18 bức ảnh của tác giả Ronald L. Haeberle chụp vụ thảm sát Sơn Mỹ được sử dụng vô thời hạn tại Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 18 bức ảnh của tác giả Ronald L. Haeberle chụp vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968 tại Việt Nam, được sử dụng vô thời hạn, phục vụ mục đích trưng bày tại Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Vừa qua, việc ký kết thoả thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle đã diễn ra giữa tác giả và các đơn vị liên quan tại Quảng Ngãi. Theo đó, 18 bức ảnh màu và đen trắng do tác giả Haeberle chụp vụ thảm sát Sơn Mỹ sẽ được sử dụng vô thời hạn tại Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Ông Ronald L. Haeberle (bên phải) bên bản thỏa thuận bản quyền ảnh.

Ông Ronald L. Haeberle (bên phải) bên bản thỏa thuận bản quyền ảnh.

Việc ký kết thoả thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Quảng Ngãi trong việc giải quyết vấn đề bản quyền tác giả bức ảnh được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ từ 1978 đến nay. Đây là cơ sở quan trọng cho việc trưng bày, giới thiệu lâu dài các bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ người dân, du khách.

Các bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Các bức ảnh của ông Ronald L. Haeberle trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra ngày 16/3/1968 tại thôn Mỹ Lai thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi). Các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt người dân vô tội, cướp đi sinh mạng của 504 thường dân Sơn Mỹ, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Vụ thảm sát này bị che giấu trong báo cáo của Quân đội Mỹ. Cho tới cuối năm 1969, vụ việc mới bị phơi bày.

Ông Ronald L. Haeberle lúc đó là phóng viên chiến trường đã ghi lại những hình ảnh chân thực về vụ thảm sát Sơn Mỹ và công bố trên tạp chí Life năm 1969, cho thấy ông là người coi trọng sự thật, cùng lên án tội ác của Quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh.