Từ mùa đông năm ấy…

ANTD.VN - Một chiều cuối đông năm 1946, có chú bé tên là Canh từ Hà Nội đi bộ về làng Đa Sỹ. Mẹ chú mắng: “Cho ra Hà Nội là để học chứ đâu động tí về nhà”. Chú bé Canh nói nũng “Nhớ u là con lại về”. Ai ngờ, sau lần đó chú bé tên Canh ấy phải mang nỗi nhớ mẹ mình đằng đẵng suốt tám năm trời. Mãi cho tới sau ngày 10-10-1954, anh bộ đội Lê Ngọc Canh mới về thăm lại nhà được.

Từ mùa đông năm ấy… ảnh 1Giáo sư, Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh

Trong sáu mươi ngày đêm, bắt đầu từ đêm 19-12-1946, trên những chiến lũy đường phố Thủ đô người ta thường bắt gặp hình ảnh những chú bé con tuổi từ 9 tới 13, len lỏi giữa hai làn đạn, lúc thì tiếp đạn cho chiến sĩ ta, khi thì đem đến những khẩu phần ăn ít ỏi. Hình ảnh những “Chú bé Gavroche” trên chiến lũy của Công xã Paris trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của văn hào Victor Hugo năm nào lại hiện diện chân thực ngay trên những chiến lũy Hà Nội. Những chú “Vệ út” - cách gọi thân thương của các chiến sĩ Liên khu 1, đã nhập thân vào “cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc”. Chú bé tên Canh là một trong những Vệ út của ngày ấy. Và đây chính là bước ngoặt đầu tiên nhưng vô cùng trọng đại trong cuộc đời của chú bé tên Canh.

Cùng Trung đoàn rút khỏi Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc nhằm chuẩn bị cho bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, cuộc đời chú bé Canh lại có thêm một bước ngoặt. Số là đơn vị thường tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ giao lưu với nhân dân địa phương nơi đóng quân. Thấy chiến sĩ Canh, mặt mày khôi ngô, tính tình lại hiền hòa nên các anh các chú trong đơn vị khuyến khích tham gia sinh hoạt. Chú bé Canh được phân công làm nhiệm vụ múa minh họa cho các màn hát kịch, bởi vì đơn giản chú còn quá nhỏ để làm những việc lớn hơn. Đâu ngờ từ đó mở ra con đường đến với nghệ thuật với chú bé này.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh sinh năm 1933, trong một gia đình làm nghề nông. Nhà ông có bốn anh chị em và ông là người con thứ ba. Làng Đa Sỹ quê ông vốn là một làng cổ nằm nép mình bên dòng sông Nhuệ nên thơ (Đa Sỹ nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Vùng quê này được xem là một trong những “đất học” ở xứ Sơn Nam Thượng, cũng là làng có nghề rèn cổ truyền nổi danh. 

 Nói đến Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh không thể không nói đến một con người có vẻ ngoài bình dị đến lành hiền nhưng lại rất đáng nể trọng. Và nói về ông là nói về những “con người” trong ông. 

Con người thứ nhất là “Con người biên đạo múa”. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có một gia tài “khổng lồ” với hơn 160 vở múa và điệu múa. Những tác phẩm này đều do ông biên đạo và dàn dựng với cảm hứng từ chính cuộc sống hối hả và cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân ta ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong đó có tác phẩm múa từng đoạt Huy chương Vàng và Bạc quốc gia, Huy chương Vàng quốc tế (Matxcơva 1957 và Berlin 1973). 

Con người thứ hai trong ông là “Con người lý luận múa”. Với một ngành nghệ thuật mới như múa hiện đại, thì lý luận đóng vai trò vô cùng cần thiết. Do vậy, những tác phẩm nghiên cứu của ông đã đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận văn học nghệ thuật chung. Với 20 đầu sách, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh đã cùng các nhà lý luận khác xây dựng nên cơ sở lý luận múa Việt Nam một cách bài bản, hệ thống, trong đó nhấn mạnh nội dung kế thừa truyền thống và tiếp thu tinh hoa từ thế giới.

Ông cho biết: “Hồi theo học ở nhạc viện bên nước bạn Bulgaria, các thầy bên đó đã gợi ý, Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là về lý luận về múa, em nên đi bằng hai chân. Đó là, biên đạo múa và lý luận về múa. Tôi đã tiếp thu lời góp ý đó một cách hồ hởi và nghiêm túc”. Các tác phẩm lý luận như: Múa tín ngưỡng dân gian Việt Nam; Nghệ thuật Múa người Châu Ro; Nghệ thuật múa Chèo; Nghệ thuật Múa Chăm… tất cả đều có được sau những chuyến đi về các địa phương của ông.

