Viết chuyện đời bằng một chữ "nhân"

ANTĐ - Đến làng chỉ cần hỏi nhà ông lang cụt tay, thì trẻ con cũng dẫn tới tận nhà. Còn nếu hỏi nhà văn Từ Thiết Linh, ở xóm 2, ắt các cô gái sẽ chỉ lối vì ông nổi tiếng ở làng về giải nhất truyện ngắn của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Người ta gọi ông là “Hai trong một”, kỳ nhân của làng Nhân Hậu. 

Nhà văn Từ Thiết Linh và những tác phẩm đã từng được xuất bản

Tai nạn bất ngờ

Cho dù tai nạn bị giật điện cao thế xảy ra đã gần 30 năm, nhưng ông không thể quên cái hôm bị cưa cụt hai cánh tay ở trong bệnh viện 103. Đất trời tưởng như tối sầm trước mắt, ông ngỡ mình bị rơi xuống một vực sâu khi không nhìn thấy hai bàn tay của mình đâu nữa. Sống hay là chết đây? Ông ngao ngán, rụng rời tâm trí, và tự than với trời đất rằng, sao trong cuộc chiến đấu đầy khói lửa và bom đạn với máy bay Mỹ, mình không hề run sợ và luôn giành chiến thắng, vậy mà khi xuất ngũ lành lặn trở về, hai bàn tay lại mất đi một cách “lãng xẹt” vậy?

Ông lặng đi với ký ức thuở đầu tiên hụt hẫng ấy. Tôi hỏi vì sao ông có thể vượt qua mấy lần định tự tử. Giọng ông trầm hẳn, nhưng tôi nghe rất rõ, đó là khi ông sực nhớ đến một câu viết của nhà văn Nguyễn Khải, trong truyện ngắn “Mùa lạc”, mà ông đọc được trong thời kỳ chiến đấu trên trận địa phòng không ở Hải Phòng. “Sự sống nảy sinh từ cái chết. Hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Thế rồi, chính từ cái đêm cuối cùng ở bệnh viện, ông đã viết ra trong đầu những câu thơ đầu tiên: “Sống mà dạy bảo các con/Để mà quy tụ trông nom gia đình”. Chỉ đơn giản như vậy. Ông “vịn” vào những câu thơ mà đứng dậy từ đó.

Nhưng mọi sự bắt đầu không chỉ là muốn mà được, bởi lẽ hai cánh tay ông do bị hoại tử nên bị cưa tới gần khuỷu tay. Tôi cũng không hiểu ông đã tập luyện như thế nào mà đến nay ông làm được mọi việc. Nhìn ông lấy hai mỏm tay cụt ôm cây bút bi viết tặng tôi tập sách mới xuất bản, mà thấy xốn xang. Ông kể phải ôm bút tập viết ròng rã bốn tháng liền mới ra dáng con chữ. Nhiều đêm, hai mỏm cùi tay bị rớm máu, vì ghì cây bút chặt quá. Những con chữ ban đầu to đúng bằng quả trứng gà. Ngày mỗi ngày con chữ nhỏ dần, với những cảm xúc mãnh liệt, cùng phép “luyện đan” kỳ diệu. Những giây phút thiền trong niệm vô bờ, cùng với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, ông đã tập sáng tác văn học từ đây.

Điều kỳ diệu

Ông kể, niềm vui sướng của mình được khởi đầu bằng bài thơ “Rất yêu”, với bút danh Từ Thiết Linh được in trên báo Tiền Phong, năm 1991. Nghĩa là sau 6 năm rèn bút và luyện thần, tác phẩm của ông đã được giới trẻ đón nhận. Bài thơ đánh dấu sự hồng hào trở lại của một trái tim đa cảm và giàu trải nghiệm trong đường đời. Ông bất ngờ đọc mấy câu, nghe dịu dàng làm sao: “Rất yêu những mảnh đời thường/Rất yêu khóm huệ ngát hương bên nhà/Rất yêu những điệu dân ca/Ngọt ngào tiếng mẹ ru ta thuở nào”.

Thế rồi ông kể, bao đêm những ký ức trở về bên trang viết, khó nhọc bên chiếc bàn nước. Trang bản thảo đầu tiên đẫm mồ hôi trên hai mỏm tay cụt của ông. Có những chữ bị nhòe đi vì nước mắt rơi xuống. Bởi đó là mảnh đời đầy cay đắng của ông được viết lại, trong những ngày trải qua khổ đau. Đó còn là những giọt máu tuôn trào thấm vào đất khi ông trồng những cây rau xanh đầu tiên trong vườn nhà. Ấy là khi bàn chân ông bị thủy tinh đâm vào chân mà không có cách nào rút được ra, vì không còn bàn tay nữa. Máu chảy, nhưng rồi vườn rau ngày một xanh tươi. Cây nhãn ngày một lớn và sum suê quả. Con cái mỗi lớn một ngoan. Tất cả đều đi vào trang viết như một sự an ủi lớn cho một kẻ tưởng như đã rơi vào tuyệt vọng.

Chưa hết, ông còn kể sau khi ở bệnh viện về ông còn cùng vợ con bốc thuốc cứu người, cho cả làng Nhân Hậu này. Ai cần đến là ông giúp. Ông dày công nghiên cứu thuốc đông Y, sau 20 năm, giờ ông đã là hội viên Hội Đông y huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và có nhiều giấy khen vì thành tích trong hoạt động y học. Cùng với tấm lòng nhân hậu đó,  người con trai ông cũng nguyện đi theo học nghề thuốc của bố. Hiện anh là bác sĩ của một bệnh viện tỉnh Hà Nam. Biết bao tình cảm của con người đến với ông. Biết bao câu chuyện của cuộc đời đem đến cho ông những hư cấu và tích cóp để làm nên những cốt truyện ngắn đầy tính nhân văn. Đó là truyện ngắn nổi tiếng “Tôi là công nhân”, đoạt giải nhất trong cuộc thi viết truyện ký năm 2000, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam tổ chức. Từ đó, cái tên Từ Thiết Linh đã trở nên quen thuộc với tập truyện ngắn đầu tay: “Bến lỡ”( NXB Lao động-2000). Hai năm sau đó, ông được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam. Rồi sau đó ông còn được dự trại sáng tác của Hội và học những kinh nghiệm sáng tác qua những bài giảng của nhà văn Trần Khắc Trường. Cái tên Từ Thiết Linh ngày càng được khẳng định qua những xuất bản mới như: “Miền quê trăn trở” , NXB Hội Nhà văn 2004; Rồi đến “Dòng đời rong ruổi” NXB Lao động-2009. Và, thêm nữa đó là “Hương đất”- NXB Hội Nhà văn 2010, tập thơ với 92 thi phẩm về quê hương...

Từ Thiết Linh là thế đó, luyện thần và rèn bút bằng hai mỏm tay cụt, cùng với tình yêu cuộc sống tha thiết, ông đã viết lên những nguồn văn chia sẻ với  nhân tình thế thái. Cùng những con chữ sâu sắc tình đời, ông vẫn còn tìm ra những lá cây, ngọn cỏ đem lại hương thơm, sức khỏe cho con người. Ông là một con người nhân hậu trong lũy tre làng Nhân Hậu, trên đôi bờ sông Châu Giang êm đềm trôi, trong nỗi niềm mênh mông tình yêu cuộc sống.