Hắn - không ưa cái mặt mình!

(ANTĐ) - Được sở hữu một khuôn mặt rất ciné, thực sự ló mặt vào làng truyền hình sau phim “Chuyện làng Nhô”, nhưng Nguyễn Hải gần như bị “đóng đinh” với những nhân vật phản diện, những kẻ trí thức lưu manh mưu mô, đểu giả và xảo quyệt. Nguyễn Hải cũng khoái đóng những vai diễn phản diện xù xì đa tính cách.

Hắn - không ưa cái mặt mình!

(ANTĐ) - Được sở hữu một khuôn mặt rất ciné, thực sự ló mặt vào làng truyền hình sau phim “Chuyện làng Nhô”, nhưng Nguyễn Hải gần như bị “đóng đinh” với những nhân vật phản diện, những kẻ trí thức lưu manh mưu mô, đểu giả và xảo quyệt. Nguyễn Hải cũng khoái đóng những vai diễn phản diện xù xì đa tính cách.

Hắn bảo hắn thích những vai khó, vì càng khó càng được thỏa sức sáng tạo, nhưng mà khổ nỗi ra đường lại bị người ta ghét, mà ngay đến bản thân hắn, nhiều lúc hắn cũng ghét cái mặt mình, có lúc hắn còn muốn đập tan cả gương đi cũng chỉ vì... cái mặt mình...

“Tai nạn” sau “Chuyện làng Nhô”

Sau “Chuyện làng Nhô”, hắn phát khổ vì phim, nhân vật Trịnh Khả của hắn đã làm cho người ta quên một Nguyễn Hải - diễn viên của Đoàn Kịch nói CAND hóm hỉnh vui tính ở ngoài đời. Đi đâu hắn cũng bị người ta gọi là thằng, là lão, là hắn.

Thậm chí có hôm vào quán bia, còn bị một thanh niên hất cả cốc bia vào người vì người ta coi hắn là một thằng đầu têu của những trò khốn nạn, một thằng chuyên đi cướp đất của dân. Khổ thế, người ta ghét nhân vật, rồi ghét lây sang cả hắn. Thế nên đận ấy, cả năm trời hắn chẳng dám về quê.

Đến ngay cả ông cụ thân sinh ra hắn cũng giận hắn mãi. Từ cái đợt hắn bỏ cái nghề mỏ địa chất để đuổi theo nghệ thuật, lúc nào cũng “quần loe tóc dài”, ông cụ đã giận rồi. Mẹ hắn thương nên chịu khổ lo cho hắn theo học trường Sân khấu Điện ảnh mấy năm trời.

Bây giờ hắn lại đóng cái vai khốn nạn thế. Ông cụ bảo “bao nhiêu vai tử tế không chọn mà đóng, lại đi đóng cái thằng đểu để hàng xóm xung quanh người ta chửi tao”.

Ông cụ cũng vài lần thanh minh với hàng xóm rằng đấy chỉ là chuyện trên phim vậy mà cứ hễ đi qua cổng nhà ông lại gọi ông là “bố thằng mất dạy”, “ông có thằng con khốn nạn chuyên bày trò để mọi người làm bậy bạ”....

Hắn cười xuề xòa và bảo bây giờ thì ông cụ đã hiểu ra, thương hắn hơn. Hắn cũng muốn trả ơn ông cụ bằng một vai diễn tử tế, nhưng khổ cho hắn là chả ai mời hắn đóng những vai chính diện. Hễ cứ thấy vai nào khuỳnh khuỳnh đểu đểu là đạo diễn lại alo cho hắn.

Thôi được, đóng vai đểu, vai tội phạm hắn cũng chơi tuốt miễn là vai đó hắn thích và có “đất” diễn. Hắn quan niệm thế này: Đóng vai tội phạm cho ra tội phạm cũng là góp phần cho mọi người hiểu thêm về người chiến sỹ CAND. Tội phạm càng mưu mô, xảo quyệt bao nhiêu thì những chiến sỹ CAND lại càng đau đầu bấy nhiêu.

