Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh "lên" phim

Đưa đề tài không thuộc thì hiện tại lên phim nhưng nhà sản xuất và đạo diễn rất tin tưởng vào sức hấp dẫn của nó, dựa trên cơ sở hai phim "thử nghiệm" Nợ đời và Con nhà nghèo.

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh "lên" phim

Đưa đề tài không thuộc thì hiện tại lên phim nhưng nhà sản xuất và đạo diễn rất tin tưởng vào sức hấp dẫn của nó, dựa trên cơ sở hai phim "thử nghiệm" Nợ đời và Con nhà nghèo.

Cảnh trong phim "Con nhà nghèo"
Cảnh trong phim "Con nhà nghèo"

Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) đã lên kế hoạch đầu tư dự án lớn về loạt phim chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trong giai đoạn các nhà làm phim kêu trời vì sự lúng túng thiếu những kịch bản có chất lượng, thì nguồn văn học trong nước, đặc biệt dòng văn học đầu thế kỷ XX là rẻo đất lành để các nhà biên kịch đến khai phá.

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thuộc dòng văn học phản ánh hiện thực xã hội đầu thế kỷ XX. Người đọc có thể tìm thấy cả một xã hội và nền văn hoá miền Nam từ những năm 1920 đến 1945 trong toàn bộ các tác phẩm của ông. Chất liệu hiện thực là lợi thế trước hết để các nhà làm phim khai thác. Sau nữa là câu chuyện. Câu chuyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh có những yếu tố hấp dẫn, có thể kích thích người đọc theo dõi sự phát triển của tình tiết, diễn biến với nhiều biến cố khúc mắc, những trớ trêu éo le rất đời của nhiều giai tầng xã hội.

Nhiều vấn đề được đặt ra như cưỡng bách hôn nhân, môn đăng hộ đối, ngoại tình, thông dâm... với đa dạng các thể loại nhân vật: quan lại, địa chủ, hội đồng, chúa tàu biển, thầu khoán, đại lý, hoà thượng, nghệ sĩ giang hồ, gái điếm. Các nhân vật của Hồ Biểu Chánh có ưu điểm "rất xi-nê" là đã định dạng tính cách.

Anh Nguyễn Trọng Tín - một thành viên trong nhóm chuyển thể tác phẩm Cay đắng mùi đời (đạo diễn Hồ Ngọc Xum) nhận định: "Việc chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không khó khăn lắm. Thứ nhất, ngôn ngữ trong Hồ Biểu Chánh rất chuẩn (đặc trưng trong bối cảnh của thời kỳ đầu thế kỷ XX). Thứ hai, câu chuyện có chương hồi. Chúng tôi có thể tô đậm thêm tính cách của nhân vật dựa trên tinh thần căn bản dựa trên tinh thần căn bản của tác giả. Và thứ nữa, chúng tôi tính toán cảnh quay khả thi để đạo diễn có thể thực hiện được".

Diễn viên Thanh Hoàng khi đang chuyển thể hai tác phẩm Nợ đờiCon nhà nghèo cũng cho rằng, chuyển thể kịch bản không khó khăn bằng việc dàn dựng. Thuộc dòng phim cổ, bối cảnh phim vào những năm đầu thời kỳ XX, trang phục và đạo cụ đều phải thuộc vào thời kỳ đó, do vậy, kinh phí đội lên gần gấp đôi các phim hiện đại. Nhưng có tiền rồi thì cũng chưa hết lo. Trong tình hình nông thôn cũng đã hiện đại hoá, nhạc dance xập xình, phim vi tính gõ lóc cóc thì chưa hẳn có thể tìm được tiếng xe bò lạch cạch hay chim kêu vượn hú của vùng đất miền Tây Nam Bộ, buổi sơ khai "muỗi kêu như sáo thổi - đỉa lội tềnh tựa bánh canh".

Đoàn làm phim phải dắt díu nhau đi khắp các tỉnh miền Tây từ Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bến Tre rồi ngược trở lên miền Đông Tây Ninh, Bình Dương để tìm bối cảnh. Muốn quay cảnh một ngôi nhà lá cũ kỹ thì trước đó đoàn làm phim đã phải dựng lên một ngôi nhà, cho hai người đến ở, trồng trọt và chăn nuôi một thời gian để làm cũ đi khung cảnh. Ngay cả cảnh quay tại Sài Gòn cũng nan giải.

Thời xưa người ít, đường phố không sầm uất như bây giờ, muốn quay một cảnh đường phố đầu thế kỷ 20 thì buộc lòng phải bớt người đi đường, nhưng đoàn làm phim không đủ sức "thuê bao" hẳn một con phố để thực hiện cảnh quay.

Cảnh trong "Chúa Tàu kim quy"
Cảnh trong "Chúa Tàu kim quy"

Chỉ là những tiểu tiết nhưng nếu không tỉ mỉ chú tâm thì chúng thừa khả năng trở thành bom tấn để phá hỏng toàn bộ phim. Đạo cụ thì phân biệt rành rành: nhà giàu ăn cơm chén kiểu, nhà nghèo xài đồ sành, đồ đá. Nhà nghèo thì chẳng những mặc vải thô mà còn phải rách, nhà giàu thì áo lụa quần gấm. Hoá trang cũng mỗi loại nhân vật đều phải một kiểu y phục khác nhau. Diễn viên khi vào vai cũng phức tạp không kém vì sự phân biệt giai cấp còn thể hiện rõ trong từng dáng đi, cách ăn cách nói: nhả chữ chậm rãi, nhịp nhàng ngân nga... như vọng cổ.

Đưa đề tài không thuộc thì hiện tại lên phim nhưng nhà sản xuất và đạo diễn rất tin tưởng vào sức hấp dẫn của nó, dựa trên cơ sở hai phim "thử nghiệm" Nợ đời và Con nhà nghèo. Và thực ra, khán giả phim không kén chọn đề tài. Họ chỉ kén chọn tài năng của đạo diễn. Bộ phim Cay đắng mùi đời đang phát sóng trên HTV9 (Đài truyền hình TP) song song cùng Hoa dã quỳ đều có kịch bản nhập từ Hàn Quốc. Dự án loạt phim dài tập chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tiếp tục đến năm 2008 với các tiểu thuyết : Tân phong nữ sĩ (10 tập), Tại tôi (20 tập), Khóc thầm (20 tập), Tình án (chuyển thể từ tác phẩm Cư Kỉnh - 22 tập) hy vọng sẽ đưa người xem về với... chuyện của người Việt.

Theo Thanh niên