Trưởng thành và thi cử

ANTD.VN - Mùa hè năm 1988, trong khi chờ đến ngày thi vào THPT (hồi đó thi vào cuối mùa hè), tôi về quê chơi. Đó là một mùa hè rực rỡ, bởi với một đứa trẻ 15 tuổi thì thế giới vừa bắt đầu được mở ra với những phát hiện kỳ diệu về bản thân.

Trưởng thành và thi cử ảnh 1Với lũ trẻ bây giờ, mỗi cuộc thi là một “cuộc chiến” và còn đâu những mùa hè thỏa thích chơi đùa 

Ở quê, tôi có một nhóm bạn mùa hè, hầu hết là anh em họ hàng đồng lứa. Những cuộc trò chuyện qua ngày, xuyên đêm của lũ trẻ 15 cho tôi nhiều kiến thức về cuộc sống hơn bất kỳ khóa học nào trước đó và sau này. Và tôi muốn mùa hè đó dài mãi. 

Một ngày cuối tháng bảy. Bố tôi về làng khi tôi còn đang theo một chuyến đi đánh cá ngoài biển. Lúc tôi về đến nhà, bố đã thu dọn đồ đạc của tôi vào ba-lô, ông bảo: “Chào bạn bè đi, mai lên Hà Nội sớm”. Bố tình cờ gặp cô giáo dạy văn của tôi, nghe cô hỏi thăm mới tình cờ biết tôi sắp thi vào cấp III. Cô giáo bảo bố về quê đón tôi lên để cô phụ đạo ít bữa trước khi thi.

Tôi lên Hà Nội, tối tối đạp xe đến nhà cô giáo để ôn môn Văn. Hồi đó tivi đang chiếu bộ phim dài tập “Tất cả các dòng sông đều chảy”. Hai cô trò pha trà nói chuyện rồi xem phim. Hôm sau tôi sẽ nộp cho cô một bài tự luận về tập phim vừa xem.

Ngày thi, tôi đạp xe đến điểm thi, chiều định đạp xe về đã thấy bố tôi đợi ở cổng trường. Đó là lần đầu tiên tôi được bố đón. Ông đưa tôi ra một quán bia ở Ô Chợ Dừa, gọi đậu rán phồng và bia hơi cho tôi. Bố tôi bảo: “Giờ anh đã là thanh niên rồi. Nếu anh học tốt, thi đỗ, bố mẹ sẽ nuôi anh học đến khi nào anh đi làm. Nếu không đỗ, anh sẽ đi học nghề, rồi đi làm. Bố mẹ sẽ chỉ nuôi anh khi anh còn đi học” - Đó là lần đầu tiên tôi uống bia một cách công khai, và tôi xin bố một điếu thuốc, châm lửa hút như một cách thể hiện sự xác nhận trưởng thành.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Tôi không biết nếu như không có bữa bia trưởng thành đó thì cuộc đời mình rồi sẽ ra sao. Bởi nhờ có bữa đó, tôi đã bắt đầu phải suy nghĩ về tương lai của mình, về những điều mình sẽ phải đối diện, về những kỹ năng phải chuẩn bị để sẵn sàng bước vào một cuộc sống tự lập.

Dù lúc đó tôi không nghĩ rằng tôi sẽ phải đối diện với cuộc đời sớm thế. Hai năm sau, bố tôi làm ăn sa sút, để tiếp tục học nữa, tôi phải bươn trải, tự cân đối mọi nhu cầu của bản thân, tự cân nhắc việc mình nên tiếp tục đi học nữa hay không.

Thời điểm khó khăn ấy, tôi thực sự biết ơn bố mình vì bữa bia hơi ngày tôi thi vào cấp III. Nhờ bữa bia đó mà tôi đã không tuyệt vọng trước sự bất trắc của cuộc đời, đã có thể bình thản đối diện với những lựa chọn của mình trong thời khắc khó khăn.

Bây giờ là mùa hè, và những đứa trẻ vừa trải qua những kỳ thi đùng đùng như cơn sốt. Đó là điều mà tôi không hiểu. Tôi không hiểu vì sao mà những kỳ thi lại trở nên điên cuồng như thế? Từ kỳ thi của tôi đến kỳ thi của những đứa trẻ bây giờ, nhân loại đã đi từ cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 lên 4.0, nhưng những kỳ thi lại đang cho thấy sự trưởng thành của những đứa trẻ dường như mỗi ngày một chậm hơn khi mà cả xã hội lên đồng vì sự khó, hay dễ của đề thi con trẻ.

Năm ấy, tôi đã đi qua kỳ thi một cách rất nhẹ nhàng, cho dù 8 năm học trước đó tôi chưa từng đạt học sinh giỏi. Trước kỳ thi, tôi đã có một kỳ nghỉ hè vô cùng sảng khoái mà không cần ôn tập.

Hồi đó, tôi học gì nhớ nấy, bởi kiến thức phổ thông không quá nhiều, và quá phức tạp như bây giờ. Tôi xem một bộ phim dài tập về nước Australia xa xôi cùng cô giáo dạy văn để có thể đạt điểm cao khi phân tích về thơ Tố Hữu, bởi vì được dạy rằng văn chương có những nguyên tắc cơ bản để người ta có thể tưởng tượng và liên hệ với cuộc sống của mình.

Với lũ trẻ bây giờ, mỗi cuộc thi là một “cuộc chiến”, và chúng phải học ngày học đêm, nạp vào đầu, và ghi nhớ vô vàn kiến thức được dạy ở trường. Điều đó khiến chúng trở nên thụ động trong tư duy, vì không còn không gian cho sự tưởng tượng, liên hệ và phát triển những suy nghĩ của riêng mình.

Những ngày thi của bọn trẻ, tôi đi qua những điểm trường, nhìn những gương mặt lo âu hồi hộp của phụ huynh mà thương cho lũ trẻ. Thương, bởi vì trước những âu lo ấy của mẹ cha, lũ trẻ chưa được phép trưởng thành, bởi chúng chưa được sống với suy nghĩ của mình khi có người nghĩ hộ.

Bây giờ, người ta vẫn đang nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo, của những chiếc máy tính có thể tự học, tự phát triển thông qua trải nghiệm với người dùng. Trong khi đó, lũ trẻ của chúng ta thì đang mất dần khả năng tự trưởng thành khi thay vì tự suy nghĩ, tự trải nghiệm thì chúng được update kiến thức bằng các chương trình đào tạo mỗi lúc một phức tạp và nhiêu khê, thông qua khả năng chi phí cho giáo dục của mẹ cha.

Con cái chúng ta có còn cần trưởng thành nữa hay không? Hay việc trưởng thành đã trở thành đặc quyền của những chiếc máy tính với trí tuệ nhân tạo? 

Ở quê, tôi có một nhóm bạn mùa hè, hầu hết là anh em họ hàng đồng lứa. Những cuộc trò chuyện qua ngày, xuyên đêm của lũ trẻ 15 cho tôi nhiều kiến thức về cuộc sống hơn bất kỳ khóa học nào trước đó và sau này. Và tôi muốn mùa hè đó dài mãi.