Hắn là một chiến sỹ trong lực lượng CAND nên hơn ai hết hắn hiểu những vất vả mà đồng đội đang ngày đêm phải gánh vác. Vì thế hắn coi việc thực hiện thành công một vai diễn tội phạm cũng là trách nhiệm của một nghệ sỹ công an - người nghệ sỹ, chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm.

Từ Trịnh Khả đến Lê Thanh

Nếu như trong “Chuyện làng Nhô”, hắn vào vai Trịnh Khả là một tay trí thức lưu manh, một kẻ hiểu biết pháp luật nhưng đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, lợi dụng đội ngũ cán bộ ở địa phương quản lý lỏng lẻo, lợi dụng sự thật thà của người nông dân để lách vào những kẽ hở đó, để khoắng, để khuấy, để khoét sâu vào những mâu thuẫn, những bất bình trong nội bộ nhân dân rồi đảo tung cái làng Nhô ấy lên thì trong “Chạy án”, hắn vào vai Lê Thanh - một Tổng Giám đốc đáng thương nhiều hơn đáng ghét.

Lê Thanh ăn chơi trác táng, yêu để chơi mà chơi để yêu, dọc ngang trời đất với một lý lịch bất hảo đầy những là chạy án, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, mua chuộc cán  bộ, cá độ bóng đá... Nhưng đằng sau những cuộc chơi đó là những lúc cô đơn, là góc khuất, là nỗi khổ mà không phải ai cũng nhìn thấy được.

Có những lúc Lê Thanh chỉ có một mình ăn mỳ tôm,  người bạn duy nhất lại là một con hổ. Một người tài đến thế, yêu cũng tận cùng đến thế mà cuối cùng vẫn cô đơn, bạn bè có ai ở bên đến lúc khốn khó đâu, quan hệ giữa con người với con người trong thời buổi cơ chế thị trường đã bị bắn phá bởi đồng tiền, thậm chí là lừa đảo gian dối, chụp giập, cướp đoạt, thanh trừ lẫn nhau để rồi cuối cùng con người với con người không tâm sự với nhau được mà chỉ tâm sự với hổ.

Con người giả trá quá rồi, chỉ có hổ mới làm bạn được. Đấy có phải là một nỗi khổ hay không? Hắn bảo rằng đấy là nỗi khổ đau lớn nhất của nhân vật Lê Thanh, cũng là nỗi khổ đau lớn nhất của một con người. Chả thế mà những cú diễn với “diễn viên” hổ, hắn cũng coi trọng lắm. Theo hắn đấy mới là lúc giãi bày với khán giả về những tâm tư của nhân vật để phần nào làm vơi đi cái khổ cực không nói được với ai của nhân vật.

Trịnh Khả và Lê Thanh - hai vai diễn tuy cùng là phản diện, tuy cùng là những tên lưu manh, nhưng mỗi nhân vật lại có đời sống nội tâm khác nhau và cách thể hiện cũng hoàn toàn khác nhau. Nhiều người bảo rằng, cái mặt hắn đã “đểu” thế rồi, thì cần gì phải diễn.

Nhưng hắn lại bảo để diễn thì cái mặt “trời cho” của hắn chỉ đóng góp được một phần thôi, cái quan trọng là phải hiểu được nội tâm nhân vật vì chính cái nội tâm nó quyết định tính cách của nhân vật, nó chi phối hành vi ứng xử của nhân vật.

Tớ “vào tù” dễ lắm

Hắn đã nói như vậy vì hắn thường xuyên phải xin giám thị cho... vào tù để tiếp xúc với phạm nhân, để tìm hiểu tâm lý tội phạm. Hắn bảo muốn diễn lưu manh và tội phạm đạt thì phải nghiên cứu thực tế, phải tiếp xúc với tội phạm. Hắn cũng thừa nhận rằng mình được cái hơn người là cũng vài lần được vào tù để làm cái việc mà hắn gọi là “nghiên cứu thực tế” ấy.