Con người thứ ba trong ông là “Con người tâm huyết với các làn điệu múa dân gian và cổ truyền”. Ông đã đi nhiều nơi trong nước, đã gặp nhiều người và đã sưu tầm rồi phổ biến những điệu múa đậm đà bản sắc của 54 dân tộc anh em. Tất cả những điều thu lượm đó ông đều “chuyển hóa” thành những vở múa, điệu múa. Ông cũng thống kê, ghi chép lại để làm tài liệu lưu giữ và phổ biến. Các vở múa như: Thiếu nữ Chăm; Múa Nhịp điệu rừng xanh; Múa Tiếng đàn Chinh Krên hay Múa Trống hội Lô Lô… là những ví dụ điển hình.. 

Những đóng góp của Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh thật đa dạng, thuyết phục và cảm động. Tấm lòng của ông với nghệ thuật múa Việt Nam thật đáng trân trọng. 

Sau thời gian dài trực tiếp ở các đơn vị nghệ thuật, rồi được cử đi học nâng cao nghiệp vụ ở trong nước và ở nước bạn Bulgaria, ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như: Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhịp điệu… Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh đã gắn tên tuổi mình với nghệ thuật múa nói riêng và với văn học nghệ thuật nói chung. Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật mà Nhà nước trao tặng cho ông nói lên sự đánh giá đúng đắn nhất.

Ở Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh còn có một con người thứ tư nữa đó là “Con người làm thầy”. Rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trong “làng múa” cũng như những người đảm nhiệm các vị trí quan trọng của ngành múa từng được ông kèm cặp từ những ngày đầu tiên bước vào nghề. Nghệ sĩ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh khi nói chuyện với chúng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn đối với người thầy của mình đồng thời chia sẻ  về cảm xúc vẹn nguyên khi học những điệu múa của thầy Lê Ngọc Canh.

Hay như Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ứng Duy Thịnh đã được ông hướng dẫn khi làm luận văn Tiến sĩ… Với ông, công việc đào tạo đó không chỉ là một phần của đời sống mà nó là khâu quan trọng không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật. Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh luôn đau đáu một điều, đó là làm thế nào để những cống hiến của thế hệ trước được thế hệ sau đón nhận, tiếp thu và nhân rộng. Giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh tâm sự: “Về hưu rồi mới có nhiều thời gian dành cho Hà Nội, quê hương yêu dấu của mình”. Mọi người thường gặp ông, khi thì đầy hào hứng trong một hội làng, lúc thì như một người tha thẩn đi tìm thi tứ. Và cả những khi ông hồ hởi trao đổi với các nghệ sĩ đồng nghiệp trong hội nghệ sĩ múa Hà Nội. 

Kết quả từ những chuyến đi về các làng ngoại thành Hà Nội cùng các cộng sự đã giúp ông thêm tin vào công việc mình đang làm. Mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến luôn ăm ắp những giá trị văn hóa dân gian, luôn tràn đầy sức sống những giá trị nghệ thuật truyền thống. Mảnh đất ngàn năm đang giữ trong mình một kho tàng lớn bao gồm hàng trăm, hàng ngàn những điệu múa, làn điệu múa cổ truyền.  Tác phẩm đồ sộ “Múa cổ truyền Hà Nội”, nêu rõ quá trình sưu tầm, đánh giá đầy đủ một cách hệ thống. Tác phẩm nghiên cứu có bài bản và có sức truyền đạt sâu rộng do ông làm chủ biên và do Hội nghệ sĩ múa Hà Nội chủ trì đã ra mắt khán giả. Đó là tác phẩm có tính tổng hợp và đầy tính phổ biến giúp ngành văn hóa nghệ thuật Thủ đô Hà Nội gìn giữ và phát huy trong công cuộc xây dựng Thủ đô hiện đại văn minh. 

Ra đi từ mùa đông năm ấy... Bảy mươi năm như một giấc mơ vẫn đang tiếp diễn, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Canh còn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng khốc liệt nhưng đầy hào hùng. Những kỷ niệm về tháng ngày trên chiến hào cảm tử của lớp lớp chiến sĩ Thủ đô dường như chưa khi nào nguôi nghỉ. Tất cả đã tôi luyện nên một người nghệ sĩ thực thụ..