Bài 1: Điệu múa Bài Bông 700 năm - cần phải xem lại

(ANTĐ) - Điệu múa cổ Bài Bông mới được phục hiện và biểu diễn nhân ngày lễ khai hội chùa Yên Tử và có thể điệu múa này sẽ được tái hiện vào ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Người phục dựng điệu múa là nghệ sĩ Kim Đức - nhóm ca trù Tràng An. Tuy nhiên, sau khi điệu múa này được phục dựng, có một số bài báo đã đưa thông tin điệu múa Bài Bông có từ thời Trần đã làm phát sinh nhiều tranh luận của một số nhà nghiên cứu Hán Nôm về việc xác định niên đại của điệu múa cổ này, cũng như về một số chi tiết như trang phục, vũ đạo của điệu múa. Báo ANTĐ xin được nêu ra quan điểm của một số nhà nghiên cứu để giới thiệu cùng bạn đọc.

Điệu múa cổ Bài Bông có từ bao giờ?

Bài 1: Điệu múa Bài Bông 700 năm - cần phải xem lại

(ANTĐ) - Điệu múa cổ Bài Bông mới được phục hiện và biểu diễn nhân ngày lễ khai hội chùa Yên Tử và có thể điệu múa này sẽ được tái hiện vào ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Người phục dựng điệu múa là nghệ sĩ Kim Đức - nhóm ca trù Tràng An. Tuy nhiên, sau khi điệu múa này được phục dựng, có một số bài báo đã đưa thông tin điệu múa Bài Bông có từ thời Trần đã làm phát sinh nhiều tranh luận của một số nhà nghiên cứu Hán Nôm về việc xác định niên đại của điệu múa cổ này, cũng như về một số chi tiết như trang phục, vũ đạo của điệu múa. Báo ANTĐ xin được nêu ra quan điểm của một số nhà nghiên cứu để giới thiệu cùng bạn đọc.

Gần  đây một số tờ báo có đăng bài viết của tác giả Trần Ngọc Linh, đưa tin chi tiết về việc nhóm ca trù Tràng An phục hiện điệu múa cổ có từ thời Trần đã trải qua 700 năm - điệu múa Bài bông trong ca trù. Xin nói ngay rằng cần phải xem lại vì hiện chưa có sách sử nào công nhận điều này.

Tất cả các bộ sử lớn mà chúng tôi đã có dịp tra cứu, trong đó có các sách niên đại sớm như “An Nam chí lược” của Lê Trắc (soạn 1333) và “Việt sử lược” là bộ sách soạn vào đời Trần không hề ghi nhận có điệu múa Bài Bông. Trong sách “Việt Nam Ca trù biên khảo”, hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề cũng không cho biết điệu múa này có từ bao giờ, do ai đặt ra.

Nhưng có một điều đáng lưu ý là sau khi hát 7 đoạn thơ ngắn (các ông gọi là sắp), thì hát đến bài Chúc Hỗ của ông Biện lý La Ngạn Đỗ Huy Uyển. Mà chúng ta biết ông Đỗ Huy Uyển là người làng La Ngạn, huyện Đại An (nay là ý Yên, tỉnh Nam Định) là người sống ở thế kỷ 19, đỗ Phó bảng năm Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị (1841). Ông từng giữ chức Lang Trung ở bộ Lễ, Biện lý bộ Hộ và từng soạn nhiều bài Chúc Hỗ thay mặt quan chức và nhân dân Nam Định mừng Nhà vua.

Như vậy không có một tài liệu thư tịch nào nói rằng điệu múa Bài Bông này là một điệu múa cổ có từ thời Trần. Cũng không có một tư liệu nào cho phép ta xác định được niên đại ra đời của nó. Hơn nữa, trong phần lời ca lại có bài Chúc Hỗ được sáng tác vào thế kỷ 19.

Cho đến nay duy nhất nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc cấp niên đại và tác giả cho vũ điệu này là thời Trần mà không đưa ra một chứng cứ hay một tư liệu dẫn nào. Ông viết: “Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chế tác điệu múa Bài Bông nhân dịp Trần Nhân Tông cho dân mở hội “Thái Bình diên yến” ba ngày ăn mừng chiến thắng quân Nguyên”(?).

Như vậy, nếu nhân việc phục hồi điệu múa này mà đã cho rằng đã phục hiện được điệu múa cổ 700 năm thì sẽ là một sự ngộ nhận. Và chúng ta không nên để điều ngộ nhận này lưu truyền về sau.

