Vĩnh biệt nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh - Người ghi chép lịch sử bằng hình ảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh được nhiều người ví như “người ghi lịch sử bằng hình ảnh”, đã từ trần vào chiều 25/2 sau thời gian chống chọi nhiều căn bệnh tuổi già, hưởng thọ 88 tuổi.

Trong sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh là số ít các tay máy Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" (gồm 10 ảnh).

Ông tên thật là Võ Nguyên Nhân, sinh năm 1938, tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Cả gia đình tham gia kháng chiến ở Cà Mau. Ông tự học nghề nhiếp ảnh bằng cách làm thuê cho một hiệu ảnh.

Bức ảnh “Trạm quân y dã chiến”, chụp ngay giữa lòng U Minh Hạ năm 1970

Bức ảnh “Trạm quân y dã chiến”, chụp ngay giữa lòng U Minh Hạ năm 1970

Năm 1961, ông được tổ chức phân công về Ban Tuyên huấn Cà Mau. Tại đây, ông được giao một chiếc máy ảnh hiệu Nikon của Nhật. Chiếc máy đã cũ, nhưng được ông xem như “báu vật”.

Với chiếc máy ảnh này, ông đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đau thương, nhân ái, bi tráng, tình đồng đội, niềm lạc quan trong gian khổ của đồng bào và chiến sĩ ta giữa miệt rừng U Minh.

Sau 30 năm, bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” được đăng trên tờ New York Times

Sau 30 năm, bức ảnh “Trạm quân y dã chiến” được đăng trên tờ New York Times

Một trong những thời khắc đó được ghi lại qua bức ảnh “Trạm quân y dã chiến”, chụp ngay giữa lòng U Minh Hạ năm 1970. Bức ảnh ghi lại thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, những con người được giao nhiệm vụ cao cả đã vượt lên nỗi sợ hãi, vững chí trong từng ca mổ để giành lại sự sống cho thương binh. 30 năm sau, bức ảnh được tờ The New York Times đăng lại trên số ngày 19/4/2000. Khoảnh khắc được giới nhiếp ảnh gia thế giới đánh giá cao, là một trong 180 bức ảnh trưng bày trong cuộc triển lãm tại Trung tâm Ảnh quốc tế ở Mỹ tháng 3/2002.

Ông kể, hình ảnh khiến ông day dứt nhất trong sự nghiệp cầm máy có lẽ là hình ảnh về cô Phan Thị Hườn, người con gái Cà Mau bị bom na-pan phá hủy, làm biến dạng gần hết khuôn mặt mà ông vô tình chụp được vào năm 1966. Hay như hình ảnh Kiện tướng chiến hào Dương Thị Cẩm Vân - người đã liên tục 6 tháng liền bám chiến hào bao vây đánh địch tại chi khu Đầm Dơi - Cà Mau (tháng 6/1966).

Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh

Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh

Võ An Khánh từng cho biết nhiều lần suýt mất mạng, ngất xỉu ngay khi chụp ảnh vì những “cơn mưa” đạn pháo của giặc bắn từ máy bay xuống.

Không chỉ nổi tiếng với các bức ảnh chiến tranh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh còn ghi dấu với các bức ảnh sinh hoạt đời thường của người dân Cà Mau. Tác phẩm "Bà nội mù" của ông từng gây xúc động khi ghi lại hình ảnh người bà được cháu nắm tay dẫn qua chiếc cầu khỉ nối hai bờ kênh. Bức ảnh từng đoạt giải tại cuộc thi Ảnh quốc tế - tổ chức ở Đức năm 1982. Hay bức ảnh "Tung chài" ghi lại khoảnh khắc một thiếu niên đang bắt tôm cá, đã đoạt giải Ba một cuộc thi ảnh do UNESCO tổ chức.

Từ năm 1975 - 1990, ông công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Minh Hải, làm đến Phó trưởng Ty (Phó Giám đốc Sở); Trưởng Ban Biên tập Báo Đất Mũi, rồi sau đó là Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau).

Bức ảnh "Bà nội mù" của nhiếp ảnh gia Võ An Khánh

Bức ảnh "Bà nội mù" của nhiếp ảnh gia Võ An Khánh

Với cống hiến của mình, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (1997); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (2001); Huân chương Lao động hạng Ba (2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007), Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022.

Một tác phẩm của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh

Một tác phẩm của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh

Nhận tin buồn về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM viết trên trang cá nhân: "Suốt cuộc đời mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh mà chị em tôi hay gọi ông "chú Tám, chú Tám Khánh", luôn gắn liền với chiếc máy ảnh. Chiếc ống kính máy ảnh ấy qua cách nhìn của đôi mắt, của tâm hồn, của nỗi khao khát không nguôi để ghi lại, để giữ lại những khoảnh khắc quý giá của người, của cảnh, của vật, của số phận con người trong chiến tranh...mà ông lưu lại nhiều tấm ảnh mang ý nghĩa lịch sử của vùng đất, của đất nước và của cả dân tộc".

Tang lễ của ông diễn ra vào sáng ngày 26/2. Linh cữu được an táng tại Nghĩa tang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu chiều 1/3.