Điệu múa của lối sinh hoạt cộng đồng
Tôi cũng thực sự bất ngờ khi biết điệu múa Bài Bông luôn đi kèm với lối hát thơ gọi là hát Cửa Đình, bởi đơn giản là vì nó được hát ngay trước cửa đình. Điều thú vị nữa cũng không kém bất ngờ là những người cất lên hát 517 câu hát Cửa Đình ấy dứt khoát phải là 18 trai đinh của làng. Nét sâu sắc của 517 câu hát là ở chỗ, cho dù câu hát đó có là thể thơ khác nhau, nhưng tất cả đều tập trung vào ca ngợi quê hương, đất nước, xóm làng thanh bình, gia đình thịnh vượng, người già mạnh khỏe. Múa Bài Bông đi kèm với hát thơ xem ra cũng chỉ có ở Phú Nhiêu mà thôi.
Như vậy, màn múa Bài Bông làng Phú Nhiêu với sân khấu biểu diễn không đâu khác ngoài khoảng sân trước đình làng. Vậy mà trước đó tôi đã nghĩ, người làng Phú Nhiêu múa ở đây cốt phục vụ cho đoàn làm phim về những điệu múa cổ Hà Nội. Điều lý thú là khoảng sân đình này còn là thông với sông Kim Ngưu bằng một bến thuyền rộng rãi với nhiều bậc được xây bằng gạch. Bến thuyền cũng là nơi dân làng ngày ngày xuống giặt giũ và gánh nước về dùng. Dòng sông chảy ngang cửa đình, bến nước rộn ràng, nhộn nhịp, cây đa tỏa bóng mát đã kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, tạo thành một sân khấu biểu diễn ngoài trời vừa thoáng, vừa trữ tình mà lại rất thân quen. Cái sân khấu giản dị và tự nhiên ấy cùng đám đông quần chúng xúm xít bên nhau, kẻ đứng người ngồi để xem đã biến điệu múa quý phái thành lối sinh hoạt cộng đồng đậm chất thôn quê.
Điệu múa Bài Bông luôn đi kèm với lối hát thơ gọi là hát Cửa Đình |
Điều làm chúng tôi vô cùng phấn khích là khi khoảng sân trước cửa đình đang vang lên câu hát cùng những bước đi nhún nhảy thì ngoài mặt sông lại vang nhịp khua chèo cùng tiếng trống thúc dập dồn. Cuộc thi của những tay bơi chải trong làng đang vào hồi sôi động nhất. Thi bơi chải cũng là một phần cùng với múa Bài Bông và hát Cửa Đình hợp thành lễ hội làng Phú Nhiêu. Tôi mấy lần tự hỏi, không biết từ bao giờ và nguồn cơn thế nào mà người nông dân của một làng quê hẻo khuất như Phú Nhiêu này lại biết đến điệu múa Bài Bông đài các ấy? Hỏi nhưng không sao trả lời được. Điệu múa ấy đã về với làng, nhập vào làng, sống với làng và đi cùng làng qua ngần ấy thời gian. Cho tới tận bây giờ, múa Bài Bông làng Phú Nhiêu đã là điệu múa cổ của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Theo các cụ già kể lại thì múa Bài Bông “bén duyên” với làng Phú Nhiêu đâu như vào nửa đầu những năm 20 của thế kỷ 20. Nhưng không ai rõ vì đâu mà điệu múa vừa mang tính Phật giáo, vừa đậm chất cung đình này lại “về đến làng” và vì sao chỉ có làng Phú Nhiêu mới có được cơ may đó. Cũng chẳng ai rõ bằng cách nào mà người dân quê vùng chiêm trũng này lại truyền nhau đời này qua đời khác nên điệu múa chẳng những không bị thất truyền mà ngày nay nó đã trở nên thân thuộc. Chỉ biết, kể từ đó đến nay, cứ vào Rằm tháng Tám hàng năm là làng Phú Nhiêu lại mở hội. Hội làng diễn ra trong 4 ngày (từ 15 đến hết ngày 18 tháng 8 Âm lịch).
Hội làng Phú Nhiêu cũng như lễ hội của bao làng quê khác, nghĩa là cũng rước kiệu dọc đường làng ra tới đình, cũng làm lễ tế tri ân những người đã có công lập làng và chỉ bảo cho dân cách làm ăn sinh sống, cũng thu hút dân các làng quanh vùng tới xem. Nhưng nét đặc sắc của lễ hội làng Phú Nhiêu thì nằm ở 2 điểm là có múa Bài Bông kèm hát Cửa Đình và cuộc thi bơi chải trên sông Kim Ngưu. Hai điểm đặc sắc này diễn ra gần như đồng thời nên người đi xem hội có dịp hả hê. Và bến thuyền bên sông thông với khoảng sân đình đã trở thành địa điểm mời gọi cho những người xem hội đến cổ vũ và thưởng thức.
Đất và người hòa quyện
Làng Phú Nhiêu là một làng Việt cổ nằm bên sông Kim Ngưu bắt nguồn từ hồ Tây xuôi về miền đất Sơn Nam Hạ. Truyền thuyết kể rằng, làng Phú Nhiêu mang hình của con trâu vàng. Làng có 4 xóm tượng trưng cho 4 chân trâu. Sống trâu là con đường trục chính chạy giữa làng. Đình làng là đầu trâu và 2 giếng nước 2 bên đình là hai con mắt trâu. Không giống như các lễ hội làng quê truyền thống khác là thường tổ chức vào mùa xuân, lễ hội làng Phú Nhiêu lại diễn ra vào dịp nông nhàn của 2 vụ lúa (tháng Tám Âm lịch). Phải chăng mảnh đất mang dáng hình con trâu này luôn biết chọn dịp trăng tròn và sáng nhất để làm lễ dựng hội? Phải chăng truyền thống làm nông nghiệp trên vùng đất chiêm trũng này chỉ dịp đó mới có thể ngẩng mặt lên được?
Điệu múa Bài Bông đã được dân dã hóa, thôn quê hóa khi kết hợp với màn thi bơi chải |
Đã vào đầu thu, cánh đồng đã bớt đi màu nước chang trắng, những ngả đường cũng đã se sắt bước chân và lòng người đã thư thả đôi chút. Lễ hội được mở ra với các màn thi bơi chải, hát và múa tưng bừng phải chăng là dịp để người làng củng cố tinh thần, nâng cao sức lực trước khi bước vào một mùa đông lạnh giá giữa bao la của vùng thấp trũng? Mới hay, đất và người hòa quyện đã làm nên một không khí vui tươi, đầm ấm mà cũng hết sức thanh cao.
Điệu múa Bài Bông vốn được xem chỉ để mua vui cho giới cung quyền hoặc để dành riêng cho nghi thức tôn giáo, đã được 8 cô gái trinh trắng của một làng quê hiền lành tấu lên sinh động. Điệu múa có tính tôn giáo và quyền quý ấy đã được dân dã hóa, thôn quê hóa khi kết hợp với màn thi bơi chải và xen trộn trong câu hát ấm trầm của 18 trai đinh. Thì ra chẳng có gì mà người dân không làm được. Chẳng có gì mà người dân không được sử dụng. Văn hóa, văn nghệ truyền thống cho dù có giả thiết này, giả thiết khác thì bất luận cuối cùng nó cũng từ nhân dân mà ra. Và chỉ có nhân dân mới biết sử dụng nó đúng nơi, đúng chỗ và đúng mục đích. Văn hóa, văn nghệ sinh ra từ dân và trở lại phục vụ nhân dân.