Cần nói thêm rằng, nếu nói như sách Việt Nam ca trù biên khảo rằng: “Múa Bài Bông là nhã nhạc của đế vương, thịnh điển nhất trong nhạc giới” thì tại sao tất cả các bộ sử các đời đều không ghi một chữ nào về điệu múa Bài Bông.

Theo khảo sát của chúng tôi thì thư tịch cổ có ghi nhận về múa Bài Bông. Trong tài liệu ghi là Bát bài hoa và chỉ xuất hiện một lần trong sách cổ “Ca trù tạp lục” (AB.426, Viện Hán Nôm). Sách cổ khi ghi về điệu vũ Bát bài hoa này cũng ghi phần lời của nó. Cho đến nay, chỉ có hai tập sách “Việt Nam ca trù biên khảo” (1962), “Tuyển tập thơ ca trù” (1987) là có chép lời của điệu ca vũ Bài Bông của ca trù.

Cần phải nói thêm rằng, sách cổ ghi tên điệu múa là Bát bài hoa và được các học giả miền Nam là Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề gọi là Bài Bông (Bông là hoa theo phương ngữ Nam bộ). Về sau, Ngô Linh Ngọc cũng chép theo các tác giả họ Đỗ là Bài Bông.

Về tư liệu tiếng, Viện Âm nhạc và Đài Tiếng nói Việt Nam là hai nơi lưu trữ được nhiều thể cách làn điệu ca trù. Nhưng trong đó cũng không hề có phần hát của điệu vũ Bài Bông. Cần phải nói thêm rằng, trong 99 thể ca trù chúng tôi thống kê được từ sách cổ thì chỉ có 34 thể ghi lại được phần lời, trong đó không có Bài Bông.

Về hình ảnh trang phục, chúng ta chỉ có 4 tấm hình do người Pháp chụp vào hai năm 1885 và 1924, được cung cấp miễn phí trên website nguyentl.free.fr để tạm tham khảo. Đó có phải là trang phục của điệu vũ Bài Bông hay không thì còn phải xác minh. Những bức ảnh người Pháp chụp lần đầu tiên được tôi giới thiệu tại cuộc họp triển khai xây dựng hồ sơ ca trù trình UNESCO do Bộ VHTT tổ chức vào năm 2005.

 Nhưng rất tiếc nhóm Tràng An lại không làm đúng theo những cứ liệu đó mà làm cho khác đi. Ví dụ đèn vuông thì họ làm đèn cánh sen, quần áo trang phục cũng khác với hình chụp năm 1885. Điều này khiến cho một số nghệ nhân ca trù khi xem giới thiệu trên truyền hình (VTV2, sáng mùng 4 Tết) cho rằng nó đã bị làm sai về trang phục (cả màu sắc, phụ trang).

Bài báo có nói rằng bà Kim Đức chủ yếu dựa trên trí nhớ của bà để phục dựng điệu múa này. Theo lời bà thì năm 1945, bà cùng một số đào hát đã trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ, trong đó có điệu múa Bài bông tại Nhà hát Lớn Hà Nội để lấy tiền cứu đói cho đồng bào.

Bà Kim Đức sinh năm 1931. Năm 1945 bà mới 14 tuổi, đứng trong đội múa này. Đến năm 1960, bà Kim Đức vào làm việc ở đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam và trở thành NSƯT ngành chèo rồi về hưu vào năm 1986. 14 tuổi tham gia đội múa để rồi đến tuổi gần 80 mới dựng lại một điệu múa cổ nên khó mà chính xác được 100% nên ngay chính bà đã trả lời phỏng vấn VTV2 rằng bà dựng lại không được 100% mà chỉ được 70-80%.

Theo chúng tôi việc phục hồi điệu múa cổ này cần được các nhà nghiên cứu về Hán Nôm, về lịch sử ca trù, nhất là về vũ đạo và lịch sử trang phục cùng góp công tu chỉnh, đối chiếu thì mới có thể hoàn thiện được. Để làm được điều này, nhất định phải có sự đầu tư từ phía Nhà nước, chứ không nên để “người dân tự phục dựng” theo chủ quan của mình được.

Tôi mong ước được thấy trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vũ điệu Bài bông của ca trù sẽ được trình diễn để công chúng Thủ đô cùng bạn bè muôn phương có dịp chiêm ngưỡng một vũ điệu sang trọng và cao quý của nghệ thuật dân tộc.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

(Viện nghiên cứu Hán Nôm)