Cũng đã vài lần hắn nhảy bổ theo mấy ông công an đi bắt truy nã, đi bắt tội phạm. Hễ lúc nào có cơ hội, theo được là hắn tếch đi, bất kể cả khi hắn đang tắm, người còn đầy bọt xà phòng. Chả gì hắn cũng là một công an “xịn”, có quân hàm quân hiệu hẳn hoi nên khi phải đóng vai tội phạm, cần tham khảo hồ sơ vụ án thì hắn cũng có điều kiện hơn, xin... vào tù cũng dễ hơn.

Chỉ có điều, có lần hắn vào tù đóng giả phạm nhân mà quên mất không tháo nhẫn và đồng hồ ra nên bị bạn tù phát hiện là... diễn viên, hắn quên mất một nguyên tắc là không được mang bất cứ thứ gì vào trại giam.

Sau nhiều lần “vào tù ra tội” hắn rút ra được một điều rằng, tội phạm cũng còn rất nhiều cái đáng yêu, vẫn còn nhiều tính thiện, vẫn còn phần người trong họ để thức tỉnh thành người lương thiện bởi lúc họ phạm tội là lúc giá trị con người dao động ở mức cao nhất chứ bản chất của họ không phải là một người xấu.

Không phải tất cả tội phạm đều là xấu. Thế nên khi diễn hắn cũng nghĩ như vậy, có lẽ vì thế hắn đã xây dựng được hình tượng nhân vật Tổng giám đốc Lê Thanh khá chân thực và thuyết phục.  

Luôn chờ đợi được mời vào vai “tử tế”

Hắn có cái lạ là kịch bản có dài đến mấy thì dài, nhưng hễ cứ đọc 1 lần là hắn đã thấy nhân vật ngọ ngoạy rồi. Có lẽ hắn đến với nghệ thuật cũng là cái duyên trời cho nhưng cũng là sự phấn đấu khổ luyện và sự đam mê của hắn. Hắn bảo nếu bây giờ hắn còn làm ở ngành mỏ ở Quảng Ninh chắc hắn cũng chả kém ai.

Vì những người cũng thời với hắn khối người là Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, rồi Thứ trưởng... bạn bè hắn cũng khối người vài ba mảnh đất ở Hà Nội, nhưng thôi kệ ai bảo hắn chọn nghề diễn viên. Lắm lúc nghĩ lại, hắn thấy thật trớ trêu là toàn đóng vai Giám đốc, Tổng giám đốc, hắn chỉ mong mình giàu được bằng một phần Tổng giám đốc ở trên phim.

Nhưng nói thì nói vậy, chứ hắn vẫn khoái cái nghề diễn mà hắn đã dấn thân vào, hắn vẫn khoái vì cái hắn có nhiều điều người khác lại không có. Đó là hắn đi ra đường ai cũng ghét. Cái sự ghét đấy nhiều khi làm hắn phát khổ nhưng có khi lại làm cho hắn được hãnh diện với đời.

Thật ra hắn cũng thích được đóng vai chính diện nhưng vẫn chưa ai mời hắn. Cho dù trước đây, hắn đã giành mấy cái huy chương trong các đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc mà toàn huy chương cho vai chính diện. Hắn được nhiều người biết đến với những vai phản diện trên truyền hình nhưng hắn lại chưa được cái huy chương nào, thế mới ngược đời.

Hắn có rất nhiều tham vọng, hắn bảo về học thì hắn có tham vọng đến tột cùng, có cơ hội lúc nào là hắn học. Sau khi có tấm bằng ngành mỏ, sân khấu điện ảnh, hắn đã tốt nghiệp cử nhân luật, rồi lại thấy hắn đi học luật sư, đi học nghiệp vụ công an... Có thể hắn tính đường lùi sau khi về hưu chăng, nhưng với hắn  thì cái việc học ấy cũng chỉ để đóng phim được hay hơn.

Còn tham vọng lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của hắn là được thể hiện những vai góc cạnh, xù xì, đa chiều, đa tính cách, nếu kiếm được vai chính diện để đời thì đó là điều hắn mong nhất. Hắn vẫn chờ đợi, liên tục chờ đợi đến một lúc nào đấy sẽ có đạo diễn ủng hộ hắn đóng vai chính diện.

Hương Bình - Bích Diệp