Điệu múa cổ Bài Bông có từ bao giờ?

(ANTĐ) - Phục dựng điệu múa cổ Bài Bông là việc làm rất đáng trân trọng và cần thiết, nhất là trong khi nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của chúng ta đang bị mai một. Tuy nhiên việc phục dựng đó là hết sức khó khăn khi mà thời gian đã qua, sử sách không còn ghi chép lại...

Điệu múa cổ Bài Bông có từ bao giờ?

Bài 2: Cần chung tay phục dựng điệu múa cổ

(ANTĐ) - Phục dựng điệu múa cổ Bài Bông là việc làm rất đáng trân trọng và cần thiết, nhất là trong khi nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của chúng ta đang bị mai một. Tuy nhiên việc phục dựng đó là hết sức khó khăn khi mà thời gian đã qua, sử sách không còn ghi chép lại...

Chính vì vậy để điệu múa này được hoàn thiện một cách chuẩn xác nhất thì rất cần sự nghiên cứu trên tinh thần khoa học và cần sự chung tay đóng góp của nhiều người, thuộc nhiều lĩnh vực. Xét cho cùng việc phục dựng điệu múa cổ cũng là để làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian, phục vụ lợi ích chung của công chúng chứ không phải lợi ích của riêng ai...

Bài 1: Điệu múa Bài Bông 700 năm - cần phải xem lại

Ông Đặng Hoành Loan - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam:

“Không có căn cứ khẳng định múa Bài Bông có từ đời Trần”

Việc khẳng định phục dựng lại điệu múa Bài Bông có từ đời Trần là hoàn toàn không có căn cứ. Là một loại hình văn hoá phi vật thể, lại là điệu múa của chốn cung đình thâm nghiêm (khó mà truyền ra ngoài dân gian) thì 700 trăm qua làm sao còn ai nhớ được.

Cũng không có sách cổ nào ghi chép về múa Bài Bông, không có sách nào miêu tả cụ thể múa Bài Bông động tác như thế nào, hát ra sao. Việc khẳng định nó là điệu múa của ca trù cũng không có căn cứ. Việc nghệ nhân ca trù Kim Đức dựng lại điệu múa theo trí nhớ của cô bé 14 tuổi càng khó có thể đảm bảo tính chính xác.

Hiện thời chúng ta tạm tin cậy vào những văn bản, lời nói, chuyện kể được truyền tụng đời nối đời trong gia đình cụ Nguyễn Văn Mùi (nhóm ca trù Thái Hà) về điệu múa. Nhưng cũng phải đợi đến khi nhóm Thái Hà phục dựng mới có thể đưa ra được nhận định cụ thể. Về độ chuẩn xác của trang phục và động tác, tôi cho rằng không có sự cố định và thống nhất. Mỗi vùng ca trù thường có sáng tạo riêng.

Mặt khác, nghệ thuật dân gian nói chung bao giờ cũng chịu sự chi phối của các yếu tố mà biến đổi khác nhau. Tuỳ thuộc vào sinh thái vùng, vào tính chất, mục đích của vũ điệu (hát Chúc Hỗ hay thờ thần), và quy mô của giáo phường mà trang phục phải thay đổi cho phù hợp. Ngay cả lời hát mỗi năm cũng phải soạn thảo một lời mới, mà lời biến thì động tác cũng biến.

NSƯT Nguyễn Văn Khuê (con trai của nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi - nhóm ca trù Thái Hà):

“Còn một số chi tiết chưa chính xác”

Tôi không rõ điệu múa này có từ đời nào, chỉ nghe các cụ kể lại đây là điệu múa sang trọng bậc nhất của cung đình xưa. Đội múa có 64 diễn viên và dàn nhạc công trên 40 người vừa múa vừa hát ít nhất trong nửa tiếng mới xong.

Bà Trần Thị Ngọ – bà cô của cha tôi – người tham gia khởi xướng cuộc biểu diễn ca trù quyên tiền cứu đói năm 1945 chính là người là truyền dạy toàn bộ vũ đạo, phần nhạc, lời hát cho cha và tôi trong suốt 2 năm trời (1976 – 1978). Việc bà Kim Đức làm được điều này thực sự rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, sau khi theo dõi điệu múa trên Đài truyền hình, tôi thấy có một số chi tiết không đúng. Đèn mà các thiếu nữ đeo trên vai phải là đèn vuông chứ không phải đèn hoa sen. Một số bức ảnh tư liệu chụp từ thời Pháp thuộc có thể chứng minh điều này.

Cụ Trần Thị Ngọ cũng miêu tả chiếc đèn có hình vuông, bên trong có mấy cánh hoa đào, hoa mai, quần áo phải là màu đỏ, trước ngực có thêu hình con rồng to, thân dưới là nhiều vạt vải xẻ dọc để khi quay tròn thì vạt áo cũng xoay tròn, xoè rộng, mũ đội có hình thon nhọn, hơi giống chiếc vương miện...

Việc phục dựng là phải đảm bảo đúng, phải tạo ra được không gian đặc trưng cung đình và không gian của điệu múa, vừa hùng vừa bi, mới có thể chinh phục được khán giả.

