân Việt.

Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng, nghê là linh vật xứng đáng được lấy làm biểu trưng cho SEA Games 31. Như tên gọi “Vẽ nên tự hào Việt Nam”, Trần Hậu Yên Thế chắc rằng, linh vật được chọn phải đại diện cho tâm hồn và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Ở phương diện hội nhập quốc tế, linh vật đó phải chứa đựng những giá trị chung trong cộng đồng ASEAN.

“Từ góc độ nghiên cứu nghê trong nhiều năm nay, tôi thấy nghê là con vật linh thể hiện được niềm tự hào Việt và chứa đựng những giá trị chung trong khu vực cộng đồng ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Nghê gọi tắt từ toan nghê là cách ghi âm từ một nhánh ngôn ngữ cổ Ấn Độ gọi sư tử là suangi. Người Scythians cổ nói chệch thành sarvanai.

Và tộc Trung Á này đã đưa cách gọi sư tử này vào Trung Hoa từ thời Tiên Tần. Nghê chính là sư tử đã được Việt hóa sau hàng ngàn năm thẩm thấu tinh hoa văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và đặc biệt là văn hóa Phật giáo”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.