Một nhóm ca trù hát Chúc Hỗ cuối thế kỷ XIX được cho là múa Bài Bông
Một nhóm ca trù hát Chúc Hỗ cuối thế kỷ XIX được cho là múa Bài Bông

Bà Nguyễn Bạch Dương - người tham gia vào việc phục dựng điệu múa Bài Bông: 

“Mục đích phục dựng là làm sống lại một điệu múa quý”

Chúng tôi chưa bao giờ khẳng định Bài Bông là điệu múa có từ đời Trần, chỉ chắc chắn đây là điệu múa của ca trù, các giáo phường ca trù từ ngày xưa đã làm và truyền lại đời sau. Để xác định niên đại chính xác của điệu múa là việc của các nhà nghiên cứu, chúng tôi không có tiếng nói trong việc này.

Quan điểm của chúng tôi là 700 năm hay 100 năm cũng quý, bởi một điệu múa sang trọng, trang nhã như thế không bị mất đi là tốt rồi. Các nghệ nhân ca trù tài danh một thời như cụ Quách Thị Hồ, cụ Mùi, đều đã mất cả. Chỉ còn cụ Kim Đức là người duy nhất còn chứng kiến và trực tiếp tham gia vào điệu múa.

Mặc dù khi biểu diễn tại Nhà hát Lớn năm 1945, cụ chỉ mới 14 tuổi, nhưng vì từ bé đã được đi theo các cô học múa nên Bài Bông đã ngấm vào trí não cụ giống như những bài học vỡ lòng hay bảng cửu chương thì cả đời người ta không bao giờ quên. Hơn nữa, động tác của múa Bài Bông rất đơn giản và dễ nhớ, lời như thế nào thì động tác minh họa, phụ họa theo.

Nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc từng rất khâm phục trí nhớ của cụ vì cụ thuộc cả trăm bài hát và chưa bao giờ cụ cất lên tiếng hát mà quên mất lời. Chúng tôi phục dựng lại Bài Bông không nhằm mục đích gì khác là làm sống lại một điệu múa đẹp nhất và quý giá của ca trù, để lỡ sau này khi cụ Kim Đức không còn, điệu múa ấy không bị thất truyền.

Toàn bộ phục trang, đạo cụ hay cả đèn hoa sen trên vai các thiếu nữ đều được dựng lại theo đúng điệu múa đã trình diễn năm 1945 tại Nhà hát Lớn mà cụ Kim Đức nhớ được. Chúng tôi dựng điệu múa hoàn toàn với tư cách cá nhân, với mong muốn giữ lại một di sản quý. Mọi người có thể coi điệu múa đã dựng như một tài liệu tham khảo để dựng lại và hoàn thiện hơn.

Giáo sư Trần Văn Khê:  “Nên cùng nhau đi tìm chân lý”

Điệu múa Bài Bông có phải từ đời Trần hay không ta chưa thể biết được vì không có chứng cứ nào ghi lại trong sử sách. Song phục dựng lại điệu múa này là một điều rất cần thiết và đáng trân trọng. Bà Kim Đức là người tôi rất ngưỡng mộ, kính phục. Nghe bà hát ca trù, chèo hay các loại nhạc cổ như Tỳ bà hành hay lắm.

Tuy nhiên, 14 tuổi bà đã múa rồi, nhưng không dựng lại ngay, 60 năm sau mới làm lại thì không biết trí nhớ có đầy đủ hay không. Theo tâm sinh học, trí nhớ mỏng manh của cô bé 14 tuổi không vững chắc và chính xác 100% được.

Nếu có thể dựng lại được thì phải xem xét về mặt nghệ thuật như thế nào, công chúng chấp nhận như thế nào, giới ca trù chấp nhận ra sao...

Từ đó mới đánh giá giá trị của nó trong thời đại này, chứ cũng không thể so sánh với ngày xưa. Tôi được biết nhóm ca trù Thái Hà cũng lưu giữ được điệu múa quý này. Cụ Nguyễn Văn Mùi là người trọng truyền thống, trong lúc nhạc cổ đang suy, cụ vẫn cho cả hai người con trai và cháu chắt đi học hát, gìn giữ ca trù là quý lắm.

Nói nhóm nào có được điệu múa chính xác là rất khó. Nói có sách, mách có chứng, nếu không có chứng  cứ thì không ai dám đảm bảo trí nhớ của mình là trung thực. Biểu  diễn  thì  cứ  biểu  diễn  thôi chứ  khó  có  được  sự  chấp  nhận  tuyệt  đối  của  công chúng. Vả  lại, nên chăng, chúng ta nên cố gắng góp sức, thảo luận lại với nhau, cùng  nhau bàn bạc, tìm  tòi, không nên kỳ thị, giữ thành kiến của mình.

Ca trù hiện chỉ còn rất ít ỏi, ta nên cùng nhau đi tìm chân lý, làm sao cố gắng tìm được một hình thức xác đáng nhất, chuẩn nhất có thể, không dám chắc  là y như ngày xưa nhưng có thể gần với ngày xưa.

Hoàng Hồng (Thực hiện)